Nếu bạn thường xuyên nhìn vào bầu trời đêm, bạn có thể nhận thấy Mặt Trăng dường như thay đổi hình dạng. Mặt Trăng có thể trông giống như một hình lưỡi liềm dẹp, có hôm Mặt Trăng lại trông giống như một cái đĩa phát sáng. Và vào những đêm khác, bạn thậm chí có thể không nhìn thấy được Mặt Trăng. Các hình dạng khác nhau của Mặt Trăng mà chúng ta nhìn thấy ở các thời điểm khác nhau trong tháng được gọi là các pha của Mặt Trăng.
Trăng mới: Mặt Trăng nằm ở giữa Trái Đất và Mặt Trời, xuất hiện cùng Mặt Trời vào ban ngày nên không thể nhìn thấy được.
Trăng non: còn gọi là trăng lưỡi liềm đầu tháng, có thể nhìn thấy vào buổi chiều và sau hoàng hôn.
Trăng thượng huyền: còn gọi là trăng bán nguyệt đầu tháng, có thể nhìn thấy vào buổi chiều và đầu giờ tối.
Trăng trương huyền tròn dần: còn gọi là trăng khuyết đầu tháng, có thể nhìn thấy vào cuối buổi chiều và cả đêm.
Trăng tròn: còn gọi là Trăng Rằm, lúc này Trái Đất nằm ở giữa Mặt Trăng và Mặt Trời, có thể nhìn thấy cả đêm.
Trăng trương huyền khuyết dần: còn gọi là trăng khuyết cuối tháng, có thể nhìn thấy cả đêm và sáng sớm.
Trăng hạ huyền: còn gọi là trăng bán nguyệt cuối tháng, có thể nhìn thấy vào cuối đêm và buổi sáng.
Trăng lưỡi liềm cuối tháng: mặt trăng lúc này chỉ còn là một vệt mỏng, khuyết về bên trái
Danh từ “hạ huyền” và “thượng huyền” thực ra là từ gốc Hán, không phải từ thuần Việt, trong đó “huyền” (弦) mang nghĩa là “dây cung”, “dây đàn”. Cạnh huyền, đường huyền trong tam giác vuông cũng chính là từ này. Cũng như Việt Nam, Nhật Bản cũng là một quốc gia sử dụng từ gốc Hán nên họ cũng có khái niệm trăng thượng huyền (上弦, âm Nhật: Jōgen) và hạ huyền (下弦, âm Nhật: Kagen).
TẠI SAO LẠI CÓ HIỆN TƯỢNG NÀY?
Mặt trăng không thể tự tạo ra ánh sáng. Thứ ta từng nghe gọi là “ánh trăng” thực ra chỉ là ánh sáng Mặt Trời phản chiếu trên bề mặt Mặt Trăng. Nếu không có Mặt Trời, Mặt Trăng của chúng ta sẽ tối hoàn toàn. Trên Trái Đất, tầm nhìn của chúng ta về phần được chiếu sáng của Mặt trăng thay đổi mỗi đêm, tùy thuộc vào vị trí của Mặt Trăng trên quỹ đạo hoặc đường đi của nó quanh Trái Đất.
Vì vậy, lời giải thích cơ bản là các pha Mặt Trăng được tạo ra bằng cách thay đổi các góc (vị trí tương đối) của Trái Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời khi Mặt Trăng quay quanh Trái Đất.
THỜI GIAN MỌC VÀ LẶN CỦA MẶT TRĂNG?
Thời gian mọc và lặn của Mặt Trăng không phải lúc nào cũng giống nhau mà thay đổi tùy vào pha của Mặt Trăng. Điều này có nghĩa là bạn có thể dựa vào thời gian trăng mọc và lặn để xác định đó là Trăng thượng huyền hay hạ huyền.
Bạn không thể nhìn thấy Trăng mới, vì khi đó nó không được Mặt Trời chiếu sáng, và vì thời gian Mặt Trăng mọc và lặn trùng với mặt trời.
CÁCH NHẬN BIẾT PHA CỦA MẶT TRĂNG
Hãy sử dụng quy tắc D.O.C! Mặt Trăng luôn tuân theo cùng một quy luật chiếu sáng, do đó bạn có thể dùng hình dạng của các chữ cái D, O, và C để xác định Trăng thượng huyền và Trăng hạ huyền. Ở pha bán nguyệt đầu tháng, Mặt Trăng trông giống hình chữ D. Khi trăng tròn, Mặt Trăng trông như hình chữ O. Và ở pha bán nguyệt cuối tháng, Mặt Trăng trông như hình chữ C.
- Trăng hình lưỡi liềm như chữ C ngược là Trăng tròn dần (thượng huyền).
- Trăng khuyết có hình chữ D là Trăng tròn dần (thượng huyền).
- Trăng khuyết có hình chữ D ngược là Trăng khuyết dần (hạ huyền).
- Trăng hình lưỡi liềm như chữ C là Trăng khuyết dần (hạ huyền).
CHU KÌ MẶT TRĂNG
Thời gian cần thiết để Mặt Trăng di chuyển đến cùng một vị trí (cùng pha) mà người quan sát trên Trái Đất nhìn thấy được gọi là Chu kỳ Mặt Trăng (Lunation), trung bình là 29,5305882 ngày (+/- 0,27 ngày do khoảng cách khác nhau giữa Trái Đất và Mặt Trăng). Nếu bạn muốn quan sát Mặt Trăng quay quanh Trái Đất từ bên ngoài Hệ Mặt Trời của chúng ta, thì thời gian cần thiết là 27,3217 ngày, ít hơn khoảng hai ngày. Con số này được gọi là Chu kỳ Thiên văn hoặc Chu kỳ Quỹ đạo (sidereal period or orbital period). Tại sao Chu kỳ đồng bộ (synodic period) khác với Chu kỳ Thiên văn? Câu trả lời ngắn gọn là vì trên Trái Đất, chúng ta đang quan sát Mặt Trăng từ một hệ chuyển động: Trong chu kỳ của Mặt Trăng, Trái Đất đã di chuyển khoảng một tháng (trong năm Mặt Trời), làm thay đổi góc nhìn của chúng ta đối với Mặt Trăng, vậy nên nó cũng làm thay đổi pha.
Mặc dù Chu kỳ Thiên văn hoặc Chu kỳ Quỹ đạo có thể được sử dụng trong một số tính toán nhất định, nhưng tuần trăng không thể được tính chính xác bằng cách chia ngày. Đơn giản là vì chuyển động của Mặt Trăng (tốc độ và vị trí quỹ đạo) bị ảnh hưởng và nhiễu loạn bởi nhiều lực có cường độ khác nhau. Do đó, các phương trình phức tạp được sử dụng để xác định vị trí và pha chính xác của Mặt Trăng tại bất kỳ thời điểm nào.
Vào những thời điểm đặc biệt trong năm, Trái Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời “xếp thẳng hàng”. Khi Mặt Trăng che khuất Mặt Trời hoặc một phần, nó được gọi là Nhật Thực và nó chỉ có thể xảy ra trong giai đoạn trăng non. Khi Trái Đất phủ bóng lên Mặt Trăng, nó được gọi là Nguyệt Thực và chỉ có thể xảy ra trong giai đoạn trăng tròn. Khoảng 4 đến 7 lần Nhật Thực xảy ra trong một năm bất kỳ, nhưng hầu hết đều là Nhật Thực nhỏ hoặc Nhật thực một phần, Nhật Thực toàn phần tương đối hiếm gặp.
Tham khảo:
- Why Does the Moon Shine? | Live Science
- What is a waxing crescent moon? (earthsky.org)
- Moon Phases / Lunar Phases Explained (moonconnection.com)
- Cách để Phân biệt trăng thượng huyền và trăng hạ huyền: 9 Bước (wikihow.vn)