James Christy làm việc tại đài thiên văn Hải Quân Hoa Kỳ. Ngày 22/06/1978, trong khi nghiên cứu các bức ảnh chụp Sao Diêm Vương từ 2 tháng trước, Christy phát hiện có một vết lồi ra ở rìa Sao Diêm Vương và vết lồi này xuất hiện một cách có chu kỳ. Sự xuất hiện của vết lồi này được khẳng định khi quan sát ngược lại các bức ảnh chụp Sao Diêm Vương từ ngày 29/04/1965.

Ảnh bên trái: Sao Diêm Vương với "vết lồi". Ảnh bên phải: Sao Diêm Vương khi cùng Charon thẳng hàng với người quan sát tại Trái Đất

Các quan sát tiếp theo đối với Sao Diêm Vương cho thấy rằng, vết lồi đó được gây ra bởi một thiên thể nhỏ hơn đồng hành cùng Sao Diêm Vương. Trong thời gian từ năm 1985 đến 1990, Sao Diêm Vương và Charon đã hai lần che khuất lẫn nhau (đối với người quan sát tại Trái Đất). Đặc biệt hơn, sự che khuất này xảy ra khi mặt phẳng quỹ đạo của chuyển động của Charon quanh Sao Diêm Vương quay phần cạnh về phía Trái Đất (điều này xảy ra 1 lần trong 248 năm). Các quan sát trong giai đoạn này đã chính thức khẳng định sự tồn tại của Charon.

Vệ tinh này được Christy đề nghị đặt theo tên của người lái đò dưới âm phủ - Charon. IAU chấp nhận tên gọi này vào cuối năm 1985, được chính thức công bố vào ngày 03/01/1986.

Chỉ tới khi kính Hubble được phóng lên không gian, Trái Đất mới thu được các bức ảnh cho phép tách rời Sao Diêm Vương và Charon. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, các kính thiên văn mặt đất cũng có thể chụp được các bức ảnh cho phép phân biệt rõ ràng 2 thiên thể này.

Charon có đường kính khoảng 1207 km (khoảng 1 nửa đường kính của Sao Diêm Vương), diện tích bề mặt 4.58 x 10^6 km vuông, khối lượng khoảng 1.52x10^21 kg. Charon chuyền động quanh Sao Diêm Vương hết khoảng 6.38 ngày Trái Đất, trùng với chu kỳ tự quay quanh trục. Khoảng cách trung bình từ Charon đến Sao Diêm Vương là 19571 km

Tháng 8 năm 2006, Charon đã có tên trong danh sách xếp hạng hành tinh lùn. Tuy nhiên, IAU vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về danh hiệu trên. Cho đến thời điểm này (tháng 6 năm 2007), về mặt danh nghĩa, Charon vẫn là vệ tinh của hành tinh lùn Sao Diêm Vương.

Ảnh: Kính thiên văn Hubble chụp Sao Diêm Vương cùng với 3 vệ tinh Charon, Nix và Hydra

Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 - 2007. June 22 - Births, Deaths, Events,
http://www.todayinsci.com/6/6_22.htm
[2]Wikipedia, 06/2007. Charon (moon),
http://en.wikipedia.org/wiki/Charon_%28moon%29

Hero_Zeratul
Box Thiên văn học - ttvnol.com