Vật lý thiên văn nghiên cứu các hiện tượng vật lý xảy ra trong không gian, chi phối sự tiến hóa của vũ trụ. Nghành vật lý thiên văn bắt đầu nở rộ vào giữa thế 20 và phát triển rất nhanh kể từ đó, ngày nay nó đã trở thành một trong những ngành năng động nhất của vật lý hiện đại.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!
Ảnh: Hệ giao thoa vô tuyến ALMA gồm 66 kính có đường kính 12 m hoặc 7 m đặt trên cao nguyên Atacama (Chi Lê) có độ cao 5000 m so với mực nước biển.

Vật lý thiên văn quy tụ nhiều lĩnh vực của vật lý hiện đại: vật lý hạt nhân chi phối sự tiến hóa của các ngôi sao; vật lý hạt điều khiển sự tiến hóa ở giai đoạn sơ khai của vũ trụ, ngay sau Vụ nổ lớn (Big Bang); vật lý nguyên tử và phân tử là trung tâm của quang phổ học -công cụ chính để quan sát vũ trụ; vật lý plasma nghiên cứu những khối khí ion hóa; vật lý chất rắn chi phối sự hình thành bụi và sau đó là các hành tinh,...

Ta có thể tìm thấy trong vũ trụ nhiều nơi có áp suất và nhiệt độ hết sức khắc nghiệt, khác xa so với những điều kiện có thể tạo ra hoặc tìm thấy trên Trái đất, chính vì vậy Vũ trụ được gọi là phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại, nơi độc đáo để nghiên cứu các quy luật tự nhiên. Chính vì vậy, những câu hỏi hóc búa nhất chưa có lời giải đáp, thách thức vật lý hiện đại, là trọng tâm của vật lý thiên văn. Trong đó có thể kể ra: sự không tương thích giữa thuyết lượng tử và hấp dẫn ở điều kiện áp suất và nhiệt độ siêu cao tồn tại ngay sau Vụ nổ lớn, trong giai đoạn gọi là thời kỳ lạm phát, đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại toàn bộ kiến thức vật lý ở thang năng lượng này (thang Planck); tiếp đến là sự tồn tại của một dạng vật chất chỉ tham gia tương tác hấp dẫn, bản chất chưa rõ, tuy nhiên nó lại chi phối sự chuyển động của các thiên hà và chiếm một phần tư tổng năng lượng của Vũ trụ (dạng vật chất này được gọi là vật chất tối); bản chất của ba phần tư phần năng lượng còn lại của vũ trụ cũng vẫn chưa được hiểu rõ, các nhà vật lý gọi nó là năng lượng tối: năng lượng tối thống trị ở những khoảng cách rất lớn, tạo nên sự gia tăng tốc độ giãn nở Vũ trụ, nhưng lại có tác động nhỏ, không đáng kể ở khoảng cách thiên hà. Thật vậy, hiểu biết của chúng ta về các ngôi sao, khí và bụi, chỉ chiếm vài phần trăm tổng năng lượng của Vũ trụ, phần còn lại cho đến nay vẫn là một bí ẩn.

Sự phát triển nhanh chóng của vật lý thiên văn một phần lớn nhờ vào sự phát triển của công nghệ khi ta có thể thực hiện được các quan sát vũ trụ từ ngoài không gian. Khí quyển Trái đất hấp thụ phần lớn các bước sóng trong phổ điện từ do đó từ mặt đất ta chỉ có thể quan sát bước sóng trong vùng khả kiến và sóng vô tuyến. Quan sát từ ngoài không gian đã mở cho chúng ta cánh cửa đi vào vũ trụ ở những bước sóng vi ba, hồng ngoại, cực tím, tia X và gamma. Với sự kết hợp thành công của khoa học và công nghệ, nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới đã phát triển cùng lúc cả công nghệ không gian và vật lý thiên văn ở đơn vị của mình, điển hình nhất là Cơ quan hàng không Vũ trụ Mỹ NASA.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!Ảnh: Hệ giao thoa vô tuyến Plateau de Bure gồm 6 kính (15 m) đặt trên dải Anpơ phía Pháp trên độ cao 2550 m.

Hoàn cảnh ở Việt Nam?

Hoàn cảnh lịch sử ở Việt Nam đã cản trở sự phát triển của nghiên cứu cơ bản gần như trong suốt thế kỷ trước. Cho đến nay, ưu tiên vẫn thường được dành cho việc phát triển kinh tế-xã hội do đó nguồn lực dành cho nghiên cứu cơ bản bị hạn chế. Mặc dù vậy, một số nhà vật lý thiên văn Việt Kiều vẫn khuyến khích phát triển vật lý thiên văn trong nước. Giáo sư Nguyễn Quang Riệu, một nhà thiên văn học làm việc tại Đài thiên văn Paris-Meudon, là người tích cực nhất thúc đẩy việc này. Ông có thể được coi là người đặt nền móng cho hoạt động nghiên cứu thiên văn hiện tại trong nước với ba nhóm nghiên cứu hoạt động năng động: một nhóm tại TPHCM do PGS.TS. Phan Bảo Ngọc phụ trách tại trường Đại học Quốc tế, và hai nhóm tại Hà Nội, gồm PGS.TS. Đinh Văn Trung tại Viện Vật lý và một nhóm gồm sáu tiến sĩ tại Phòng Vật lý thiên văn và Vũ trụ thuộc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Bên cạnh đó, vật lý thiên văn được dạy ở khoa vật lý của một số trường đại học như ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TPHCM, ở đó một số giảng viên cũng có hợp tác nghiên cứu với đối tác nước ngoài.

Tiền thân của Phòng Vật lý thiên văn và Vũ trụ là Phòng thí nghiệm Đào tạo Vật lý thiên văn Việt Nam thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam. Trong mười năm đầu từ khi thành lập, Phòng thực hiện nghiên cứu tia vũ trụ, sử dụng dữ liệu từ Đài thiên văn Pierre Auger đặt tại Ác-hen-ti-na, nơi có các thiết bị tiên tiến nhất trên thế giới nghiên cứu về tia vũ trụ năng lượng siêu cao. Với sự ủng hộ của GS. Nguyễn Quang Riệu đồng thời chúng tôi cũng nhận thấy rằng nghiên cứu tia vũ trụ năng lượng cao đòi hỏi thống kê lớn vì các tia này rất hiếm, cần phải thu thập số liệu trong thời gian dài, để có những nghiên cứu đột phá so với những gì đã đạt được tại Đài thiên văn Pierre Auger, do đó các thành viên của nhóm dần dần chuyển hướng sang nghiên cứu thiên văn vô tuyến, một lĩnh vực phù hợp hơn với một nhóm nghiên cứu trẻ ở một quốc gia đang phát triển.

Tháng 4/2014, chúng tôi tổ chức một hội thảo tập hợp các đại biểu của cộng đồng nghiên cứu vật lý thiên văn ở Việt Nam cùng với một số nhà vật lý thiên văn có uy tín từ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đây là dịp PGS.TS. Phạm Anh Tuấn đã tham dự và trình bày tại hội thảo về các hoạt động của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) và Trung tâm vũ trụ Việt Nam tương lai, đồng thời đưa ra lời mời nhóm vật lý thiên văn tại Viện KHKT Hạt nhân cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm. VNSC đã đem lại cho nhóm một môi trường tốt hơn để phát triển, môi trường với các kỹ sư và các nhà khoa học cùng chia sẻ động lực và lợi ích. Quyết định được đưa ra nhanh chóng và nhóm chính thức chuyển sang Trung tâm Vệ tinh Quốc gia ngày 5 tháng 1 năm 2015.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!
Thành viên của Phòng Vật lý thiên văn và Vũ trụ

Kính thiên văn vô tuyến 2,6 m: một công cụ đào tạo tuyệt vời

Nghiên cứu vật lý thiên văn hiện đại sử dụng những thiết bị lớn, dưới sự phối hợp vận hành bởi nhiều quốc gia. Một ví dụ điển hình là hệ kính giao thoa vô tuyến ALMA, gần đây mới bắt đầu hoạt động tại Chi Lê. Đây là hệ kính có độ nhạy tốt nhất trên thế giới trong thăm dò vũ trụ tại bước sóng milimet/dưới milimet. Hệ thiết bị này được vận hành bởi Mỹ, một số nước châu Âu và châu Á. Với các nhà khoa học Việt Nam, để có thể sử dụng những thiết bị như vậy (đề xuất quan sát và xử lý số liệu) đòi hỏi phải có sự hợp tác với các nhóm nước ngoài. Đồng thời với việc sử dụng những thiết bị lớn của thế giới, có các thiết bị trong nước là điều hết sức quan trọng, tất nhiên với quy mô nhỏ hơn nhiều. Mục đích của việc sử dụng những thiết bị này nhằm làm quen với các phương pháp và kỹ thuật được sử dụng ở các hệ thiết bị lớn và hiện đại.

Với tinh thần như vậy, cách đây 5 năm, chúng tôi đã mua một chiếc kính thiên văn vô tuyến đường kính 2,6 m bằng tiền cá nhân tài trợ, ghi nhận tại vùng vạch 21 cm phát bởi hiđrô trung hòa ở tần số 1,4 GHz. Nó đã được sử dụng để lập bản đồ hiđrô của vùng đĩa Dải Ngân Hà, nghiên cứu Mặt trời trong thời kỳ hoạt động mạnh nhất của nó với chu kỳ 11 năm và quan sát các nguồn phát sóng vô tuyến yếu khác.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!
Lắp đặt kính thiên văn vô tuyến.

Phổ vận tốc Doppler của các đám mây khí hiđrô đã được thu thập dọc theo đĩa của Dải Ngân Hà phủ trên ¾ vùng kinh độ của nó. Những phổ này được thu gọn thành các đỉnh tương ứng với những đám mây nguyên tử hiđrô khác nhau, cung cấp bằng chứng về sự quay của thiên hà. Nhờ phép đo này chúng tôi đã dựng nên được một bản đồ phân bố khí hiđrô trong đĩa Dải Ngân Hà. Số liệu được so sánh với những cấu trúc cánh tay và thanh ngang đã biết của nó (công bố trên tạp chí Comm. Phys. Việt Nam).

Gần đây Mặt trời đã trải qua thời kỳ hoạt động mạnh nhất của nó với chu kỳ 11 năm. Chúng tôi đã tiến hành quan sát Mặt trời trong nhiều tháng. Một phân tích tổng hợp từ dữ liệu do chúng tôi thu thập được và dữ liệu tương tự từ Đài quan sát Mặt trời tại Learmonth (Úc) cho thấy sự hiện diện của các bùng phát Mặt trời. Chúng tôi cũng tìm thấy những bằng chứng về tương quan dao động tín hiệu ghi nhận được với tần số cỡ mHz với biên độ cỡ vài phần trăm (kết quả của phép đo được công bố trên tạp chí Solar Physics). Nguyên nhân của những dao động này sau đó đã được tìm ra là do sự giao thoa giữa sóng tới được ghi nhận bởi thùy chính và sóng phản xạ trên mặt đất được ghi nhận bởi các thùy phụ của kính thiên văn (hiện tượng này được gọi là dao động đa đường). Chúng tôi đã chứng minh được rằng hiệu ứng này tạo nên mối tương quan giữa chu kỳ dao động quan sát thấy bởi các kính thiên văn đặt tại Hà Nội và Learmonth. Về cơ bản, chu kỳ dao động đa đường chỉ phụ thuộc vào vận tốc của nguồn, và vì tốc độ quay của Trái đất là như nhau tại Hà Nội và Learmonth nên chu kỳ dao động tín hiệu ghi nhận đồng thời bởi cả hai kính thiên văn phải có mối tương quan với nhau (công bố trên tạp chí PASA). Các bùng phát Mặt trời được quan sát và so sánh với số liệu từ Learmonth cho thấy sự tồn tại của bùng phát mặt trời có sự phân cực rất lớn (~70%). Sự phân cực lớn này được phát hiện nhờ việc sử dụng ăng-ten thu tín hiệu khác nhau ở Hà Nội và Learmonth. Kính thiên văn tại Hà Nội sử dụng ăng-ten thu hình xoắn ốc còn tại Learmonth sử dụng ăng-ten thu lưỡng cực (công bố trên tạp chí Comm. Phys. Việt Nam).

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!
Trái: so sánh số liệu bùng phát Mặt trời quan sát được tại Hà Nội (đen) và Learmonth (đỏ). Phải: dao động tín hiệu ghi nhận được tại Hà Nội (trên) và Learmonth (dưới).

Chúng tôi thực hiện nghiên cứu chi tiết về hiệu suất ghi nhận của kính thiên văn (công bố trên Comm. Phys. Việt Nam). Đặc biệt, chúng tôi đã xác định được độ chính xác định hướng, độ rộng chùm tia, mức suy giảm hệ số khuyếch đại theo biên độ tín hiệu, hiệu suất ghi của ăng ten, hệ số chuyển đổi từ công suất sang nhiệt độ và độ nhạy của kính thiên văn. Độ nhạy của kính bị giới hạn bởi sự bất ổn định của hệ số khuyếch đại và nhiễu do hoạt động của con người hơn là do độ ồn nội tại của kính. Nghiên cứu độ ồn của kính là động lực để chúng tôi thực hiện một chiến dịch quan sát Mặt trăng một thời gian dài trong vùng giới hạn độ nhạy của kính, cho phép chúng tôi xác định được nhiệt độ của Mặt trăng (công bố tại Comm. Phys. Việt Nam).

Kính thiên văn hiện đang được lắp đặt trên nóc tòa nhà trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), gần với VNSC. Ở đây, kính sẽ được sử dụng để đào tạo sinh viên và nghiên cứu viên trẻ của cả VNSC và USTH. Chúng tôi đang nghiên cứu, tìm kiếm một kính thiên văn khác có thể xây dựng ở Việt Nam với mục tiêu lớn hơn. Việc trang bị các công cụ đào tạo hiệu quả là một nhiệm vụ quan trọng đối với bất kỳ nhóm nghiên cứu nào: nó phải được thực hiện với sự quan tâm lớn để tối ưu tỷ lệ giữa chất lượng đào tạo trên lượng tài nguyên, vật chất và nhân lực cần thiết cho việc thu thập số liệu, bảo trì, vận hành và khai thác thiết bị đó.

Nghiên cứu sự tiến hóa sao

Một ngôi sao sẽ chết sau khi đốt cháy hết phần lớn lượng hiđrô mà nó có. Đối với những ngôi sao giống như Mặt trời quá trình đốt hiđrô thành hêli diễn ra trong vài tỉ năm. Khi ngôi sao như vậy chết đi phần lõi của nó co lại thành một khối vật chất đậm đặc –gọi là sao lùn trắng- trong khi vỏ của nó phình ra với kích cỡ có thể lớn tương đương với hệ mặt trời và cuối cùng bị loãng vào không gian. Vật chất mà nó bắn ra sẽ được tái sử dụng cho việc hình thành sao mới. Thời gian dành cho cơn hấp hối này thường là cỡ hàng triệu năm trải qua nhiều giai đoạn, trong đó phản ứng hạt nhân sản sinh ra các hạt nhân nhẹ và trung gian khác nhau, đặc biệt là oxy và carbon. Những sao ở giai đoạn phát triển như vậy, sau này trở thành một dạng sao được gọi là sao khổng lồ đỏ. Nó dành phần lớn thời gian của mình ở dạng gọi là nhánh tiệm cận khổng lồ (AGB) trước khi mờ dần đi thành các tinh vân hành tinh bao quanh các sao lùn trắng.

Hợp tác với Đài Thiên Văn Paris, chúng tôi đã nghiên cứu vạch phát xạ CO và hiđrô nguyên tử (HI) từ các sao AGB, sử dụng số liệu từ các đài thiên văn giao thoa vô tuyến Plateau de Bure (Pháp), kính thiên văn đường kính 30 m IRAM tại Pico Veleta (Tây Ban Nha) và Very Large Array (VLA) ở New Mexico (Mỹ).

Chúng tôi đã phát triển các công cụ phân tích mới khi nghiên cứu về một ngôi sao AGB đang trong giai đoạn phát nhiệt có tên là RS Cnc. Ngôi sao này nổi bật với hai dòng vật chất nơi các phân tử được phóng ra với vận tốc ~ 8 km/s, nằm chồng trên một nền gió sao có vận tốc chậm hơn (~2 km/s). Nghiên cứu chi tiết về phổ vận tốc của sao cho phép chúng tôi xây dựng được một mô hình khí quyển sao mô tả được hầu hết những đặc trưng quan sát được từ thực nghiệm (kết quả của nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Thiên văn học và Vật lý thiên văn A&A). Phân tích đồng thời số liệu vạch phát xạ CO(1-0) và CO(2-1) cho thấy nhiệt độ của sao thấp hơn so với giả thuyết trước đó và nghiên cứu cũng cho thấy tồn tại bất đối xứng giữa hai dòng vật chất (công bố tại RAA). Chúng tôi đã thu được sự phù hợp tốt hơn giữa số liệu quan sát và mô hình từ đó cung cấp thông tin hữu ích về giai đoạn chuyển đổi từ sao khổng lồ đỏ sang giai đoạn tinh vân hành tinh.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!
Trái: Bản đồ phân bố vận tốc khí (màu xanh khí chuyển động lại gần người quan sát, màu đỏ ngược lại), bản đồ thu được từ số liệu CO(1-0) do hệ giao thoa vô tuyến Plateau de Bure quan sát. Phải: Bản đồ HI do VLA ghi nhận cho thấy sự loãng ra của nguyên tử hiđrô vào môi trường giữa các sao.

Mô hình tương tự cũng được áp dụng cho một ngôi sao AGB khác, EP Aqr, ở giai đoạn phát triển sớm hơn so với RS Cnc. Nghiên cứu cho thấy cũng có sự tồn tại của các dòng vật chất tương tự như của RS Cnc dọc theo hướng quan sát trong phạm vi vài độ. Hình học đặc biệt này của EP Aqr khiến cho việc nghiên cứu hình thái và động học của các khối khí xung quanh ngôi sao này trở nên dễ dàng hơn và đồng thời nghiên cứu cũng cho thấy nhiệt độ đo được có sự phụ thuộc lớn theo vĩ độ của sao (kết quả của nghiên cứu này đang chuẩn bị được công bố).

Tận dụng chính sách số liệu mở của ALMA, số liệu được mở cho công chúng một năm sau khi quan sát được thực hiện, chúng tôi đã nghiên cứu phổ phát xạ CO của một ngôi sao hậu AGB rất đặc biệt gọi là Chữ nhật Đỏ (Red Rectangle). Chúng tôi đã xác định được mật độ, nhiệt độ và vận tốc của khối khí của ngôi sao này, đưa ra bằng chứng về sự tồn tại những dòng vật chất phát ra từ hai cực của sao, tách biệt với khu vực khí ở xích đạo đang tham gia chuyển động quay, với sự tăng mạnh về nhiệt độ tại khu vực tiếp giáp giữa hai khối khí. Những người đề xuất quan sát chưa hoàn thành việc phân tích dữ liệu này đã đem lại cho chúng tôi cơ hội công bố kết quả mới trước, cung cấp thông tin quan trọng về vật lý của những sao hậu AGB (kết quả của nghiên cứu này đã được gửi để công bố).

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!
Trên bên trái : Hình ảnh của Red Rectangle quan sát bởi kính viễn vọng không gian Huble. Trên bên phải: hình ảnh hai luồng khí phụt ra từ sao (số liệu ALMA). Hình dưới: Số liệu cho thấy chuyển động quay của các khối khí (màu đỏ: chuyển động ra xa, xanh: chuyển động lại gần người quan sát ), số liệu với hai vạch phổ CO(3-2) (trái) và CO(6-5) (phải).

Chúng tôi cũng thực hiện nghiên cứu vạch phát xạ từ các nguyên tử hiđrô HI của một số sao AGB có tốc độ mất khối lượng thấp sử dụng số liệu đo được tại Đài thiên văn Nançay và VLA. Vạch phổ này cho phép nghiên cứu môi trường vật chất sao ở khoảng cách xa lõi sao hơn so với các vạch phổ của phân tử CO, vì CO bị phân tách do bức xạ cực tím đến từ môi trường giữa các sao (chuẩn bị công bố).

Có kinh nghiệm trong nghiên cứu các sao đã tiến hóa, chúng tôi sẽ theo đuổi việc quan sát chúng bằng những thiết bị tốt nhất trên thế giới, chúng tôi có thể tự thực hiện nghiên cứu hoặc hợp tác với các nhóm nước ngoài. Đặc biệt chúng tôi sẽ tận dụng lợi thế của hợp tác hiện có giữa VAST và CNRS (Pháp) để tăng cường hợp tác với Đài thiên văn Paris thực hiện những nghiên cứu như vậy. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch đề xuất quan sát vạch phổ HI sử dụng Kính thiên văn khổng lồ FAST đường kính 500 m đang được xây dựng ở Quế Châu, Trung Quốc.

Thiên hà có độ dịch chuyển đỏ lớn

Hợp tác với Trường Đại học Paul Sabatier ở Toulouse, chúng tôi đã nghiên cứu phổ phát xạ vạch CO(7-6) của thiên hà RX J0911. Đây là một thiên hà được quan sát nhờ hiện ứng thấu kính hấp dẫn, chứa một lỗ đen siêu nặng ở tâm và có độ dịch chuyển đỏ lớn (z~2.8, có nghĩa là thiên hà này cách Trái đất khoảng 11,3 tỉ năm ánh sáng). Sử dụng các vạch phổ chúng ta có thể đo được khối lượng khí của thiên hà; nền liên tục bên dưới vạch phổ cung cấp thông tin về thành phần bụi, những tham số này cho ta biết thông tin hữu ích về tốc độ hình thành sao ở các thiên hà được sinh ra rất sớm vào những thời điểm ban đầu của vũ trụ như thiên hà này. Cơ chế của hiệu ứng thấu kính hấp dẫn đã được nghiên cứu chi tiết tại Hà Nội (công bố trên tạp chí RAA). Nghiên cứu RX J0911, chúng tôi xác định được bán kính của thiên hà, tìm thấy bằng chứng cho thấy thiên hà có dạng hình elip và các khí phân tử có vận tốc biến đổi một cách đáng kể có thể do chuyển động của các dòng phân tử hoặc do chuyển động quay (kết quả nghiên cứu được công bố tại Astronomy and Astrophysics Letters).

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!
Trái: Ảnh của RX J0911 (A1, A2, A3 và B) do kính viễn vọng không gian Huble quan sát. Các thiên hà G và G’ đóng vai trò như những thấu kính hấp dẫn. Phải: mô hình hình dạng elip của RX J0911.

Chúng tôi sẽ tích cực theo đuổi hướng nghiên cứu này, đặc biệt sử dụng lợi thế đặc biệt của hệ giao thoa vô tuyến ALMA. Để đạt mục tiêu này, chúng tôi hiện đang thúc đẩy khả năng hợp tác với các nhóm nước ngoài, đặc biệt từ Nhật Bản, trong khuân khổ thỏa thuận hợp tác Việt Nam- Nhật Bản mà VNSC đang thực hiện.

Hoạt động giảng dạy, đào tạo và hướng tới cộng đồng

Ngay từ khi thành lập nhóm chúng tôi đã luôn đặt ưu tiên cho việc thúc đẩy phát triển vật lý thiên văn ở Việt Nam. Các thành viên của nhóm tham gia giảng dạy vật lý thiên văn tại một số trường đại học như Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Sư phạm và Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Chúng tôi cũng có những bài thực tập làm việc với thiết bị tại phòng thí nghiệm giúp cho công tác đào tạo học viên thạc sĩ ngành Không gian và Ứng dụng của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Chúng tôi không ngừng nỗ lực thiết lập quan hệ chặt chẽ với các nhà thiên văn học trong khu vực và ở nước ngoài. Trong bối cảnh này, với sự giúp đỡ của Hội thiên văn quốc tế (IAU), chúng tôi đã tổ chức một hội thảo chuyên đề vào tháng Tư năm 2014, có sự tham gia của gần như toàn bộ cộng đồng thiên văn Việt Nam và một số nhà vật lý thiên văn từ nước ngoài. Chúng tôi tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo và các khóa học tổ chức ở khu vực, Đông Nam Á, Châu Á-Thái Bình Dương hay ở khu vực khác trên thế giới. Chúng tôi cũng coi trọng và giữ mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng vật lý thiên văn của các nước này, đặc biệt với các nhà thiên văn vô tuyến và các nhà thiên văn trẻ của họ.

Chúng tôi đang thúc đẩy việc đưa Việt Nam trở thành thành viên chính thức của IAU và chúng tôi cũng giữ liên lạc chặt chẽ với nhiều thành viên của tổ chức này.
Chúng tôi đánh giá cao tầm quan trọng của hoạt động hướng tới cộng đồng nhằm làm cho học sinh, sinh viên và công chúng tiếp cận được với những tiến bộ của vật lý thiên văn, khoa học không gian và những điều kỳ thú mà chúng mang lại. Chúng tôi khuyến khích hoạt động của các câu lạc bộ thiên văn học nghiệp dư bằng cách hỗ trợ tích cực cho họ. Chúng tôi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Ngày hội Khoa học hàng năm, một ngày mà các phòng thí nghiệm Việt Nam mở rộng cửa chào đón công chúng.

Video giới thiệu Kính thiên văn vô tuyến của Phòng nghiên cứu Vật lý thiên văn và Vũ trụ:

Triển vọng

Sự hiện diện của nhóm trong một đơn vị về khoa học và công nghệ không gian lớn của Việt Nam tạo điều kiện tối ưu cho sự lớn mạnh và tiến bộ của nhóm. Sự kết hợp giữa vật lý thiên văn và công nghệ không gian đã từ lâu được biết đến là rất hiệu quả. Thật vậy, thiên văn vô tuyến có những thành công nhờ vào những kỹ sư vô tuyến, những người đã rất tò mò và quan tâm đến vật lý của vũ trụ. Thời kỳ đầu tiên bắt đầu với Grote Reber và Karl Jansky, sau đó là các kỹ sư radar thời Chiến tranh Thế giới II, và đỉnh cao là những khám phá vào năm 1964 về bức xạ phông nền vũ trụ bởi Arno Penzias và Robert Wilson.

Là thành viên của VNSC và VAST phòng có nhiều cơ hội tham gia hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ những thỏa thuận hợp tác hiện có, tăng cường hình ảnh của nhóm trong cộng đồng khoa học, cả trên trường quốc tế và tại Việt Nam.

Các hướng nghiên cứu chính mà nhóm đang thực hiện theo hai chủ đề chính được đề cập ở trên: nghiên cứu về các ngôi sao ở giai đoạn tiến hóa muộn trong cuộc đời của chúng và các thiên hà xa xôi. Hiện tại, chúng tôi đang nghiêng hơn về hướng nghiên cứu thứ nhất, tuy nhiên chúng tôi vẫn đang tích cực thực hiện tìm kiếm hợp tác mới cho nghiên cứu thiên hà xa xôi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dành thời gian tìm hiểu những dự án cho tương lai dài hạn hơn. Trong bối cảnh này, chúng tôi đang xem xét việc tham gia vào chương trình khoa học của FAST nghiên cứu các sao đã phát triển sử dụng vạch phát xạ HI hoặc là các sao xung (pulsar) có chu kỳ quay nhanh cỡ mili giây. Hơn nữa, như đã đề cập, chúng tôi hiện nay đang xem xét khả năng xây dựng thiết bị thiên văn vô tuyến tại Việt Nam để có thể sử dụng tốt nhất cho việc phát triển nhân lực cho ngành, báo cáo cụ thể cho kế hoạch này sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 6/2015.

Cuối cùng, chúng tôi sẽ tiếp tục dành thời gian và nỗ lực cho hoạt động giảng dạy, đào tạo và hoạt động với mục đích thu hút sự quan tâm tới khoa học và công nghệ không gian ở Việt Nam.

Nguồn: VNSC
Người dịch
Nguyễn Thị Thảo
Phạm Ngọc Điệp