Hướng dẫn quan sát các chòm sao, các vật thể sâu, các hành tinh và các sự kiện thiên văn học của bầu trời đêm tháng 01/2020.
Các pha Mặt Trăng
Ngày 11 tháng 01: Trăng tròn
Mặt Trăng sẽ ở vị trí xung đối và bề mặt của nó sẽ phản xạ tối đa ánh sáng Mặt Trời về phía Trái Đất.
Quá trình này sẽ diễn ra vào 02:21 UTC+7 (giờ Việt Nam).
Lần trăng tròn này được những bộ lạc bản địa đầu tiên ở Mỹ gọi là Trăng Sói bởi đây là thời gian những chú sói đói tru lên bên ngoài trại của họ. Lần trăng tròn này cũng còn được gọi là Trăng Già hay Trăng Sau Lễ Giáng Sinh.
Theo âm lịch Việt Nam, ngày rằm tháng Chạp đến sớm hơn thời điểm trăng tròn 2 ngày (nhằm ngày 09 tháng 01 dương lịch).
Ngày 25 tháng 01: Trăng mới
Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm.
Quá trình này sẽ xảy ra lúc 04:44 UTC+7 (giờ Việt Nam).
Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.
Các hành tinh buổi tối
Sao Kim
Sao Kim lên cao dần trên bầu trời đêm tháng 01. Trong tháng này, Sao Kim sẽ xuất hiện ở khu vực của chòm sao Bảo Bình.
Sao Kim là đối tượng sáng nhất trên bầu trời đêm nếu không tính Mặt Trăng. Trong văn hoá dân gian Việt Nam, hành tinh này còn được gọi là Sao Mai nếu xuất hiện vào buổi sáng sớm, và là Sao Hôm nếu xuất hiện vào buổi tối.
Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra hành tinh này cũng có các pha như Mặt Trăng
Hãy tìm kiếm hành tinh rực sáng này trên bầu trời phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn.
Chập tối 28 tháng 01: Giao hội của Mặt Trăng và Sao Kim
Mặt Trăng lưỡi liềm mỏng sẽ tiến đến gần Sao Kim và cách nhau chỉ 4°04' trên bầu trời buổi chiều tối. Ngay sau khi Mặt Trời lặn, hãy tìm Mặt Trăng và Sao Kim về hướng Đông Nam, trong khu vực của chòm sao Bảo Bình.
Các hành tinh buổi sáng sớm
Sao Hoả
Sao Hoả hiện diện trên bầu trời sáng sớm. Trong tháng này, Sao Hoả sẽ di chuyển lần lượt qua khu vực của các chòm sao: Thiên Bình, Bọ Cạp, và Xà Phu.
Hành tinh này còn được gọi tên là hành tinh Đỏ bởi vì bề mặt của hành tinh này có màu đỏ tối. Vì kích thước quá nhỏ bé của mình, các chi tiết bề mặt Sao Hoả chỉ có thể quan sát được qua những chiếc kính thiên văn mạnh nhất.
Hãy tìm kiếm hành tinh này trên bầu trời phía đông ngay trước khi Mặt Trời mọc.
Rạng sáng 21 tháng 01: Giao hội của Mặt Trăng và Sao Hoả
Mặt Trăng lưỡi liềm sẽ tiến đến gần Sao Hoả và cách nhau chỉ 2°15' trên bầu trời buổi sáng sớm. Ngay trước khi Mặt Trời mọc, hãy tìm Mặt Trăng và hành tinh Đỏ về hướng Đông Nam, trong khu vực của chòm sao Bọ Cạp.
Sao Mộc
Sao Mộc xuất hiện thấp trên đường chân trời phía đông vào buổi sáng sớm vào cuối tháng 01. Trong tháng này, Sao Mộc sẽ hiện diện ở khu vực của chòm sao Cung Thủ.
Một chiếc ống nhòm sẽ giúp bạn nhận ra hành tinh này với bốn vệ tinh lớn nhất của nó. Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra các sọc mây trên bề mặt hành tinh khí khổng lồ này.
Hãy tìm kiếm hành tinh này sát trên đường chân trời cuối tháng 01 ngay trước khi Mặt Trời mọc.
Rạng sáng 23 tháng 01: Giao hội của Mặt Trăng và Sao Mộc
Mặt Trăng lưỡi liềm mỏng sẽ tiến đến gần Sao Mộc và cách nhau chỉ 0°21' trên bầu trời buổi sáng sớm. Ngay trước khi Mặt Trời mọc, hãy tìm Mặt Trăng và Sao Mộc về hướng Đông Nam, trong khu vực của chòm sao Cung Thủ.
Các chòm sao và các vật thể sâu
Bầu trời mùa đông được trang hoàng bởi vô số các ngôi sao lấp lánh.
Chàng thợ săn Orion là nhân vật chính của mùa đông, rảo bước trên bầu trời đêm với cái thắt lưng nổi bật chứa ba ngôi sao thẳng hàng.
Phía trên Orion là chòm sao cổ đại Ngự Phu (Auriga), được tạo hình là một người chăn dắt đàn dê trong thần thoại Hy Lạp và La Mã. Chòm sao Ngự Phu là một vòng tròn tuyệt đẹp được ghép thành từ các ngôi sao lấp lánh như nạm ngọc, điểm tô cho vẻ đẹp của bầu trời cao.
Capella, ngôi sao sáng thứ sáu trong số các sao sáng nhất trên bầu trời, là một hệ sao bốn - gồm có hai ngôi sao nhị phân sáng, và hai sao lùn đôi mờ hơn. Hai ngôi sao sáng này là những sao có màu vàng giống Mặt Trời của chúng ta, nhưng chúng lớn hơn khoảng 10 lần và sáng hơn từ 50 đến 80 lần.
Ở cạnh Ngự Phu là chòm sao lớn Kim Ngưu (Taurus), mang hình tượng một chú bò tót. Trong truyện thần thoại Hy Lạp, chòm sao này đại diện cho thần Zeus cải trang thành một chú bò trắng có sừng vàng.
Mắt của chú bò tót này là một ngôi sao màu cam Aldebaran. Ngôi sao khổng lồ đỏ đang cạn kiệt năng lượng này đang ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đời.
Phần đầu của chú bò tót có dạng hình chữ V được tạo thành bởi Hyades, một cụm sao tuyệt đẹp, dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường.
Cụm sao Thất Nữ (Pleiades) nằm ở gần đầu của chú bò. Thất Nữ lớn và sáng, đây là một trong những cụm sao được biết đến nhiều nhất nhất trên bầu trời đêm và thường được gọi là “the Seven Sisters” - bảy chị em (Thất nữ). Tuy mắt thường chỉ có thể nhìn thấy sáu hoặc bảy ngôi sao, thì thực tế cụm Thất Nữ này chứa tới hơn 250 sao.
Một chiếc ống nhòm sẽ cho bạn thấy được chúng rõ ràng. Những ngôi sao trong cụm sao này vẫn đang rất nóng và còn trẻ, bao quanh bởi một đám mây bụi. Ánh sáng từ các ngôi sao này phản xạ qua đám bụi và tạo thành màu xanh dương huyền ảo.
Ở mũi sừng của chòm sao Taurus là tinh vân Con Cua (Crab Nebula). Tinh vân Con Cua là những gì còn lại của một ngôi sao đã bùng phát thành siêu sao mới, từng được quan sát bởi các nhà thiên văn học người Trung Hoa, Nhật Bản, và Ả Rập từ năm 1054.
Những chiếc kính thiên văn mặt đất và không gian đã quan sát tinh vân này ở các dạng ánh sáng khác nhau. Các bước sóng khác nhau của ánh sáng đã hé lộ các chi tiết của tàn dư siêu sao mới này. Kết hợp thông tin từ các bước sóng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đám mây khí phát sáng đang giãn nở và ngôi sao neutron đang quay còn lại bên trong lõi của tinh vân này.
Các sự kiện thiên văn học đáng chú ý
NGÀY 03, 04 THÁNG 01: MƯA SAO BĂNG THƯỚC TỨ PHÂN (QUADRANTID)
Mưa sao băng Thước Tứ Phân (Quadrantid) là một trận mưa sao băng trên mức trung bình, với khoảng 40 sao băng mỗi giờ tại cực điểm. Trận mưa sao băng này được cho là bắt nguồn từ các hạt bụi để lại bởi sao chổi đã “tuyệt chủng” 2003 EH1, được phát hiện năm 2003.
Các sao băng Thước Tứ Phân thường xuất hiện từ ngày 01 đến ngày 05 tháng 01 hằng năm. Cực điểm năm nay của Thước Tứ Phân rơi vào đêm ngày 03, rạng sáng ngày 04 tháng 01.
Trăng thượng huyền sẽ lặn sớm sau nửa đêm để lại bầu trời tối thuận lợi cho một buổi quan sát mưa sao băng.
Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Các sao băng sẽ bắt nguồn từ chòm sao Bootes, nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ đâu trên bầu trời.
Đêm 10, rạng sáng 11 tháng 01: Nguyệt thực nửa tối
Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt Trăng chỉ đi vào vùng bóng nửa tối (Penumbra) của Trái Đất. Lúc này Mặt Trăng chỉ giảm độ sáng đi một chút, bề mặt của Mặt Trăng sẽ không bị che khuyết bởi bóng tối của Trái Đất.
Nguyệt thực có thể quan sát an toàn, kể cả với trẻ em, mà không cần đến các biện pháp bảo vệ nào.
Diễn biến của nguyệt thực nửa tối vào đêm Thứ Sáu, 10/01/2019 - rạng sáng Thứ Bảy, 11/01/2019:
Thời gian | Pha | Hướng* | Cao độ | |
00:0711/01/2019 | Nguyệt thực nửa tối bắt đầu Mặt Trăng bắt đầu đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất. |
316° | 87,1° | |
02:10 | Nguyệt thực nửa tối cực đạiMặt Trăng nằm ở gần trung tâm của vùng bóng tối. | 279° | 50,4° | |
04:12 | Nguyệt thực nửa tối kết thúcMặt Trăng rời khỏi vùng bóng nửa tối của Trái Đất. | 284° | 33,2° |
- Hướng ở đây được so sánh với hướng Bắc theo chiều kim đồng hồ.
Bầu trời đêm luôn là một bữa tiệc thiên văn kỳ thú. Hãy khám phá những điều kỳ diệu từ ngay sân sau nhà bạn!