Fred Hoyle sinh ra ở Yorkshire, một thành phố miền bắc nước Anh. Ông theo học toán học và vật lý lý thuyết tại đại học Cambridge. Trong giai đoạn cuối những năm 1930, Hoyle nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của các ngôi sao cùng với Ray Littleton. Trong thế chiến II, ông tham gia vào nhóm nghiên cứu và phát triển radar. Trong thời gian từ năm 1945 đến năm 1973, ông làm việc tại đại học Cambridge và thường xuyên có những chuyến công tác tới những đại học của Hoa Kỳ. Hoyle sáng lập và là trưởng khoa đầu tiên của khoa Thiên văn lý thuyết của đại học Cambridge.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!
Fred Hoyle (24/06/1915 – 20/08/2001)

Cùng với Martin Schwarzschild, Holey đã phát triển học thuyết về sự phát triển của các sao khổng lồ đỏ. Cùng với Maraget Burbidge, Geoffrey Burbidge và William Fowler, Holey đã tìm ra sự tổng hợp các nguyên tố dựa trên nguyên tố hêli trong quá trình phát triển của các ngôi sao. Ông đã dự đoán thành công về sự tồn tại của carbon 12 trên Mặt Trời, bằng chứng rõ rệt cho sự tổng hợp các nguyên tử hêli. Hoyle đã làm việc trong rất nhiều lĩnh vực của vật lý thiên văn lý thuyết và vũ trụ học, từ sự hình thành Hệ Mặt Trời đến bản chất của các quasar. Ông cũng là người đề xuất ra ý tưởng về việc sự sống đến với Trái Đất từ vũ trụ. Ý tưởng này dựa trên những kết quả quan sát bụi vũ trụ tại bước sóng hồng ngoại của ông với Chandra Wickramasinghe.

Năm 1948, cùng với Hermann Bondi và Thomas Gold, Hoyle đã đưa ra học thiết về sự phát triển đều của vũ trụ (Steady State). Nội dung chủ yếu của học thuyết này là vũ trụ liên tục liên tục sinh ra vật chất mới. Trong giai đoạn những năm 1950, 1960, học thuyết này được nhiều người ủng hộ. Nhưng từ cuối những năm 1960, học thuyết này đã gần như bị bác bỏ do sự phát hiện bức xạ nền của vũ trụ. Hoyle đã đưa ra lý thuyết toán của mô hình như là một sự mở rộng của thuyết Tương Đối Tổng Quát. Chính Hoyle là người đã đặt tên cho thuyết Bigbang khi ông tiến hành những tranh luận chống lại học thuyết này trên đài BBC trong những năm 1950. Cho đến cuối đời, Hoyle vẫn không chấp nhận thuyết Bigbang, mặc dù các quan sát, nghiên cứu gần đây nhất đều ủng hộ tính đúng đắn của giả thuyết này. Năm 2000, cùng với Geoffrey Burdidge và N.V. Narlikar, ông đã xuất bản một cuốn sách trình bày học thuyết về sự phát triển đều của vũ trụ.

Hoyle đã đảm nhiệm cương vị giáo sư Plumian của đại học Cambridge trong thời gian từ năm 1958 đến năm 1972 (chức danh giáo sư Plumian và chức danh giáo sư Lowndean là 2 chức danh giáo sư thiên văn học cao nhất của đại học Cambridge. Giáo sư Plumian nghiên cứu về thiên văn và triết học, giáo sư Lowndean nghiên cứu về thiên văn và địa lý). Ông là một trong những nhà khoa học hàng đầu nước Anh trong nửa cuối thế kỷ XX. Ông là tác giả hoặc đồng tác giả của rất nhiều sách, vở kịch về khoa học. Ông được coi là một trong những người đi đầu trong việc phổ biến khoa học ra cộng đồng.

Tên ông được dùng để đặt cho một tiểu hành tinh (asteroid 8077 Hoyle).

Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 - 2007. June 24 - Births, Deaths, Events,
http://www.todayinsci.com/6/6_24.htm
[2]JST, 2006-02-25. The Bruce Medalists, Fred Hoyle,
http://www.phys-astro.sonoma.edu/BruceMedalists/Hoyle/index.html

Hero_Zeratul
Box Thiên văn học - ttvnol.com