Hướng dẫn quan sát các chòm sao, các vật thể sâu, các hành tinh và các sự kiện thiên văn học của bầu trời đêm tháng 02/2020.

Các pha Mặt Trăng

Ngày 09/02: Trăng tròn

Mặt Trăng sẽ ở vị trí xung đối và bề mặt của nó sẽ phản xạ tối đa ánh sáng Mặt Trời về phía Trái Đất.

Lần trăng tròn này được những bộ lạc bản địa đầu tiên ở Mỹ gọi là Trăng Tuyết bởi vì tuyết thường rơi dày vào thời điểm này trong năm. Bởi vì việc săn bắn trở nên khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, lần trăng tròn này còn được gọi là Trăng Đói.

Theo âm lịch Việt Nam, ngày rằm tháng Giêng đến trước thời điểm trăng tròn 1 ngày (nhằm ngày 08 tháng 02 dương lịch). Rằm tháng giêng là ngày rằm đầu tiên của các ngày rằm trong một năm (theo âm lịch), và cũng là ngày Tết Thượng Nguyên (Tết Nguyên Tiêu).

Ngày 23 tháng 02: Trăng mới

Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm.

Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.

Các hành tinh buổi tối

Sao Thuỷ

Sao Thuỷ lên cao dần trên bầu trời đêm tháng 02. Trong tháng này, Sao Thuỷ sẽ xuất hiện ở khu vực của chòm sao Bảo Bình.

Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra hành tinh này cũng có các pha như Mặt Trăng

Ngày 10 tháng 2: Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại phía đông

Hành tinh này sẽ đạt ly giác cực đại phía đông lên đến 18.2 độ tính từ Mặt Trời.

Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát hành tinh này khi mà hành tinh này ở vị trí cao nhất trên đường chân trời bầu trời đêm.

Hãy quan sát hành tinh này ở thấp trên đường chân trời phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn.

Sao Kim

Sao Kim lên cao dần trên bầu trời đêm tháng 02. Trong tháng này, Sao Kim sẽ xuất hiện ở khu vực của chòm sao Song Ngư.

Sao Kim là đối tượng sáng nhất trên bầu trời đêm nếu không tính Mặt Trăng. Trong văn hoá dân gian Việt Nam, hành tinh này còn được gọi là Sao Mai nếu xuất hiện vào buổi sáng sớm, và là Sao Hôm nếu xuất hiện vào buổi tối.

Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra hành tinh này cũng có các pha như Mặt Trăng

Hãy tìm kiếm hành tinh rực sáng này trên bầu trời phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn.

Chập tối 27 tháng 02: Giao hội của Mặt Trăng và Sao Kim

Mặt Trăng lưỡi liềm mỏng sẽ tiến đến gần Sao Kim và cách nhau chỉ 6°30' trên bầu trời buổi tối. Ngay sau khi Mặt Trời lặn, hãy tìm Mặt Trăng và Sao Kim về hướng Đông Nam, trong khu vực của chòm sao Song Ngư.

Các hành tinh buổi sáng sớm

Sao Hoả

Sao Hoả hiện diện trên bầu trời sáng sớm. Trong tháng này, Sao Hoả sẽ di chuyển lần lượt qua khu vực của các chòm sao: Xà Phu và Cung Thủ.

Hành tinh này còn được gọi tên là hành tinh Đỏ bởi vì bề mặt của hành tinh này có màu đỏ tối. Vì kích thước quá nhỏ bé của mình, các chi tiết bề mặt Sao Hoả chỉ có thể quan sát được qua những chiếc kính thiên văn mạnh nhất.

Hãy tìm kiếm hành tinh này trên bầu trời phía đông ngay trước khi Mặt Trời mọc.

Rạng sáng 19 tháng 02: Giao hội của Mặt Trăng và Sao Hoả

Mặt Trăng lưỡi liềm sẽ tiến đến gần Sao Hoả và cách nhau chỉ 4°50' trên bầu trời buổi sáng sớm. Ngay trước khi Mặt Trời mọc, hãy tìm Mặt Trăng và hành tinh Đỏ về hướng Đông Nam, trong khu vực của chòm sao Cung Thủ.

Sao Mộc

Sao Mộc xuất hiện thấp trên đường chân trời phía đông vào buổi sáng sớm vào cuối tháng. Trong tháng này, Sao Mộc sẽ hiện diện ở khu vực của chòm sao Cung Thủ.

Một chiếc ống nhòm sẽ giúp bạn nhận ra hành tinh này với bốn vệ tinh lớn nhất của nó. Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra các sọc mây trên bề mặt hành tinh khí khổng lồ này.

Hãy tìm kiếm hành tinh này sát trên đường chân trời ngay trước khi Mặt Trời mọc.

Rạng sáng 20 tháng 02: Giao hội của Mặt Trăng và Sao Mộc

Mặt Trăng lưỡi liềm mỏng sẽ tiến đến gần Sao Mộc và cách nhau chỉ 2°30' trên bầu trời buổi sáng sớm. Ngay trước khi Mặt Trời mọc, hãy tìm Mặt Trăng và Sao Mộc về hướng Đông Nam, trong khu vực của chòm sao Cung Thủ.

Sao Thổ

Sao Thổ quay trở lại bầu trời đêm vào nửa cuối tháng 02. Hành tinh này xuất hiện thấp trên đường chân trời phía đông vào buổi sáng sớm. Trong tháng này, Sao Thổ sẽ hiện diện ở khu vực của chòm sao Cung Thủ.

Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra các vành đai tuyệt đẹp đặc trưng của hành tinh khí khổng lồ này.

Hãy tìm kiếm hành tinh này sát trên đường chân trời cuối tháng 02 ngay trước khi Mặt Trời mọc.

Các chòm sao và các vật thể sâu

Bầu trời đêm mùa đông, được lấp đầy bởi những ngôi sao sáng, mang lại một trong những màn trình diễn vũ trụ tuyệt vời nhất.

Chàng thợ săn vĩ đại Orion của thần thoại Hy Lạp, thống trị bầu trời mùa đông. Chòm sao này là một trong những chòm sao dễ nhận biết nhất. Nó chứa đầy những ngôi sao trẻ, những ngôi sao sắp chết, và nhiều tinh vân.

Betelgeuse, một "bờ vai" của Orion, là một ngôi sao siêu khổng lồ đỏ với khoảng 650 lần lớn hơn so với Mặt Trời. Nó tỏa sáng với độ sáng gấp hàng chục ngàn lần Mặt Trời.

Betelgeuse đang gần kết thúc cuộc đời của nó. Với lượng nhiên liệu tại lõi của ngôi sao này thực sự đã cạn kiệt, phần lõi đã thu nhỏ và bị nung nóng, khiến cho lớp khí ngoài của ngôi sao phình ra.

Rigel, một 'đầu gối' của Orion, là một hệ sao ba tạo bởi hai ngôi sao nhỏ quay xung quanh một sao siêu khổng lồ xanh. Ngôi sao siêu khổng lồ xanh Rigel có vòng đời rất ngắn.

Những ngôi sao siêu khổng lồ xanh nóng hơn rất nhiều so với Mặt Trời và đốt cháy nhiên liệu một cách nhanh chóng.

Thắt lưng của Orion rất dễ để nhận biết. Nó được tạo bởi 3 ngôi sao: Alnitak, Alnilam, và Mintaka.

Từ bên trái của Thắt lưng Orion, hãy nhìn xuống tinh vân Orion Lớn (Great Orion Nebula). Có thể nhìn thấy được bằng mắt thường, nó là một đám mây khí khuếch tán sáng nhất trên bầu trời đêm. Một chiếc kính thiên văn nhỏ sẽ cho thấy thêm chi tiết và sự vĩ đại của tinh vân này.

Nằm bên trong tinh vân Orion là Trapezium, một cụm sao trẻ, nóng và rất sáng. Chúng là nguyên nhân khiến đám khí xung quanh được chiếu sáng.

Canis Major, chòm sao Chó Lớn, là một người bạn trung thành luôn đi theo từng bước chân của Orion. Chòm sao Chó Lớn nổi bật với ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm, sao Thiên Lang (Sirius).

Sirius thực chất là một hệ sao đôi, chứa một ngôi sao sáng và ngôi còn lại nhỏ và mờ hơn nhiều. Hệ sao này nằm cách chúng ta 8.6 năm ánh sáng.

Quan sát bằng ống nhòm ngay bên dưới Sirius sẽ tìm thấy một cụm sao dễ thương có tên gọi M41. Nó chứa khoảng 100 ngôi sao, bao gồm một số sao khổng lồ đỏ.

Những ngôi sao trong các cụm sao như M41 được sinh ra cùng nhau và tất cả chúng đều có cùng tuổi.

Bầu trời đêm luôn là một bữa tiệc thiên văn kỳ thú. Hãy khám phá những điều kỳ diệu từ ngay sân sau nhà bạn!