Có kích thước và cấu trúc tương tự với Trái Đất của chúng ta, Sao Kim được xem như là chị em sinh đôi với Trái Đất. Tuy nhiên cặp song sinh này không hẳn là giống hệt nhau, mà giữa hai hành tinh này có những sự khác biệt cơ bản.
Sao Kim có một bầu khí quyển dày và độc hại, chứa đầy khí Cacbonic và vĩnh viễn bị bao phủ bởi những đám mây dày màu vàng với thành phần chủ yếu là axit sunfuric. Bầu khí quyển này giữ nhiệt và gây ra hiệu ứng nhà kính nặng nề. Sao Kim là hành tinh nóng nhất trong Hệ Mặt Trời, mặc dù rằng Sao Thủy mới là hành tinh ở gần Mặt Trời nhất. Áp suất khí quyển bề mặt của Sao Kim bằng 90 lần Trái Đất, tương tự với áp suất ở độ sâu 1 dặm dưới đại dương.
Sao Kim là hành tinh đầu tiên được khám phá bởi một tàu vũ trụ. Ngày 14/02/1962, tàu vũ trụ Mariner 2 của NASA đã bay qua và thu thập dữ liệu của hành tinh này. Kể từ đó, nhiều tàu vũ trụ khác của Hoa Kỳ và các cơ quan vũ trụ khác đã khám phá Sao Kim, bao gồm cả Magellan của NASA là tàu vũ trụ đã lập bản đồ bề mặt hành tinh này bằng radar. Liên Xô cũ là quốc gia duy nhất đã hạ cánh xuống bề mặt Sao Kim, tuy nhiên tàu vũ trụ đã không thể trụ được lâu do điều kiện môi trường vô cùng khắc nghiệt của Sao Kim.
10 sự thật thú vị về Sao Kim
1. Kích cỡ như Trái Đất
Nếu mặt trời có chiều cao tương tự cửa ra vào của chúng ta thì Trái Đất và Sao Kim sẽ có kích thước cỡ một đồng xu.
2. Hành tinh đá thứ hai
Sao Kim quay quanh Mặt Trời của chúng ta. Đồng thời, Sao Kim cũng là hành tinh thứ hai gần Mặt Trời với khoảng cách khoảng 108 triệu Km (67 triệu dặm).
3. Một NGÀY dài hơn một NĂM!
Sao Kim quay quanh trục cùng chiều kim đồng hồ (gọi là sự quay nghịch hành) với khoảng thời gian 243 ngày Trái Đất—tốc độ tự quay chậm nhất của hành tinh trong Hệ Mặt Trời. Do vậy một "ngày" (thời gian sao-sidereal day) trên Sao Kim dài hơn một "năm" của Sao Kim. Và vì quay ngược như vậy nên bình minh trên Sao Kim sẽ ở phía Tây và hoàng hôn thì lại ở phía Đông.
4. Địa hình đa dạng
Bề mặt rắn của Sao Kim được bao phủ bởi vô số các núi lửa cao cùng những đồng bằng và cao nguyên rộng lớn.
5. Không có vệ tinh tự nhiên và vành đai
Khác với các hành tinh khác, cùng với Sao Thuỷ, Sao Kim không có vệ tinh tự nhiên nào. Ngoài ra thì hành tinh này cũng không có hệ thống vành đai như các hành tinh khí khổng lồ khác trong Hệ Mặt Trời.
6. Hiệu ứng nhà kính
Với nhiệt độ bề mặt vào khoảng 465°C (khoảng 900°F) đó đủ sức có thể làm tan chảy cả Chì (Pb)
7. Tồn tại nước?
Có nhiều nhà khoa học tin rằng nước đã từng tồn tại trên bề mặt của Sao Kim. Trong tương lai, những nhà thám hiểm hành tinh này sẽ tìm kiếm bằng chứng của một đại dương cổ xưa ở nơi đây.
8. Những vị khách
Hơn 40 tàu không gian đã từng khám phá Sao Kim. Nhiệm vụ Magellan của thập niên 90 đã lập bản đồ bề mặt hành tinh và Akatsuki (Rạng Đông) hiện đang quay quanh quỹ đạo hành tinh này.
9. Sự sống trên Sao Kim
Nhiệt độ khắc nghiệt trên Sao Kim với những đám mây acid khiến hành tinh này có vẻ không giống như một nơi lý tưởng để tồn tại sự sống.
10. Khí quyển quay siêu nhanh
Trong khi bề mặt quay chậm thì những đợt gió lại thổi mạnh, điều này khiến cho những đám mây có thể hoàn thành một vòng quanh hành tinh chỉ trong 5 ngày.
Bạn biết không?
Tàu đổ bộ Venera 13 của liên bang Xô Viết đã tồn tại dưới nhiệt độ cực cao và áp lực rất lớn của bề mặt Sao Kim trong hơn 2 giờ đồng hồ. Các kỹ sư từ nhiều quốc gia vẫn đang nỗ lực nghiên cứu cách thức kéo dài sự chịu đựng của các phi thuyền không người lái trong môi trường khắc nghiệt này.
Sao Kim trong văn hoá đại chúng
Được đặt tên theo vị thần của tình yêu và sắc đẹp, Sao Kim (Venus) dường như gần tương đồng với "Phụ Nữ" trong nhiều nền văn hoá, được nhắc đến trong mối quan hệ nổi tiếng "đàn ông đến từ Sao Hoả, phụ nữ đến từ Sao Kim". Đồng thời, Sao Kim là một điểm đến phổ biến cho nhiều tác giả khoa học viễn tưởng đầu thế kỷ 20; trước khi chúng ta biết về những gì nằm phía dưới tầng mây bí ẩn ấy, các tác giả có thể suy đoán về một hành tinh hiếu khách và những cư dân trên đó. Gần đây, Sao Kim được sử dụng để làm nền cho các game như Transhuman Space, Battlezone and Destiny. Cũng như trong phim hoạt hình Princess and the frog của Disney, một chú đom đóm tên Ray đã yêu Sao Kim (Sao Hôm) bởi chú lầm đó là một con đom đóm khác.
Một Sao Kim nóng
Sao Kim không phải là hành tinh gần mặt trời nhất, nhưng đó vẫn là hành tinh nóng nhất Hệ Mặt Trời do hiệu ứng nhà kính. Hành tinh này có một lớp khí quyển dày với khí nhà kính CO2 cùng với những đám mây axit sunfuric. Lớp khí quyển này giữ lại nhiệt và khiến hành tinh này có nhiệt độ rất cao, những kim loại như chì có thể dễ dàng bị nung chảy ở đây.
Sao Kim là một hành tinh có hoạt động địa chất mạnh. Nó có những ngọn núi cao và núi lửa. Sao Kim có kích thước tương tự Trái Đất. Thực ra thì Trái Đất chỉ lớn hơn một ít (bán kính Sao Kim - 6052 km so với bán kính Trái Đất - 6378 km).
Sao Kim quay ngược chiều với Trái đất và những hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời. Và sự quay này rất chậm.
Theo NASA