Trận mưa sao băng nổi tiếng của mùa Đông sẽ có một màn trình diễn hoàn hảo vào giữa tháng 12, đây cũng là trận mưa sao băng lớn nhất trong năm. Theo NASA, cực điểm mưa sao băng năm nay diễn ra trong khoảng từ 13-14 tháng 12.

Mưa sao băng Song Tử (Geminid) xứng đáng trở thành một trong những trận mưa sao băng tuyệt vời nhất hàng năm bởi những vệt sao băng sáng và chớp nhoáng: trong năm nay, sẽ có nhiều hơn 1 vệt trong một phút tại cực điểm, lượng sao băng có thể quan sát sẽ lên tới 100 vệt một giờ. Dưới bầu trời bị nhiễm sáng, ta sẽ quan sát được ít hơn.

Thời điểm quan sát thích hợp nhất nằm trong khoảng 2 giờ sáng, Trăng thượng huyền sẽ lặn sớm trước nửa đêm nên ánh sáng của nó sẽ không làm ảnh hưởng tới mưa sao băng Song Tử năm nay.

Mưa sao băng Song Tử ước tính có tuổi thọ gần 200 năm, dựa trên những thông tin được ghi nhận lại - trận mưa sao băng này được quan sát đầu tiên vào năm 1833 trên sông Mississippi - và nó vẫn mạnh như thế. Trên thực tế, mưa sao băng này ngày càng mạnh hơn. Đó là bởi vì lực hấp dẫn của sao Mộc đã kéo các dòng hạt từ nguồn gốc của sao băng, tiểu hành tinh 3200 Phaethon, gần Trái Đất hơn qua nhiều thế kỷ.


Mưa sao băng Song Tử năm nay sẽ diễn ra mà không có sự cản trở của ánh Trăng. Cực điểm sẽ diễn ra sau nửa đêm nhưng bạn cũng có thể quan sát sớm hơn.
Nguồn Gregg Dinderman/sky and Telescope.

Quan sát chúng vào thời gian nào?

Cực điểm của trận mưa sao băng diễn ra vào khoảng 2 giờ sáng, nhưng bạn cũng có thể quan sát chúng sớm hơn vào khoảng 9-10 giờ tối.

Mưa sao băng Song Tử như tên gọi của nó, chúng xuất hiện từ phía của chòm sao cặp song sinh - Song Tử (Gemini). Để xác định được chòm sao này ở Bắc Bán Cầu, bạn hãy đảo mắt về hướng Tây Nam của bầu trời để tìm kiếm chòm sao nổi tiếng Orion, dễ dàng có thể nhận ra bởi chòm sao này có ba ngôi sao tạo thành một hàng gần thẳng ở “thắt lưng” của chàng thợ săn. Tiếp đó, bạn sẽ xác định được chòm sao Song Tử ở bên trái của Orion, cao trên bầu trời hướng Tây Nam. Ở Nam Bán Cầu, Song Tử xuất hiện thấp hơn bên phải của thợ săn Orion và cả hai đều ở trên bầu trời hướng Tây Bắc.

Mặc dù những vệt sao băng sẽ xuất hiện từ chòm Song Tử nhưng chúng cũng có thể xuất hiện từ bất cứ nơi nào trên bầu trời. Để được kết quả tốt nhất, bạn nên quan sát xa hơn chòm sao này để có thể bắt trọn những ngôi sao băng có phần “đuôi” dài ngang qua, chỉ nhìn đúng vào chòm Song tử thì bạn sẽ chỉ thấy những vệt sao băng ngắn.

Nguồn gốc của mưa sao băng Song Tử

Có nguồn gốc từ thiên thể gần Trái Đất có tên gọi 3200 Phaethon, một tiểu hành tinh có thể đã xảy ra va chạm với thiên thể khác trong quá khứ tạo ra dòng các hạt bụi mà Trái Đất đi ngang qua -tạo nên mưa sao băng.

Quỹ đạo tiểu hành tinh này quanh Mặt Trời là 1,4 năm. Nó đôi khi tiến tới gần Trái Đất (ở khoảng cách an toàn) và cũng ngang qua rất gần Mặt Trời, bên ngoài quỹ đạo Sao Thủy và chỉ cách 0,15 AU (hay đơn vị thiên văn, khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời: khoảng 93 triệu dặm hay 150 triệu km).

Những viên đá không gian va chạm với bầu khí quyển Trái Đất gọi là Thiên Thạch, những vệt sáng mà ta quan sát được sau khi thiên thạch ma sát với khí quyển được gọi là Sao Băng và nếu những sao băng ấy không cháy hết và chạm tới mặt đất thì được gọi là Vẫn Thạch, tuy nhiên vẫn thạch sẽ không xuất hiện trong mưa sao băng song Tử bởi các hạt này quá nhỏ để có thể tồn tại đến lúc chạm mặt đất.

Làm sao để quan sát tốt nhất?

Mưa sao băng không cần thiết phải dùng tới ống nhòm hay kính thiên văn để qua sát, mà chỉ cần quan sát bằng mắt thường. Hãy tìm một nơi thoải mái, xa khỏi ánh điện, khoảng trời thoáng và nằm xuống. Hãy mang theo chăn và mặc thật ấm vì đây là thời điểm giữa tháng 12. Và đừng quên để mắt bạn khoảng 20-30 phút để điều chỉnh cho mắt quen với bóng tối, sau đó ngồi lại và thưởng thức trận mưa sao băng này.

Nếu bạn chụp lại được một cảnh tuyệt vời của mưa sao băng Song Tử hay bất cứ cảnh đẹp nào của bầu trời đêm, hãy gửi cho Vật Lý Thiên Văn nhé!

Theo Space

Tham khảo