Hướng dẫn quan sát các chòm sao, các vật thể sâu, các hành tinh, và các sự kiện thiên văn học đáng chú ý trên bầu trời đêm tháng 06/2020.

Các pha Mặt Trăng

Ngày 06/06/2020: Trăng tròn

Mặt Trăng sẽ ở vị trí xung đối và bề mặt của nó sẽ phản xạ tối đa ánh sáng Mặt Trời về phía Trái Đất. Lần Trăng tròn này còn được biết đến bởi các bộ lạc bản địa cổ ở Mỹ với tên gọi Trăng Dâu Tây bởi vì nó báo hiệu thời điểm thu hoạch trái cây chín và đồng thời cũng trùng với mùa thu hoạch cao điểm dâu tây. Theo âm lịch Việt Nam, ngày này là ngày rằm tháng Tư (nhuận).

Ngày 13/06/2020: Trăng hạ huyền

Mặt Trăng sẽ có hình dạng bán nguyệt và mọc từ sau nửa đêm. Những ngày quanh ngày này là thuận lợi nhất để quan sát Mặt Trăng qua kính thiên văn hay ống nhòm. Các miệng hố trên Mặt Trăng sẽ xuất hiện rõ trên bề mặt của vệ tinh tự nhiên này.

Ngày 21/06/2020: Trăng mới

Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm. Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.

Ngày 28/06/2020: Trăng thượng huyền

Mặt Trăng sẽ có hình dạng bán nguyệt và xuất hiện ở thiên đỉnh vào đầu buổi tối, sau đó lặn dần về phía tây. Những ngày quanh ngày này là thuận lợi nhất để quan sát Mặt Trăng qua kính thiên văn hay ống nhòm. Các miệng hố trên Mặt Trăng sẽ xuất hiện rõ trên bề mặt của vệ tinh tự nhiên này.

Các hành tinh buổi tối

Sao Thủy

Sao Thủy hiện diện trên bầu trời buổi tối. Trong tháng này, Sao Thủy sẽ xuất hiện ở khu vực của chòm sao Song Tử. Sao Thủy là hành tinh ở gần Mặt Trời nhất. Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra hành tinh này cũng có các pha như Mặt Trăng. Hãy tìm kiếm hành tinh này trên bầu trời phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn.

Tối 4 tháng 06: Sao Thủy ở vị trí Ly giác cực đại phía đông. Hành tinh này sẽ đạt ly giác cực đại phía đông lên đến 23 độ 36 phút tính từ Mặt Trời. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát hành tinh này khi mà hành tinh này ở vị trí cao nhất trên đường chân trời bầu trời đêm. Hãy quan sát hành tinh này ở thấp trên đường chân trời phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn.

Sao Mộc

Sao Mộc hiện diện trên bầu trời buổi tối. Trong tháng này, Sao Mộc sẽ xuất hiện ở khu vực của chòm sao Cung Thủ. Sao Mộc là hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời. Bốn vệ tinh lớn nhất của hành tinh khí khổng lồ này có thể dễ dàng quan sát được qua một cặp ống nhòm. Bề mặt của Sao Mộc đặc trưng bởi các sọc mây màu nâu tối có thể quan sát được qua kính thiên văn. Hãy tìm kiếm hành tinh này trên bầu trời phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn.

Tối 01 tháng 06: Giao hội của Sao Mộc với Sao Thổ. Sao Thổ và Sao Mộc sẽ tiến đến gần nhau và cách nhau chỉ 4 độ 50 phút.

Tối 08 tháng 06: Giao hội của Sao Mộc với Mặt Trăng. Mặt Trăng và Sao Mộc sẽ tiến đến gần nhau và cách nhau chỉ 2 độ 47 phút.

Sao Thổ

Sao Thổ hiện diện trên bầu trời buổi tối. Trong tháng này, Sao Thổ sẽ xuất hiện ở khu vực của chòm sao Ma Kết. Sao Thổ là một hành tinh khí khổng lồ tuyệt đẹp với vành đai đặc trưng bao quanh. Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra vành đai tuyệt đẹp của hành tinh này. Hãy tìm kiếm hành tinh này trên bầu trời phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn.

Tối 09 tháng 06: Giao hội của Sao Thổ với Mặt Trăng. Mặt Trăng và Sao Thổ sẽ tiến đến gần nhau và cách nhau chỉ 4 độ 32 phút.

Các hành tinh buổi sáng

Sao Kim

Sao Kim hiện diện trên bầu trời buổi sáng sớm. Trong tháng này, Sao Kim sẽ xuất hiện ở khu vực của chòm sao Kim Ngưu. Sao Kim là đối tượng sáng nhất trên bầu trời đêm nếu không tính đến Mặt Trăng. Trong văn hoá dân gian Việt Nam, hành tinh này còn được gọi là Sao Mai nếu xuất hiện vào buổi sáng sớm, và là Sao Hôm nếu xuất hiện vào buổi tối. Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra hành tinh này cũng có các pha như Mặt Trăng. Hãy tìm kiếm hành tinh này trên bầu trời phía đông ngay trước khi Mặt Trời mọc.

Rạng sáng 19 tháng 06: Giao hội của Sao Kim với Mặt Trăng. Sao Kim và Mặt Trăng sẽ tiến đến gần nhau và cách nhau chỉ 4 độ 51 phút.

Sao Hỏa

Sao Hỏa hiện diện trên bầu trời buổi sáng sớm. Trong tháng này, Sao Hỏa sẽ xuất hiện ở khu vực của chòm sao Bảo Bình, Song Ngư. Sao Hỏa còn được gọi tên là hành tinh Đỏ bởi vì bề mặt của hành tinh này có màu đỏ tối. Vì kích thước quá nhỏ bé của mình, các chi tiết bề mặt Sao Hỏa chỉ có thể quan sát được qua những chiếc kính thiên văn mạnh nhất. Hãy tìm kiếm hành tinh này trên bầu trời phía đông ngay trước khi Mặt Trời mọc.

Rạng sáng 13 tháng 06: Giao hội của Sao Hỏa với Mặt Trăng. Sao Hỏa và Mặt Trăng sẽ tiến đến gần nhau và cách nhau chỉ 3 độ 36 phút.

Các chòm sao và các vật thể sâu

Hãy hướng tầm quan sát của bạn lên cao để tìm bốn chòm sao đặc biệt. Ngay phía trên đỉnh đầu là chòm sao Mục Phu (Boötes). Chòm sao này dễ dàng nhận diện bởi hình dáng giống cánh diều đặc trưng đã được ghi chép bởi nhiều nền văn hoá cổ đại.

Ngôi sao sáng nhất của nó là Arcturus, có độ sáng xếp thứ tư trên bầu trời đêm.

Ngôi sao Epsilon Boötis trong chòm sao này còn được gọi là Izar. Với một chiếc ống nhòm, Izar sẽ xuất hiện là một trong những hệ sao đôi đẹp nhất trên bầu trời bởi sự tương phản màu sắc giữa các ngôi sao trong hệ.

Ngay bên trái của Mục Phu là "Vương Miện Phương Bắc", chòm sao Corona Borealis. Đây là chiếc vương miện cưới của công chúa Ariadne - con gái vua Minis của đảo Crete. (Thần thoại Hy Lạp). Mặc dù các ngôi sao này có độ sáng không cao nhưng hình dáng của nó có thể dễ dàng nhận ra.

Chàng tráng sĩ thần thoại Vũ Tiên (Hercules) cũng hiện diện trên bầu trời đêm mùa hè. Chòm sao Vũ Tiên với hình tượng chàng tráng sĩ đang nắm trong tay vũ khí của mình. Đây là một chòm sao khá mờ.

Hãy tìm hình vuông hơi lệch của nó gồm bốn sao, được gọi là "Keystone". Nó chính là "chìa khoá" để quan sát một cụm sao cầu rực sáng trong đêm mùa hè.

Cụm sao Hercules tuyệt đẹp này có tên gọi M13, chứa khoảng một triệu ngôi sao.

Phía Ngoài Keystone là cụm sao cầu tráng lệ M92. Các cụm sao cầu là tập hợp các ngôi sao gần nhau, liên kết với nhau bởi lực hấp dẫn.

Chòm sao Thiên Long (Draco) uốn lượn trên bầu trời phía bắc. Đầu của con rồng này là những ngôi sao tạo thành một hình vuông hơi lệch.

Hãy tìm ngôi sao mờ nhất ở phía góc (Nu Draconis). Một cặp ống nhòm sẽ giúp nhìn rõ hơn các ngôi sao, như là một cặp đèn pha rực sáng.

Các sự kiện thiên văn học

Ngày 06 tháng 06: Nguyệt thực Nửa tối

Một nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trăng, Trái Đất và Mặt Trời nằm chính xác trên một đường thẳng và Mặt Trăng đi vào vùng bóng của Trái Đất.

Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt Trăng chỉ đi vào vùng bóng nửa tối (Penumbra) của Trái Đất. Lúc này Mặt Trăng chỉ giảm độ sáng đi một chút, bề mặt của Mặt Trăng sẽ không bị che khuyết bởi bóng tối của Trái Đất.

Diễn biến của Nguyệt thực Nửa tối quan sát tại Việt Nam vào ngày 06 tháng 06:

  • 00:45: Nguyệt thực nửa tối bắt đầu, Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất và bắt đầu giảm độ sáng.
  • 02:24: Nguyệt thực đạt cực đại.
  • 04:04: Nguyệt thực nửa tối kết thúc, Mặt Trăng đi ra khỏi vùng bóng nửa tối của Trái Đất.

Nguyệt thực có thể quan sát an toàn, kể cả với trẻ em, mà không cần đến các biện pháp bảo vệ nào.

Ngày 21 tháng 6: Hạ chí ở bán cầu bắc

Cực Bắc của Trái Đất sẽ nghiêng về phía Mặt Trời. Mặt Trời sẽ chiếu thẳng trên đường chí tuyến Bắc tại 23.44 Vĩ độ Bắc. Tại Việt Nam, Hạ chí được xem là điểm giữa của mùa hè. Tại một số quốc gia, như Hoa Kỳ và châu Âu, ngày này được xem là ngày đầu tiên của Mùa Hè ở bán cầu Bắc và là ngày đầu tiên của Mùa Đông ở bán cầu Nam.

Ngày 21 tháng 06: Nhật thực Hình khuyên

Một nhật thực sẽ xảy ra khi Trái Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời nằm chính xác trên một đường thẳng và Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất một phần hoặc toàn bộ. Cư dân địa cầu ở trên mặt đất nằm trong vùng bóng tối, bóng nửa tối, hoặc vùng đối của vùng bóng tối, sẽ quan sát được hiện tượng nhật thực. Đường đi của nhật thực lần này bắt đầu ở Trung Phi, băng qua Saudi Arabia, miền bắc Ấn Độ, miền nam Trung Quốc, cắt ngang qua Đài Loan và kết thúc ở Thái Bình Dương.

Tại Việt Nam sẽ quan sát được Nhật thực một phần. Nhật thực một phần xảy ra khi Mặt Trăng che phủ một phần Mặt Trời, trông giống như một chiếc bánh hình tròn bị gặm mất ở một góc.

Diễn biến của Nhật thực Một phần quan sát tại Việt Nam vào ngày 21 tháng 06:

  • 13:16: Nhật thực một phần bắt đầu, Mặt Trăng bắt đầu chạm vào rìa và dần che khuất Mặt Trời.
  • 14:55: Nhật thực đạt cực đại. Độ che phủ tối đa tại Hà Nội đạt 71%, tại thành phố Hồ Chí Minh là 36%.
  • 16:18: Nhật thực một phần kết thúc, Mặt Trăng đi ra khỏi rìa Mặt Trời.

Một nhật thực chỉ có thể quan sát một cách an toàn thông qua các kính lọc Mặt Trời chuyên dụng, hoặc quan sát một cách gián tiếp.

Bầu trời đêm luôn là một bữa tiệc thiên văn kỳ thú. Hãy khám phá những điều kỳ diệu từ ngay sân sau nhà bạn.

Tham khảo