Bức ảnh chụp tinh vân Orion thực hiện bởi hai tác giả Trần Hạ (Đài quan sát Nam Hà Nội) và David Nguyen (Đài quan sát cá nhân ở Sydney, Úc) vừa được vinh danh là "Image of the day" ngày 12/4/2020 trên diễn đàn ảnh thiên văn hàng đầu thế giới Astrobin.

Bức ảnh chụp tinh vân Orion kết hợp bởi hai tác giả Trần Hạ và David Nguyen được vinh danh là Image of the day trên diễn đàn nhiếp ảnh thiên văn hàng đầu thế giới Astrobin. Credit: Astrobin.

Tinh vân Orion cuối mùa

Chòm sao Lạp Hộ là chòm sao của mùa đông. Và tất nhiên, việc quan sát chòm sao này cũng như các vật thể sâu thuộc khu vực của Lạp Hộ thuận lợi nhất vẫn là vào mùa đông. Vào thời điểm cuối mùa đông, việc quan sát và chụp ảnh tinh vân này lại càng trở nên gấp rút trước khi các chòm sao mùa đông dần xa rời bầu trời đêm.

Nằm cách Trái Đất 1600 năm ánh sáng với bề rộng 35 năm ánh sáng, tinh vân Lạp Hộ (hay tinh vân Orion, mã hiệu M42) là một trong những tinh vân sáng nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường, kể cả tại một số nơi khá ô nhiễm ánh sáng. Ống nhòm cỡ trung bình có thể phân giải phần sáng nhất của tinh vân thành những vệt nhỏ màu hồng nhạt và một số ngôi sao sáng tại vùng trung tâm. Với thiết bị quang học tốt hơn và thời gian phơi sáng lâu hơn, cấu trúc xếp lớp phức tạp của tinh vân sáng này dần hiện ra. Do sở hữu độ sáng "khủng" cùng màu sắc bắt mắt và kích thước chiếm dụng trên bầu trời tương đối lớn, tinh vân này gần như trở thành đối tượng "bắt buộc" mà dân nhiếp ảnh thiên văn nghiệp dư phải chụp được ít nhất một lần trong đời.

Tinh vân Lạp Hộ là một trong những thiên thể có màu sắc thú vị nhất trên bầu trời đêm. Khí hydrogen nằm ở nền phát xạ ra ánh sáng màu đỏ hồng. Trong khi đó, sắc trắng - hơi ngả xanh lam ở viền lại là kết quả của hiện tượng phản xạ ánh sáng từ những ngôi sao khổng lồ nằm sâu trong lõi tinh vân. Trong lõi này, những ngôi sao trẻ tập trung trong một khu vực cực kỳ sáng gọi là cụm Trapezium. Năm ngôi sao sáng nhất trong cụm chỉ cách nhau cỡ 1.5 năm ánh sáng và khối lượng mỗi thành viên có thể đạt khoảng 15-30 lần Mặt Trời của chúng ta. Vào đầu thế kỷ 16, nhà thiên văn học Galileo Galilei đã quan sát được ba ba ngôi sao trong số đó nhưng không thể phát hiện ra được phần tinh vân bao quanh, có lẽ do giới hạn nằm ở kính thiên văn mà ông tự chế. Các thành viên của cụm Trapezium thuộc một nhóm lớn hơn gồm 2000 ngôi sao tập trung trong một khu vực có kích thước cỡ 20 năm ánh sáng, đa phần có độ tuổi không quá nửa triệu năm.

Tinh vân Lạp Hộ là một vùng hình thành sao mãnh liệt trong dải Ngân Hà. Các quan sát trên bước sóng hồng ngoại cho phép đếm được khoảng 700 "phôi sao" đang trong các giai đoạn tiến hóa khác nhau bên trong tinh vân. Thông thường, chúng vẫn còn được bao bọc bởi những đĩa mây bụi khí khổng lồ. Phần còn sót lại của đĩa mây bụi sau khi ngôi sao bắt đầu được hình thành có lẽ sẽ tạo nên những hành tinh hoặc sao chổi và thiên thạch sau này.

Góc trái ảnh có một ngôi sao rất lớn và sáng, đó là Hatsya hay Iota (ι) Orion. Hatsya thực chất là một hệ thống gồm ba ngôi sao, trong đó có hai ngôi sao nhỏ tương tác với nhau và quay quanh một sao khổng lồ xanh dương lớn hơn cả (Iota Orionis A, nhìn thấy được trên ảnh). Hai ngôi sao nhỏ này quay trên một quỹ đạo elip lệch tâm và trong một chu kỳ quay, chúng có thể tiếp cận rất gần nhau tới 8 lần. Mỗi lần như vậy, gió sao quét dọc mặt phẳng xích đạo của hai ngôi sao này sẽ làm bùng phát những đợt tia X mạnh mẽ. Tương tác hấp dẫn mạnh đến mức làm thay đổi hình dạng của cả hai, khiến chúng "dẹt" đi và độ sáng của hệ có sự thay đổi nhẹ trong thời gian quay trên quỹ đạo là 29 ngày.

Bản Mashup tuyệt sắc

Bức ảnh này là sự kết hợp của hai tác giả nhiếp ảnh thiên văn ở hai quốc gia khác nhau: Nguyễn Trần Hạ (Việt Nam) và anh David Nguyen (Úc). Nguyễn Trần Hạ (Trần Hạ) hiện đang công tác tại một công ty chuyên về lĩnh vực CNTT tại Hà Nội. Nhiếp ảnh thiên văn không phải là nghề nghiệp chính nhưng đây chính là đam mê được Trần Hạ theo đuổi từ lâu. Cộng đồng yêu thiên văn trong nước cũng như trên thế giới biết đến Trần Hạ cũng thông qua niềm đam mê này. Trần Hạ hiện đang sở hữu Đài quan sát Nam Hà Nội, là một trong những đài quan sát phục vụ nhiếp ảnh thiên văn hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, anh David Nguyen lại đang sinh sống và làm việc tại Sydney, Úc. Nhiếp ảnh thiên văn là một sở thích và anh cũng sở hữu cho riêng mình một đài quan sát cá nhân.

Từ Đài quan sát Nam Hà Nội, Trần Hạ đã chụp hình ảnh phần lõi rất sáng của M42 & M43, và phần lớn chi tiết của tinh vân Running Man. Các chi tiết mờ tối hơn của các tinh vân M42, M43, khu vực bên ngoài của tinh vân Running Man, đám mây phân tử màu đỏ và các ngôi sao nền... được chụp từ đài quan sát cá nhân của anh David Nguyen. Có tổng cộng 25 khung hình được chụp với thời gian phơi sáng 600 giây và 10 khung hình được chụp với thời gian phơi sáng 1200 giây.

Chia sẻ trên facebook cá nhân, anh David Nguyen viết ngắn gọn: "Mình chụp và như thường lệ Trần Hạ xử lý, mắt tốt và tay nghệ thuật hơn." Tất nhiên ai cũng hiểu là việc chụp ảnh thiên văn kết hợp giữa hai đài quan sát ở hai nơi khác nhau là một công việc phức tạp và đòi hỏi nhiều sự kiên trì cũng như nhiều kỹ thuật khó.

Đây cũng là tác phẩm được vinh danh Image of the day thứ 3 trong năm với sự hợp tác của cả hai người, theo chia sẻ trên facebook cá nhân của Trần Hạ.

Thông số kỹ thuật

  • Kính thiên văn:
    • Astro-Physics 150mm f/7.1 StarFire EDF Triplet Apochromat
    • SharpStar AL107 PH
  • Máy ảnh:
    • FLI Proline 16803
    • QHYCCD 163M
  • Chân đế:
    • Paramount MX
    • Skywatcher AZ EQ-6 GT
  • Thấu kính giảm tiêu cự:
    • Astro-Physics AP 4.0" Field Flattener
    • Sharpstar LARGE PHOTOGRAPHIC FIELD FLATTENER FOR 2.5" FOCUSERS
  • Phần mềm:
    • Pixinsight
    • Adobe Photoshop CC 2017
  • Kính lọc:
    • Astrodon LRGB 1.25" E series Gen 2
    • Astrodon Blue Tru-Balance E-Series Gen 2
    • Astrodon Green Tru-Balance E-Series Gen 2
    • Astrodon Lum Tru-Balance E-Series Gen 2
    • Astrodon Red Tru-Balance E-Series Gen 2
  • Khung hình
    • Astrodon Blue Tru-Balance E-Series Gen 2: 6x600" bin 1x1
    • Astrodon Green Tru-Balance E-Series Gen 2: 6x600" bin 1x1
    • Astrodon Ha 5nm 50 mm Square: 10x1200" bin 1x1
    • Astrodon LRGB 1.25" E series Gen 2: 90x10" bin 1x1
    • Astrodon Lum Tru-Balance E-Series Gen 2: 8x600" bin 1x1
    • Astrodon Red Tru-Balance E-Series Gen 2: 5x600" bin 1x1
  • Tổng thời gian phơi sáng: 7.8 giờ.
  • Độ phân giải: 2800x2800
  • Địa điểm:
    • Đài quan sát Nam Hà Nội, Hà Nội, Việt Nam;
    • David Nguyen backyard observatory, Sydney, Australia

Tham khảo

  1. Diễn đàn Astrobin: Image of the day 04/05/2020 - The Great Orion nebula (M42) - Two systems combination
  2. Trang mạng của tác giả: Đài quan sát Nam Hà Nội