Mặc dù Sao Kim không phải là hành tinh gần Mặt Trời nhất, nó vẫn là hành tinh nóng nhất. Nó có một bầu khí quyển dày đặc chứa đầy khí nhà kính carbon dioxide và những đám mây làm từ axit sunfuric. Khí giữ nhiệt và khiến cho Venus trở nên nóng nực. Trên thực tế, Sao Kim nóng đến nỗi các kim loại như chì cũng sẽ trở thành những vũng chất lỏng nóng chảy.

Sao Kim trông giống như một hành tinh rất năng động. Nó có núi và núi lửa. Sao Kim có kích thước tương tự như Trái Đất. Trái Đất chỉ lớn hơn một chút mà thôi.

Sao Kim khác thường vì nó quay theo hướng ngược lại so với Trái Đất và hầu hết các hành tinh khác. Và vòng quay của nó rất chậm. Mất khoảng 243 ngày Trái Đất thì Sao Kim mới chỉ quay một vòng. Bởi vì nó rất gần Mặt Trời, một năm trôi qua rất nhanh. Mất 225 ngày Trái Đất để Sao Kim đi hết một vòng quanh Mặt Trời. Điều đó có nghĩa là một ngày trên Sao Kim dài hơn một năm trên Sao Kim.

Vì độ dài ngày và năm tương tự nhau nên một ngày trên Sao Kim không giống một ngày trên Trái Đất. Ở đây, Mặt Trời mọc và lặn mỗi ngày một lần. Nhưng trên sao Kim, Mặt Trời mọc sau mỗi 117 ngày Trái Đất. Điều đó có nghĩa là Mặt Trời mọc hai lần mỗi năm trên Sao Kim, mặc dù nó vẫn là cùng một ngày trên Sao Kim! Và vì Sao Kim quay ngược nên Mặt Trời mọc ở phía tây và lặn ở phía đông.

Cũng giống như Sao Thủy, Sao Kim không có bất kỳ mặt trăng nào.

Cấu trúc và bề mặt

  • Sao Kim là hành tinh nóng nhất trong Hệ Mặt Trời của chúng ta.
  • Sao Kim là một hành tinh đất đá, kích thước nhỏ và nhiều đá.
  • Sao Kim có một bầu khí quyển dày. Nó giữ nhiệt và làm cho Sao Kim trở nên rất nóng.
  • Sao Kim có bề mặt hoạt động, bao gồm cả núi lửa!
  • Sao Kim quay theo hướng ngược lại so với Trái Đất và hầu hết các hành tinh khác.

Thời gian trên Sao Kim

  • Một ngày trên Sao Kim dài bằng 243 ngày Trái Đất.
  • Một năm trên Sao Kim dài bằng 225 ngày Trái Đất.

Hàng xóm của Sao Kim

  • Sao Kim không có bất kỳ mặt trăng nào.
  • Sao Kim là hành tinh thứ hai tính từ Mặt Trời. Điều đó có nghĩa là Sao Thủy và Trái Đất là hai hành tinh lân cận của Sao Kim.

Lược sử

  • Sao Kim đã được biết đến từ thời cổ đại vì nó có thể được nhìn thấy dễ dàng mà không cần kính thiên văn.
  • Sao Kim đã được một số tàu vũ trụ viếng thăm: Mariner 2, Mariner 5, Mariner 10, Pioneer Venus 1, Pioneer Venus 2, và một tàu quỹ đạo tên là Magellan.

Một số hình ảnh

Ở đây bạn có thể nhìn thấy những đám mây bao phủ Sao Kim.

Đây là tổng hợp những hình ảnh được chụp bởi tàu vũ trụ Magellan. Màu sắc đã được thay đổi để bạn có thể thấy tất cả sự khác biệt trên bề mặt Sao Kim. Magellan đã sử dụng radar để lấy thông tin về bề mặt của Sao Kim, thứ mà chúng ta thường không thể nhìn thấy do bầu khí quyển dày và nhiều mây.

Một miệng núi lửa trên bề mặt sao Kim. Nó rộng 45 dặm (72 km).

Tham khảo

NASA SpacePlace: All About Venus


Bài viết xem nhiều

Bài viết cùng chuyên mục