Herietta Swan Leavitt sinh ra tại Lancaster bang Massachussetts. Bà tốt nghiệp trường cao đẳng Radcliffe năm 1892. Sau khi tốt nghiệp, bà phải nghỉ tại gia đình một thời gian vì bị bệnh. Sau khi khỏi bệnh, bà gần như bị điếc hẳn. Leavitt bắt đầu làm việc tại đài thiên văn trường Havard từ năm 1893 (có tài liệu ghi là 1895). Ban đầu, bà là một nhân viên thực hiện công việc tính toán, đo đạc độ trưng của các ngôi sao trong những tấm ảnh chụp dưới sự chỉ đạo của giáo sư Edward Charles Pickering. Bà đã đo đạc độ sáng của hàng ngàn ngôi sao biến quang trong các đám mây Magellan. Năm 1908, bà đã công bố kết quả nghiên cứu của mình: một số ngôi sao biến quang có độ trưng tỷ lệ thuận với độ dài chu kỳ. Sau hàng loạt những nghiên cứu, năm 1912, bà đã tìm ra mối liên hệ về độ trưng tuyệt đối và chu kỳ của một số ngôi sao biến quang. Các ngôi sao kiểu này được gọi là các sao biến quang Cepheid [2].

VLTV
Ảnh: Henrietta Swan Leavitt (04/07/1868 – 12/12/1921) [1]

Phát hiện của Leavitt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thiên văn học. Dựa vào việc quan sát chu kỳ của sao biến quang Cepheid, người ta có thể xác định độ trưng tuyệt đối của nó. Dựa trên mối tương quan giữa độ trưng biểu kiến (do quan sát) và độ trưng tuyệt đối (tính ra được), có thể xác định được rất chính xác khoảng cách từ Trái Đất đến ngôi sao. Một năm sau phát hiện của Leavitt, nhà thiên văn Ejnar Hertzsprung đã phát hiện được và đo đạc được khoảng cách đến 1 số sao biến quang Cepheid ngay trong Ngân Hà. Những phát hiện của Hertzsprung đã góp phần hiệu chỉnh và hoàn thiện phương pháp đo khoảng cách dựa vào các sao biến quang Cephied. Các sao biến quang Cepheid được sử dụng để đo khoảng cách từ Trái Đất đến các thiên hà xa xôi (chỉ cần tìm được sao biến quang Cepheid trong các thiên hà đó là tính được khoảng cách). Edwin Hubble đã tìm ra một số sao biến quang Cepheid trong thiên hà Andromeda và xác định chính xác khoảng cách từ Trái Đất đến thiên hà này, từ đó chấm dứt cuộc tranh cãi về quy mô của Ngân Hà và vị trí của các “tinh vân xoắn ốc” (thực chất là các thiên hà xoắn ốc) trong vũ trụ [2] (xem thêm bài viết về nhà thiên văn Heber Doust Curtis trong bài viết ngày 27/06 cùng topic).

Vì lý do sức khỏe và lý do gia đình, Leavitt không thường xuyên làm việc tại đài thiên văn Harvard. Năm 1921, khi Harlow Shapley đảm nhiệm cương vị giám đốc đài thiên văn, bà đang là trưởng nhóm đo đạc độ sáng của các ngôi sao. Cuối năm đó, bà qua đời vì bệnh ung thư [2]

Tên bà được đặt cho một crater trên Mặt Trăng, một tiểu hành tinh (asteroid 5383 Leavitt) [2]

Tài liệu tham khảo:
[1]Today in Science History, 1999 - 2007. July 04 - Births, Deaths, Events, http://www.todayinsci.com/7/7_04.htm
[2]Wikipedia, 05/2007. Henrietta Swan Leavitt, http://en.wikipedia.org/wiki/Henrietta_Swan_Leavitt

Hero_Zeratul
Box Thiên văn học - ttvnol.com