© ESA/Hubble & NASA, D. Jones, A. Riess et al.; CC BY 4.0 Acknowledgement: R. Colombari
Hình ảnh từ Kính viễn vọng Không gian Hubble của NASA / ESA chụp thiên hà xoắn ốc NGC 105, nằm cách xa khoảng 215 triệu năm ánh sáng trong khu vực chòm sao Song Ngư. Trông có vẻ như NGC 105 đang “hùng hục” lao thẳng vào một vụ va chạm với một thiên hà lân cận. Nhưng không, đây chỉ là kết quả của sự sắp xếp ngẫu nhiên của hai vật thể trên bầu trời đêm mà thôi.
Người “hàng xóm” dài và dẹt của NGC 105 thực sự ở xa hơn rất nhiều và vẫn chưa được các nhà thiên văn học biết đến. Những giao hội gây nhầm lẫn này xảy ra thường xuyên trong thiên văn học - ví dụ, các ngôi sao trong các chòm sao nằm ở khoảng cách rất khác tính từ Trái Đất và xuất hiện trên bầu trời đêm tạo thành các hình mẫu nhờ sự liên kết ngẫu nhiên của các ngôi sao thành phần của chúng.
Các quan sát của Máy ảnh Trường rộng số 3 trong hình ảnh này là từ một bộ sưu tập khổng lồ các phép đo của Hubble kiểm tra các thiên hà lân cận chứa hai hiện tượng thiên văn hấp dẫn - sao biến quang Tiên Vương (Cepheid) và vụ nổ siêu tân tinh tàn khốc. Trong khi hai hiện tượng này có vẻ như không liên quan đến nhau - một là một loại sao xung đặc biệt và một là vụ nổ gây ra bởi nỗi thống khổ cuối cùng trong cuộc đời của một ngôi sao lớn - cả hai đều được các nhà thiên văn học sử dụng cho một mục đích rất cụ thể: đo lường khoảng cách rộng lớn đến các đối tượng thiên văn.
Cả Cepheid và siêu tân tinh đều có độ sáng rất dễ đoán, có nghĩa là các nhà thiên văn có thể biết chính xác độ sáng của chúng. Bằng cách đo độ sáng của chúng khi được quan sát từ Trái Đất, những "ngọn nến tiêu chuẩn" này có thể cung cấp các phép đo khoảng cách đáng tin cậy. NGC 105 chứa cả siêu tân tinh và sao biến quang Tiên Vương, mang đến cho các nhà thiên văn cơ hội quý giá để hiệu chỉnh hai kỹ thuật đo khoảng cách với nhau.
Các nhà thiên văn gần đây đã phân tích cẩn thận khoảng cách tới một mẫu thiên hà bao gồm NGC 105 để đo tốc độ mở rộng của Vũ trụ - một giá trị được gọi là hằng số Hubble. Kết quả của họ không phù hợp với dự đoán của mô hình vũ trụ được chấp nhận rộng rãi nhất và phân tích của họ cho thấy chỉ có 1 phần triệu khả năng sự khác biệt này là do sai số đo. Sự khác biệt này giữa các phép đo thiên hà và các dự đoán vũ trụ từ lâu đã khiến các nhà thiên văn kinh ngạc, và những phát hiện gần đây này cung cấp bằng chứng mới thuyết phục rằng có điều gì đó sai hoặc thiếu trong mô hình vũ trụ học tiêu chuẩn của chúng ta.
Tham khảo
- ESA: Galactic conjunction