Bạn đã nhìn thấy Vết Đỏ Lớn trên Sao Mộc bao giờ chưa? Nó đấy! Một cơn bão khổng lồ có kích thước gần gấp đôi Trái Đất của chúng ta, tồn tại trên hành tinh này đã hơn 400 năm kể từ khi nó được nhìn thấy thông qua các kính viễn vọng. Vết Đỏ Lớn là một vùng áp suất cao trong bầu khí quyển của Sao Mộc, tạo nên một cơn bão xoáy nghịch lớn nhất trong Hệ Mặt Trời. Màu đỏ cam đặc trưng khiến cho Vết Đỏ Lớn trở thành một đặc điểm dễ nhận thấy trên bề mặt Sao Mộc.

Bức ảnh hoành tráng này được chụp bởi tác giả Phạm Minh Nhật thông qua Đài thiên văn Viễn trình Ứng hòa. Bên cạnh các sọc mây và Vết Đỏ Lớn, ở góc dưới bên phải còn có sự xuất hiện của vệ tinh Io. Trong tháng 10 và tháng 11 này, Sao Mộc đang ở quanh vị trí xung đối. Hành tinh khí khổng lồ này sẽ sáng nhất và ở gần Trái Đất nhất. Nếu bạn đang sở hữu một chiếc kính thiên văn nhỏ đủ tốt, hãy thử quan sát và tìm kiếm các sọc mây đặc trưng trên bề mặt Sao Mộc, 4 vệ tinh lớn, và Vết Đỏ Lớn này nữa nhé.

Các thông số kỹ thuật

  • Kính thiên văn: Celestron C11 EdgeHD
  • Chân đế: Ioptron Cem 120EC2
  • Máy ảnh: ZWO ASI224MC
  • Barlow: Explore Scientific 2x 2 inch
  • Thông số chụp: Gain 270, phơi sáng 10ms
  • Chồng ảnh: 5% từ video 5000 khung hình
  • Chỉnh sửa bằng phần mềm Pix Insight và Registax