Credit: Earth Observatory/NASA
Một phi hành gia đang làm việc ở Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS đã chụp bức ảnh Nam cực quang (Aurora Australis) này vào tháng 8 năm 2017. Vào thời điểm đó, Trạm Vũ trụ Quốc tế đang di chuyển trên bầu trời phía nam Ấn Độ Dương về phía Great Australian Bight và Melbourne, Australia.
Cực quang được tạo ra trong tầng cao khí quyển khi gió Mặt Trời (một dòng hạt mang điện do Mặt Trời phát ra) tương tác với từ trường bảo vệ của Trái Đất. Các hạt tích điện trong từ quyển được gia tốc xuống các đường sức từ về phía tầng điện ly, nơi chúng va chạm với các khí khác nhau (đặc biệt là oxy và nitơ) và phát ra ánh sáng. Cực quang thường xuất hiện dưới dạng xanh neon, tím, vàng hoặc đỏ, tùy thuộc vào các phân tử khí bị kích thích. Ví dụ, màu xanh lá cây biểu thị sự va chạm với oxy.
Bức ảnh có số hiệu ISS052-E-63378, được chụp bởi một thành viên của phi hành đoàn Expedition 52 vào ngày 19 tháng 8 năm 2017 bằng máy ảnh kỹ thuật số Nikon D4, sử dụng ống kính 22mm. Hình ảnh được cung cấp bởi Cơ quan Quan sát Trái Đất và Đơn vị Khoa học Trái đất và Viễn thám, Trung tâm Không gian Johnson.
Tham khảo
- Earth Observatory/NASA: Southern Lights near the Great Australian Bight