Sóng hấp dẫn được phát hiện vào tháng 4/2019 nhưng các nhà nghiên cứu vừa mới xác nhận khả năng chúng được tạo ra từ một vụ hợp nhất của cặp sao neutron lớn nhất từng biết.
Hình ảnh cho thấy sự hợp nhất của một cặp sao neutron có thể trông như thế nào.
Image credit: National Science Foundation/LIGO/Sonoma State University/A. Simonnet
Đây là lần thứ hai các nhà khoa học sử dụng sóng hấp dẫn (dao động trong không thời gian) để phát hiện vụ hợp nhất hai sao neutron. Những sao neutron - ngôi sao siêu đậm đặc, có khối lượng cỡ Mặt Trời nhưng kích thước chỉ cỡ một thành phố - có khối lượng hợp nhất lớn hơn các cặp sao neutron đã được phát hiện trước đó.
“Từ những quan sát với ánh sáng truyền thống, chúng ta đã biết tới 17 cặp sao neutron trong Ngân Hà của chúng ta và chúng ta cũng đã ước lượng khối lượng của chúng”, Ben Farr, một thành viên của đội LIGO từ đại học Oregon, nói trong cuộc họp báo. “Điều đáng ngạc nhiên là khối lượng tổng cộng của cặp sao neutron này lớn hơn chúng ta kì vọng”.
Sau vụ va chạm của hai ngôi sao neutron trên, các nhà nghiên cứu nói rằng khối lượng của thiên thể hợp nhất có lẽ đủ lớn (hơn 3.4 lần khối lượng Mặt Trời) để tạo thành lỗ đen, nuốt chửng toàn bộ vật chất thông thường vá cả ánh sáng trong khu vực lân cận.
Vụ va chạm sao neutron lần thứ hai
Vụ va chạm sao neutron lân đầu tiên được gọi là GW170817, là sự kiện mang tích lịch sử vào năm 2017. Đó là lần đầu tiên các nhà thiên văn học phát hiện được một hiện tượng vũ trụ bằng cả sóng hấp dẫn và ánh sáng (sóng điện từ), mở đầu kỉ nguyên của thiên văn học đa sứ giả.
Tuy nhiên, lần này chỉ LIGO một trong 3 thiết bị của LIGO-Virgo phát hiện được sóng hấp dẫn của vụ va chạm này, xảy ra ngày 25/04/2019 và được gọi là GW190425 (năm 2019, tháng 04, ngày 25), các nhà khoa học không thể khoanh vùng xảy ra hiện tượng. Do đó, không thể phát hiện được ánh sáng từ vụ xác nhập này, dĩ nhiên, nếu nó có phát ra ánh sáng.
Theo bài trình bày của Katerina Chatziionnou vào thứ Hai vừa rồi trong cuộc họp thứ 235 của Hiệp Hội Thiên Văn Hoa Kỳ "Khối lượng của mỗi sao neutron thường khá ổn định, nhưng cặp này có khối lượng lớn hơn tất cả các cặp sao neutron đã biết”.
Bởi vì khối lượng lớn hơn so với mong đợi, Chatziionnou thêm vào rằng họ không thể bỏ qua những khả năng khác cho hệ này. Ví dụ như, nó có thể là vụ hợp nhất của hai lỗ đen khối lượng nhỏ để tạo thành lỗ đen lớn hơn.
Phát hiện lần này là phát hiện chính thức đầu tiên của sóng hấp dẫn trong giai đoạn quan sát thứ 3 của LIGO-Virgo (gọi tắt là O3), bắt đầu vào ngày 01/04/2019. Hãy chờ đợi, bởi vì với việc nâng cấp độ nhạy của các thiết bị phát hiện sóng hấp dẫn, O3 sẽ giúp chúng ta phát hiện nhiều hệ thống thú vị hơn nằm rải rác trong khắp vũ trụ.
Tham khảo
- Astronomy.com: Gravitational waves reveal a second neutron star collision