Trên đây tôi đã bàn về các quan sát Mặt Trăng mà tôi đã thực hiện. Phần tiếp theo, tôi sẽ công bố sơ lược những hiện tượng mà tôi đã nhìn thấy được ở các ngôi sao cố định. Trước hết, dữ kiện đáng được chú ý nhất là những ngôi sao cố định và dịch chuyển không được phóng đại theo cùng tỉ lệ khi quan sát bằng kính thiên văn giống các vì tinh tú khác như Mặt Trăng. Trong trường hợp các ngôi sao, độ phóng đại này là cực kỳ thấp vì vậy ban đọc có thể tưởng tượng rằng 1 kính thiên văn nào đó có khả năng phóng đại vật thể khác lên 100 lần nhưng sẽ chỉ có khả năng phóng đại các ngôi sao lên được 4 hoặc 5 lần. Lý do là vì khi quan sát các ngôi sao bằng mắt thường, hình ảnh của chúng không phản ánh đúng kích thước thật mà chỉ là những tia sáng có độ sáng nhất định và các vân lấp lánh xung quanh, đặc biệt khi đêm càng khuya. Vì vậy các ngôi sao sẽ có hình dạng lớn hơn nếu rõ bỏ hết được các vân tự sinh này bởi vì độ lớn của góc đối tại mắt người quan sát không được quyết định bởi đĩa chủ đạo của Mặt Trăng mà do ánh sáng tỏa rộng ra xung quanh.
Có lẽ bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn, nếu so sánh hiện tượng này với hiện tượng nổi tiếng của các ngôi sao vào buổi xế chiều khi ánh đêm bắt đầu buông xuống. Những ngôi sao này khi đó có vẻ rất nhỏ bé, cho dù đó là những ngôi sáng có độ sáng lớn nhất và cả Sao Kim cũng vậy. Ngay khi Sao Kim nằm trong tầm mắt của ta vào một ngày sáng sủa, nó cũng xuất hiện rất nhỏ bé, tựa hồ như những ngôi sao có độ sáng thấp nhất. Hiện tượng này khác với những vật thể khác, và ngay cả đối với Mặt Trăng, kích cỡ của chúng luôn luôn như vậy cho dù ta quan sát vào giữa trưa hay giữa đêm khuya. Chúng ta có thể kết luận rằng những ngôi sao xuất hiện với đầy đủ vẻ rực rỡ vào đêm khuya nhưng những vân của nó sẽ bị ánh sáng ban ngày cắt đi. Và không chỉ ánh sáng ban ngày có khả năng làm việc đó, ngay cả một đám mây chen ngang vào trước mắt người quan sát cũng tạo ra hiện tượng tương tự. Một tấm mạng che mặt màu tối hoăc một chiếc cốc thủy tinh màu khi đem che trước mặt cũng tạo ra cùng một hiệu ứng, tất cả các tia sáng xung quanh ngôi sao biến mất ngay lập tức. Một chiếc kính thiên văn cũng có thể hoàn thành một nhiệm vụ tương tự, bởi vì nó cắt bỏ những ánh sáng vô tình này trước khi phóng đại đĩa thật (nếu các ngôi sao thực sự có hình đĩa) và những hình ảnh này dường như không được phóng đại lớn hơn các vật thể khác. Một ngôi sao có độ lớn 5 hoặc 6 khi xem qua kính thiên văn chỉ như các ngôi sao có độ lớn 1.
Vẻ bề ngoài khác nhau giữa các hành tinh với các ngôi sao cố định cũng đáng được chú ý. Các hành tinh luôn xuất hiện dưới dạng một cái đĩa hình tròn tuyệt đối như thể được vẽ bằng kompa, trông giống như các Mặt Trăng tròn nhỏ với toàn bộ bề mặt được chiếu sáng. Các ngôi sao cố định thì khác, chúng không hiện dưới mắt trần của người quan sát như các đốm sáng được bao bọc bởi các đường tròn xung quanh mà như các tia sáng lấp lánh bắn ra từ các hướng khác nhau. Với kính thiên văn, chúng hiện ra với hình dạng giống như khi quan sát bằng mắt thường nhưng với kích thước lớn hơn rất nhiều. Ví dụ như một ngôi sao sáng 5 hoặc 6 độ dường như có kích thước bằng sao Thiên Lang (Sirius), ngôi sao cố định lớn nhất.
Bên cạnh các ngôi sao sáng 6 độ, các bạn cũng có thể nhìn thấy qua kính thiên văn vô số các ngôi sao khác mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Số lượng của chúng vượt quá khả năng tưởng tượng của chúng ta bởi vì ta có thể nhìn thấy các ngôi sao có độ sáng thấp yếu hơn mắt thường 6 độ. Dưới ống kính thiên văn, những ngôi sao sáng nhất trong số những ngôi sao này mà tôi gọi là các ngôi sao sáng 7 độ hay các ngôi sao vô hình sáng 1 độ hiện ra lớn hơn và sáng hơn cả các ngôi sao có độ sáng 2 độ khi quan sát bằng mắt thường. Để cung cấp thêm cho bạn đọc một hoặc hai chứng cứ về cách thức kì lạ mà các ngôi sao co cụm lại với nhau, tôi đã quyết định dẫn chứng ra đây hai chòm sao, dựa vào đó các bạn có thể tự mình rút ra kết luận cho các chòm sao khác.
Tôi đã định bụng sẽ mô tả toàn bộ chòm sao Lạp Hộ (Thợ Săn, Orion) cho ví dụ đầu tiên, nhưng do choáng ngợp bởi số lượng các ngôi sao quá lớn, phải có hơn 500 ngôi sao mới bên cạnh các ngôi sao đã biết trong khoảng cách 1 đến 2 độ, và giới hạn về thời gian, tôi phải dời việc này vào một dịp khác. Thay vào đó, tôi sẽ chỉ chọn 3 ngôi sao trong đai và 6 trong kiếm của chòm sao Lạp Hộ. Các ngôi sao này đã được biết từ lâu là nhóm các ngôi sao gồm nhiều ngôi sao nhỏ hơn. Và tôi đã vẽ thêm vào 80 ngôi sao khác vừa được khám phá trong vùng lân cận, đồng thời giữ khoảng cách giữa các ngôi sao theo tỉ lệ chính xác đến mức có thể. Để phân biệt các ngôi sao cũ đã được biết đến, tôi vẽ chúng với kích thước lớn hơn và đồng thời vẽ chúng với hai nét bút. Còn những ngôi sao khác không nhìn thấy được bằng mắt trần được minh họa bằng các ngôi sao nhỏ hơn với một nét bút. Tôi cũng cố gắng hết sức để mô tả độ sáng của các ngôi sao qua kích thước khác nhau của chúng. Tiếp theo, tôi đã chọn 6 ngôi sao trong chòm sao Kim Ngưu (Taurus) gọi là cụm sao mở Tua Rua (Pleiades) bao quanh bầu trời trong một hàng rào rất nhỏ làm ví dụ thứ hai (tôi chủ tâm nói 6 ngôi sao vì ngôi sao thứ bảy hiếm khi nhìn thấy được). Gần những ngôi sao này, có hơn 40 ngôi sao khác không nhìn thấy được bằng mắt thường và không một ngôi sao nào nằm cách xa 6 ngôi sao kể trên hơn nữa độ nhưng tôi chỉ vẽ ra 36 ngôi sao trong hình 10. Cũng như trong trường hợp ở chòm sao Lạp Hộ, tôi cố gắng giữ được khoảng cách, độ sáng và sự phân biệt giữa các ngôi sao cũ và mới.
Hình 9: Chòm sao Lạp Hộ (Orion)
Hình 10: Chòm sao Tua Rua (Pleiades)
Đối tượng thứ ba mà tôi đã quan sát cung với kính thiên văn này là tính chất hay vật chất cấu thành của giải Ngân hà. Bất cứ ai cũng có thể nhìn nhận việc sử dụng kính thiên văn thực sự đã có sự cuốn hút lạ thường. Nhờ nó, tất cả những tranh luận đã dày vò các thế hệ triết gia từ xưa đến nay nổ tung trong một giây chỉ bằng các chứng cứ không thể phủ nhận hiện ra trước mắt ta. Chúng ta đã có thể vứt bỏ hết tất cả những tranh luận dài dòng về chủ đề này bởi vì Thiên Hà không gì khác hơn là vô số các ngôi sao nhóm lại với nhau thành nhiều cụm sao. Cho dù ta hướng ống kính về bất cứ hướng nào thẳng lên trời, những cánh đồng mênh mông các vì sao cũng hiện ra trước mắt ta, trong đó có nhiều cụm sao khá lớn và cực sáng nhưng số lượng các ngôi sao nhỏ hơn thì không thể xác định được.
Những ánh sáng màu sữa giống như màu của các đám mây trắng này không chỉ được nhìn thấy ở giải Ngân Hà mà những vệt sáng cùng màu này cũng được phát hiện ở khắp nơi trên bầu trời mặc dù chúng có ánh sáng yếu hơn. Nếu bạn xoay ống kính vào nó bạn sẽ nhìn cụm các ngôi sao nằm sát với nhau. Hơn thế nữa, và các bạn sẽ ngạc nhiên hơn nữa, những ngôi sao mà các nhà thiên văn gọi là tinh vân (nebulous) là những nhóm các ngôi sao nhỏ xếp chặt với nhau theo một cách rất tuyệt vời. Mặc dù mỗi ngôi sao trong các tinh vân này rất nhỏ và nằm cách rất xa ngoài tầm nhìn của chúng ta, ánh sáng của chúng trộn lẫn với nhau tạo thành th ứ ánh sáng mà tr ước đây ta vẫn tin rằng nó bắt nguồn từ một vùng đậm đặc nào đó trên bầu trời có khả năng phản xạ ánh sáng của các ngôi sao và Mặt Trời. Tôi đã quan sát nhiều tinh vân nhưng ở đây tôi chỉ vẽ thêm hai cụm sao của hai tinh vân.
Đầu tiên là một hình vẽ của tinh vân ở đầu của Orion trong đó có 21 ngôi sao.
Cụm sao thứ hai chứa tinh vân Praesepe không chỉ có một ngôi sao mà có một cụm hơn 40 ngôi sao nhỏ. Tôi đã vẽ ra 36 ngôi sao bên cạnh sao Aselli săpx xếp theo thứ tự như trong hình sau.
Hình 11: Tinh vân Orion và Praesepe
(Còn tiếp...)
Người dịch: TS. Nguyễn Lương Quang (CITA - Canada)