Tôi không thể quên nói với các bạn về một điểm khác mà tôi chú ý và ngạc nhiên. Đó là điểm này: Ở giữa trung tâm của Mặt Trăng dường như có một hố có hình tròn tuyệt đối và lớn hơn hẳn những chỗ khác. Tôi đã quan sát kĩ hố này vào cả tuần trăng thứ nhất lẫn tuần trăng thứ ba mà tôi đã cố gắng hết sức để phác họa lại trong hình vẽ. Cái hố này tạo ra hình ảnh giống như hiệu ứng của ánh sáng và bóng râm trong một vành đai do vùng Bohemia[8] tạo ra trên trái đất khi nó bị bao bọc bởi các ngọn núi cao vòng quanh theo chu vi của một hình tròn. Bởi vì miệng hố này được bao bọc bởi các ngọn núi cao ngất như thế nên các phần xa nhất vẫn còn nằm trong nửa tối của Mặt Trăng nhưng lại nhìn giống như đang tắm trong bể ánh sáng Mặt Trời trước khi cả biên giới hai nửa tối sáng nằm ngay chính giữa của Mặt Trăng.

Nhưng cũng như tính chất chung của các chấm đen khác, phần bị che phủ của nó cũng nằm gần với hướng của Mặt Trời hơn và phần được chiếu sáng nằm gần về nửa tối của Mặt Trăng hơn. Đây là bằng chứng thứ ba mà tôi khuyên độc giả nên chú ý vì nó là một trong những minh chứng xác thực nhất về sự tồn tại của bề mặt gồ ghề khấp khuỷu trải dài suốt cả nửa sáng của Mặt Trăng. Hơn thế nữa, trong các chấm đen này, những chấm đen nhất luôn luôn nằm gần về biên giới của hai nửa tối sáng và những chấm đen ở xa hơn thường có kích thước nhỏ hơn và cũng đỡ tối hơn. Vì vậy, cuối cùng khi trăng tròn, sự tương phản giữa bóng tối của các hố với độ sáng của các chỗ lồi lên cũng đã bớt đi rất nhiều.

Những hiện tượng mà ta đã bàn ở trên chỉ là những gì được quan sát ở nửa sáng của Mặt Trăng. Ở các chấm đen lớn, chúng ta có thể không thấy sự tương phản quá lớn giữa phần lồi và phần lõm như chúng ta đã thấy ở các phần sáng nhờ vào sự thay đổi hình dạng do độ chiếu sáng khác nhau gây ra bởi sự đa dạng của vị trí Mặt Trời đối với Mặt Trăng. Nhưng, ở trong các chấm đen lớn vẫn có sự tồn tại của các vùng tối hơn những vùng khác một ít như tôi đã vẽ trong hình minh họa. Những vùng này thường có biểu hiện giống nhau và độ sâu của bóng của chúng không tăng lên mà cũng chẳng giảm xuống. Thực ra cũng có lúc chúng tối hơn hoặc sáng lên một ít nhưng sự thay đổi này cực kì ít vì ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống chúng thường thường xiên một ít. Bên cạnh đó, chúng cũng nhẹ nhàng tiếng gần đến các chấm đen bên cạnh, từ từ tiếp xúc và hòa mình vào đó.

Nhưng những chấm đen này khá khác biệt với các chấm đen ở trong nửa sáng của Mặt Trăng, bởi vì, cũng như những vách đá cheo leo với vô số các mỏm đá dốc và gồ ghề, chúng cũng có các đường biên rõ rệt nhờ vào độ tương phản cao của ánh sáng và bóng râm. Hơn thế nữa, bên trong những chấm lớn này có một số vệt được chiếu sáng hơn cả vùng xung quanh Một số thực sự rất sáng nhưng biểu hiện của chúng cũng như của phần tối luôn luôn giống nhau. Không có sự thay đổi về hình dạng và kích thước hoặc độ sâu của bóng râm. Không còn nghi ngờ gì nữa, biểu hiện của chúng là do sự khác nhau của các vùng. Và không chỉ cấu hình của chúng khác nhau, làm bóng râm của một vùng biến đổi khác lạ nhờ vào độ chiếu sáng khác nhau của Mặt Trời. Điều này cũng thực sự đúng các chấm đen nhỏ khác trên nửa sáng của Mặt Trăng. Chúng thay đổi, tăng, giảm và biến mất cũng tương tự như thể chúng sinh ra chỉ là do bóng râm của đỉnh núi vậy.

Ở đây tôi có cảm giác rằng một vài người có thể sẽ gặp khó khăn với các nghi ngờ vô căn cứ, và có lẽ khó khăn trong việc hiểu thấu đáo những điều này buộc họ phải cảm thấy không chắc chắn về những kết luận mà tôi vừa giải thích với nhiều hiện tượng khác nhau. Nếu như bề mặt của phần được chiếu sáng nhất của Mặt Trăng có đầy rẫy những đường ngoằn ngoèo, nhô lên và lõm xuống, tại sao rìa bên ngoài của Mặt Trăng hướng về hướng tây khi trăng non? tại sao nửa kia của Mặt Trăng lại hướng về hướng tây khi trăng khuyết? Và tại sao khi trăng tròn, cả hình tròn không bị gồ ghề, mấp mô và ngoằn ngoèo nữa mà lại cực kỳ tròn như thể được vẽ bằng compa và cũng không còn những đường răng cưa nhô lên lõm xuống nữa? Và đáng chú ý nhất, đường biên bên ngoài rất liên tục, không hề bị cắt ngang nằm trong vùng sáng của Mặt Trăng mà tôi đã nói là vùng có rất nhiều chỗ nhô lên và lõm xuống. Cũng không có một chấm đen lớn nào nằm gần về phía đường biên mà tất cả đều nằm cách rất xa đường biên. Hiện tượng này đủ khả năng để gây ra một số nghi ngờ nghiêm trọng mà tôi chỉ nêu ra ở đây hai nguyên nhân cùng với hai câu trả lời.

Giải pháp thứ nhất là: Nếu như những chỗ lồi lên và lõm xuống của Mặt Trăng chỉ tồn tại trên đường biên của hình tròn bao bọc bán cầu mà ta nhìn thấy thì Mặt Trăng có lẽ hay đúng hơn là phải trông như một bánh răng cưa bao bọc bởi một hình tròn không đồng nhất và ngoằn ngoèo. Nhưng nếu như, thay vì một nhúm các điểm nhô lên chỉ tập trung vào đường biên, nhiều rặng núi với những hố sâu và đường đèo khấp khuỷu xếp chồng lên nhau ở gần đường biên của Mặt Trăng, không chỉ ở đường biên của bán cầu nhìn thấy được mà cả đường biên ở bán cầu phía bên kia không nhìn thấy được. Khi mắt ta nhìn từ xa sẽ không có khả năng phát hiện được sự khác nhau giữa những điểm nhô lên và lỏm xuống. Bởi vì khoảng cách giữa các đỉnh núi trên cùng một hình tròn hay trên cùng một dãy bị che khuất bởi các phần nhô ra của các đỉnh núi nằm ở các rặng núi khác đặc biệt khi mắt người quan sát hướng đúng vào đỉnh của các chỗ nhô lên như đã nói. Vì vậy trên trái đất, một số đỉnh núi nằm gần nhau nhìn như là một nếu như ta quan sát từ một điểm cùng độ cao nhưng rất xa. Khi biển động, đầu của các ngọn sóng nhìn từ xa như một bức màn, mặc dù thực tế ở giữa biển cả có rất nhiều xoáy nước và lỗ trũng rất sâu có thể che khuất không chỉ thân tàu mà cả khung tàu, quạt gió và cột buồm của một con tàu lớn. Cũng tương tự, ở giữa Mặt Trăng hay ở đường biên của Mặt Trăng, thứ tự của các chỗ nhô lên và lỏm xuống rất đa dạng, nhưng nếu ta nhìn từ xa thì tất cả đều gần như nằm trên một mặt phẳng. Đỉnh của chúng không có gì khác lạ, cũng hiện ra như một đường thẳng không gãy gọn và cũng không gồ ghề dưới ánh sáng lướt qua.

Ta có thể thêm vào một giải thích khác, bao bọc xung quanh Mặt Trăng cũng như xung quanh trái đất là một vỏ bọc chứa vật chất đặc hơn ête đủ để hấp thụ và phản xạ lại ánh sáng Mặt Trời, mặc dù nó không thể chắn được hết ánh sáng. Nên ta vẫn có thể nhìn xuyên qua nó đặc biệt là khi không được chiếu sáng. Vỏ bọc này, khi được chiếu sáng bởi ánh sáng Mặt Trời, làm cho Mặt Trăng như to hơn kích thước thật của nó và có lẽ sẽ không cho ta nhìn xuyên qua Mặt Trăng nếu như vỏ bọc này dày hơn. Giờ đây, đường biên tròn bao bọc xung quanh Mặt Trăng cũng lớn hơn. Lớn hơn ở đây, ý tôi không phải là độ dày thực tế mà là tia nhìn của ta không còn thẳng nữa mà bị bẻ xiên đi. Vì thế, nó mới có thể cắt đứt tầm nhìn của chúng ta, đặc biệt là khi đang ở trong trạng thái sáng, và nó có thể che khuất đường biên tròn thực tế của Mặt Trăng ở nửa sáng hướng về Mặt Trời.

Điều này có thể được hiểu rõ hơn như dựa vào hình vẽ sau đây (hình 7), trong đó Mặt Trăng ABC được bao bọc bởi một bầu khí quyển xung quang DEG. Mắt tại điểm F có thể nhìn xuyên qua phần giữa của Mặt Trăng tại điểm A có độ dày DA của bầu khí quyển. Nhưng nếu mắt nhìn xuyên qua phần mép góc, một khí quyển có độ sâu lớn hơn EB sẽ chặn ngay tầm nhìn của chúng ta. Một điểm ủng hộ giả thuyết này là phần được chiếu sáng của Mặt Trăng có vẻ như có chu vi lớn hơn phần còn lại của quả cầu nằm trong bóng râm.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê! http://vatlythienvan.com

Hình 7: Mặt Trăng có lẽ hay đúng hơn là phải trông như một bánh răng cưa bao bọc bởi một hình tròn không đồng nhất và ngoằn ngoèo.

Có lẽ một vài người sẽ nghĩ rằng lý do này cũng sẽ đủ khả năng để giải thích một cách hợp lý tại sao những chấm lớn (greater sport) với bất kì kích cỡ nào trên Mặt Trăng lại không nằm gần các mặt của đường vòng tròn bao quanh mặc dù ta có đủ điều kiện để cho rằng ít nhất một vài cái phải được tìm thấy gần đường biên hoặc bất cứ nơi nào khác. Và có lẽ như sự hiện diện của các chấm đen là có thật nhưng chúng ta không thể nhìn thấy chúng bởi vì bầu khí quyển quá dày và quá sáng đã hạn chế tầm nhìn của ta.

Tôi nghĩ là tôi đã đưa ra giải thích rất đầy đủ và rõ ràng về hiện tượng phần sáng của Mặt Trăng có lốm đốm các chỗ nhô lên và lõm xuống. Bầy giờ, vấn đề còn lại chỉ là bàn luận về kích thước và chỉ ra rằng sự gồ ghề của trái đất rất bé hơn rất nhiều so với độ gồ ghề của Mặt Trăng. Ý của tôi ở đây cho rằng bé hơn là bé hơn tuyệt đối chứ không chỉ là bé hơn tương đối do tỉ lệ kích thước của hai tinh cầu. Điều này có thể được chỉ ra như sau: Bởi vì tôi quan sát các vị trí khác nhau của Mặt Trăng tương ứng với Mặt Trời, một vài đỉnh núi trong nửa tối của Mặt Trăng rất sáng cho dù chúng ở khá cách xa với đường biên giới của hai nửa tối sáng. Bằng cách so sánh khoảng cách của chúng với đường kính của Mặt Trăng, tôi đã nhận ra rằng thỉnh thoảng nó vượt quá một phần hai mươi đường kính của Mặt Trăng. Giả sử khoảng cách này chính xác là một phần hai mươi đường kính, tôi minh họa Mặt Trăng bằng hình vẽ sau (hình 8):

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê! http://vatlythienvan.com

Hình 8: Sự gồ ghề của trái đất rất bé hơn rất nhiều so với độ gồ ghề của Mặt Trăng

Trong đó CAF là một hình tròn lớn với tâm E và CF là đường kính và đường kính này có tỉ lệ 2:7 so với đường kính của trái đất. Và theo như đo đạc chính xác nhất bây giờ là 7000 dặm Italy, như vậy CF sẽ là 2000 nghìn dặm và bán kính CE sẽ là 1000 dặm, một phần 20 của đường kính CF sẽ là 100 dặm. Đồng thời ta cũng xem đường kính CF của hình tròn lớn là đường biên chia đôi hai nửa sáng tối (do ở khoảng cách từ Mặt Trời đến Mặt Trăng rất xa nên có thể xem hình tròn nhỏ này không khác lắm so với hình tròn lớn). Giả sử khoảng cách từ A đến C là một phần hai mươi đường kính, ta vẽ bán kính EA sao cho nó cắt đường tiếp tuyến GCD đại diện cho tia sáng rọi vào đỉnh núi tại điểm D. Đường vòng cung CA hay đường thẳng CD sẽ là 100 dặm bởi vì CE là 1000 dặm. Do đó, bình phương chiều dài DE hay tổng bình phương của chiều dài DC và CE là 1010000 dặm. Vì vậy, cả chiều dài DE sẽ lớn hơn 1004 dặm và AD sẽ lớn hơn 4 dặm do chiều dài CE là 1000 dặm. Do đó, bóng của đỉnh núi trên mặt trăng phủ xuống tia sáng mặt trời GCD mà đại diện trên hình vẽ là AD sẽ nằm cách xa điểm C một khoảng cách CD và có chiều dài 4 dặm Italy.Ngay cả trên trái đât cũng không có ngọn núi nào có bóng vuông góc dài hơn một dặm. Vì vậy ta có thể kết luận rõ ràng rằng cái ngọn núi trên Mặt Trăng cao hơn rất nhiều so với các ngọn núi trên trái đất.

Tôi mong rằng ở đây tôi cũng có thể đưa ra một lí giải về một hiên tượng đáng chú ý khác trên Mặt Trăng mặc dù hiện tượng này không phải được quan sát gần đây mà tôi đã quan sát từ vài năm trước và tôi cũng đã đề cập đến một số bạn hữu, sinh viên và đồng thời cũng đưa ra một số kiến giải. Mặc dù với các quan sát bằng kính thiên văn, tôi có thể sẽ giải thích dễ dàng và rõ ràng hơn rất nhiều, nhưng tôi nhận thấy có lẽ sẽ không thích hợp cho lắm nếu giới thiệu nó ở tập sách nhỏ này. Nhưng tôi cũng sẽ trình bày sơ lược ở đây để chúng ta có thể dễ dàng thấy sự liên kết và tương đồng giữa Mặt Trăng và trái đất một cách rõ ràng hơn.

Khi Mặt Trăng, cả trước và sau khi giao hội, nằm không cách xa Mặt Trời, không chỉ vì hình dạng lưỡi liềm của nó trong mắt ta ở hướng được chiếu sáng, mà ta còn có thể nhìn thấy một vòng tròn nhỏ mảnh khảnh và yếu ớt đánh dấu tròn phần bóng tối nằm ngược với hướng Mặt Trời và đồng thời cũng chia cắt nó với bầu trời nền tối hơn ở đằng sau. Nhưng nếu ta xem xét kĩ hơn, ta có thể nhận ra rằng không chỉ phần ngoài rìa của bóng râm sáng lờ mờ mà cả bề mặt của Mặt Trăng ở phía không tiếp xúc với các tia nắng cũng được chiếu sáng mặc dù là với một độ sáng rất yếu ớt. Nếu nhìn thoáng qua lần đầu, chỉ có vòng tròn đường biên mỏng là chiếu sáng bởi vì bầu trời ngay cạnh nó tối hơn. Trong khi đó, ngược lại, tất cả phần còn lại của bề mặt bị tối là do điểm tiếp giáp với phần lưỡi liềm sáng đã làm ta mất đi khả năng phân biệt rõ ràng.

Nhưng nếu ai đó chọn một vị trí cho mình mà có một mái nhà, ống khói hoặc một vật bất kì nào đó xen vào giữa mắt và Mặt Trăng ở một khoảng cách khá xa sao cho vật thể đó che khuất đi phần lưỡi liềm sáng thì cả phần còn lại của Mặt Trăng sẽ phơi bày ra trước mắt và anh ta sẽ nhận thấy rằng phần này của Mặt Trăng hấp thụ một ít ánh sáng Mặt Trời, chiếu những tia sáng yếu ớt và đặc biệt khi bầu trời ảm đạm của đêm tối đã bắt đầu kéo đến do Mặt Trời bị biến mất. Bởi vì một vật thể sẽ sáng hơn trước một nền tối hơn. Hơn thế nữa, nếu tôi có thể gọi ánh sáng này là ánh sáng thứ cấp này của Mặt Trăng, sẽ tỉ lệ nghịch với khoảng cách đến mặt đến Mặt Trời. Bởi vì độ sáng thứ cấp này giảm đi rất nhiều nếu khoảng cách từ Mặt Trăng đến vật nằm giữa mắt và Mặt Trăng tăng lên, nên sau tuần trăng đầu tiên và trước tuần trăng thứ hai độ sáng thứ cấp của Mặt Trăng rất yếu ớt mặc dù ta quan sát nó trên nền trời tối đen. Trong khi đó, ở một khoảng cách góc khoảng 60 độ hoặc ít hơn, ngay cả khi choạng vạng, Mặt Trăng rất sáng, sáng đến nỗi mà ta có thể phân biệt các chấm đen lớn với kính thiên văn.

Ánh sáng kì lạ này gây ra bối rối không nhỏ cho các bộ óc triết học, và một vài người đã giải thích như thế này trong khi một số khác lại tuyên bố các giải thích khác nhau. Ai đó đã nói rằng ánh sáng thứ cấp này được thừa hưởng và là ánh sáng tự nhiên từ Mặt Trăng, người khác lại cho rằng ánh sáng này đến Mặt Trăng từ sao Venus, hay một người khác lại nói nó do tất cả các ngôi sao khác chung quanh gây nên, ý kiến khác lại cho rằng ánh sáng đó là từ Mặt Trời đi xuyên qua lòng của Mặt Trăng. Nhưng các giải thích này bị bác bỏ không một chút khó khăn với các chứng cớ thuyết phục. Bởi vì nếu ánh sáng này là từ chính Mặt Trăng hay từ các ngôi sao xung quanh, Mặt Trăng đã có thể giữ lại nó, đặc biệt là trong nhật thực, và có thể sẽ tự sáng lên trên một bầu trời thường xuyên tối, nhưng điều này lại trái với thực tế. Bởi vì ánh sáng chủ đạo của Mặt Trăng được nhìn thấy khi nhật thực không thực sự sáng chói mà hơi đỏ, gần như có màu đồng trong khi ánh sáng thứ cấp này lại sáng hơn và trắng hơn.

Bên cạnh đó, ánh sáng thứ cấp của Mặt Trăng trong nguyệt thực thay đổi luân phiên nhau, bởi vì nó chạy quanh bề mặt của Mặt Trăng, vì vậy vùng gần đường biên tròn của vòng tròn tối do trái đất che khuất sáng lên nhưng phần còn lại của Mặt Trăng thì luôn luôn tối. Từ những hiện tượng trên ta có thể hiểu rõ rằng ánh sáng này là do các tia sáng từ Mặt Trời xâm nhập vào vùng khí quyển đặc hơn bao bọc xung quanh Mặt Trăng như một vỏ bọc. Nhờ vào sự xâm nhập này một dạng ánh sáng bình minh lan tỏa khắp các vung lân cận của Mặt Trăng cũng như ánh sáng mờ ảo vào buổi sáng hay tối trên trái đất. Nhưng tôi sẽ giải thích vấn đề này kĩ càng hơn trong quyển sách của tôi có nhan đề: Hệ thống vũ trụ.

Một lần nữa, để chắc chắn rằng giả thuyết cho rằng ánh sáng thứ cấp này của Mặt Trăng là từ sao Venus là một ý tưởng ngây ngô và không đáng phải bình luận. Chỉ có những ai quá ngu dốt mới không hiểu rằng không thể nhìn thấy phần nằm xa Mặt Trời của Mặt Trăng từ sao Venus tại giao điểm và trong vòng một khoảng cách góc 60 độ?

Giả thuyết cho rằng ánh sáng này là ánh sáng bắt nguồn từ Mặt Trời và đi xuyên qua Mặt Trăng cũng không thể trụ được. Nếu như vậy ánh sáng này sẽ không bao giờ bị giảm đi cũng như một bán cầu của Mặt Trăng luôn luôn được chiếu sáng ngoại trừ khi nguyệt thực. Và Mặt Trăng sẽ nhanh chóng giảm độ sáng khi Mặt Trăng tiến dần về tuần trăng đầu tiên, và trở nên tuyệt đối bị che khuất trong tuần trăng thứ ba. Vì vậy, ánh sáng thứ cấp này không bắt nguồn từ chính Mặt Trăng hay vay mượn từ các ngôi sao khác cũng như từ Mặt Trời. Cả vũ trụ chỉ còn lại mỗi mình trái đất, vậy chúng ta phải kết luận ra sao đây? Chúng ta phải xác nhận cái gì? Chúng ta có nên kết luận rằng Mặt Trăng hay các vì tinh tú tối và không nhận ánh sáng từ Mặt Trời tiếp nhận ánh sáng từ trái đất? Tại sao lại không thể là Mặt Trăng tiếp nhận ánh sáng từ trái đất? Khả năng này là chắc chắn nhất.

Trái đất, trong một trao đổi công bằng và hợp lí, nó đã trả lại Mặt Trăng ánh sáng mà nó nhân được từ Mặt Trăng trong những đêm tối tăm. Hãy để tôi giải thích vấn đề này rõ hơn. Lúc giao hội, khi Mặt Trăng chiếm giữ vị trí giữa Mặt Trời và trái đất, các tia nắng từ Mặt Trời chiếu sáng bán cầu Mặt Trăng nằm xa trái đất. Bán cầu còn lại, đối mặt với trái đất, bị bao phủ trong bóng tối vì vậy Mặt Trăng không có khả năng chiếu sáng bề mặt trái đất một chút nào. Khi Mặt Trăng dần tách khỏi Mặt Trời, Mặt Trăng dần dần được chiếu sáng trên bán cầu đối diện với chúng ta, Mặt Trăng lúc này tỏa sáng giống như một lưỡi liềm bạc mảnh khảnh và chiếu sáng trái đất rất yếu. Ánh sáng của Mặt Trời trên Mặt Trăng tăng dần lên khi Mặt Trăng bước vào tuần trăng đầu tiên, phản chiếu của ánh sáng này lên trái đất cũng tăng lên. Ngay sau đó nửa sáng của Mặt Trăng đã trở thành hình bán nguyệt và đêm trăng đã trở nên rực sáng hơn. Cuối cùng, cả bề mặt của Mặt Trăng được chiếu sáng bởi các tia Mặt Trời và khi trăng tròn, cả bề mặt trái đất tràn ngập trong ánh trăng huyền ảo. Bấy giờ, Mặt Trăng bắt đầu giảm dần diện tích, ánh trăng dần yếu đi, mặt đất cũng được chiếu sáng ít hơn và khi mặt trăng trở lại điểm giao hội với Mặt Trời bóng đêm lại bao phủ b ề mặt trái đất. Trong chu kì tháng này, ánh trăng thay đổi luân phiên giữa sáng và tối. khi Mặt Trăng nằm giữa chúng ta và Mặt Trời (trăng mới), Mặt Trăng nằm đối diện với toàn bộ bán cầu được chiếu sáng. Mặt Trăng tiếp nhận ánh sáng phản chiếu từ trái đất vì vậy bán cầu Mặt Trăng nằm gần với chúng ta, mặc dù không nhận được ánh sáng Mặt Trời nhưng lại được chiếu khá sáng bởi ánh sáng phản xạ này.

Khi Mặt Trăng nằm cách Mặt Trời 90 độ, Mặt Trăng sẽ nhìn thấy một nữa bán cầu của trái đất được chiếu sáng (nữa bán cầu tây) và nữa bán cầu kia (nữa bán cầu đông) còn chìm trong bóng đêm. Vì vậy Mặt Trăng không được chiếu sáng nhiều bởi trái đất và sẽ nhìn thấy ánh sáng thứ cấp này yếu đi. khi Mặt Trăng nằm ở hướng đối diện với Mặt Trời, Mặt Trăng sẽ nằm ở hướng đối diện với bán cầu của trái đất vẫn còn chìm trong bóng đêm, và nếu vị trí này nằm ngay đường hoàng đạo, Mặt Trăng sẽ tuyệt đối không nhận được một thứ ánh sáng nào, cả ánh sáng trực tiếp từ Mặt Trời lẫn ánh sáng gián tiếp phản chiếu từ trái đất. Tại các vị trí tương đối với trái đất và Mặt Trời khác nhau, ánh sáng thứ cấp mà Mặt Trăng nhận được từ trái đất phụ thuộc vào phần nằm đối diện với bán cầu sáng của trái đất ít hay nhiều. Và giữa hai tinh cầu này, một mối quan hệ tương hỗ được giữ sao cho khi nào trái đất được Mặt Trăng chiếu sáng nhiều nhất thì cũng là lúc Mặt Trăng được trái đất chiếu sáng ít nhất và ngược lại. Những kiến giả này có lẽ cũng được đã tạm đủ tại đây, trong tương lai tôi sẽ trình bày kỹ càng hơn trong quyển sách hệ thống vũ trụ. Trong cuốn sách đó, bằng nhiều luận cứ và kinh nghiệm, sự phản xạ ánh sáng từ trái đất sẽ được chỉ ra rất thật và rõ ràng, ngược lại với những ai cho rằng trái đất phải bị loại ra khỏi vũ điệu của các ngôi sao bởi vì các lý do đặc biệt xuất phát từ chuyển động và ánh sáng. Chúng ta cũng sẽ chứng minh rằng trái đất cũng là một hành tinh chuyển động vả giao tiếp với Mặt Trăng trong ánh sáng chứ không phải là một nơi mà các vật chất thải của vũ trụ tập trung, và tôi cũng sẽ chứng minh bằng hàng nghìn chứng cứ mới từ tự nhiên.

(Còn tiếp...)
Dịch bởi TS. Nguyễn Lương Quang (CITA - Canada)

[8] Vùng đất cũ của vương quốc Bohemia nay thuộc cộng hòa Séc được bao bọc bởi các dãy núi lớn xung quanh