Hướng dẫn quan sát các chòm sao, các vật thể sâu, các hành tinh và các sự kiện thiên văn học đáng chú ý của bầu trời đêm tháng 07/2019.

Các pha Mặt Trăng

Ngày 03 tháng 7: Trăng mới

Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm.

Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.

Ngày 17 tháng 7: Trăng tròn

Mặt trăng sẽ nằm ở vị trí xung đối và sẽ phản xạ tối đa ánh sáng của Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất.

Lần Trăng tròn này còn được biết đến bởi các bộ lạc bản địa cổ ở Mỹ với tên gọi Trăng Hươu bởi những chú hươu đực bắt đầu mọc sừng mới vào thời điểm này. Lần trăng tròn này cũng còn được gọi là Trăng Sấm hay Trăng Rơm.

Theo âm lịch Việt Nam, ngày này là ngày rằm tháng Sáu.

Các hành tinh buổi tối

Sao Thuỷ

Sao Thuỷ xuất hiện thấp trên đường chân trời phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn. Hành tinh này sẽ xuất hiện thấp dần và biến mất khỏi bầu trời đêm vào cuối tháng. Trong tháng này, Sao Thuỷ sẽ ở khu vực của chòm sao Cự Giải (Cancer).

Một chiếc kính thiên văn sẽ giúp bạn nhận ra hành tinh này cũng có các pha như Mặt Trăng.

Sao Mộc

Sao Mộc lên cao vào đầu buổi tối trên bầu trời Đông Nam. Trong tháng này, Sao Mộc sẽ nằm ở khu vực của chòm sao Xà Phu (Ophiuchus).

Một chiếc ống nhòm sẽ giúp bạn nhận ra 4 vệ tinh lớn của Sao Mộc. Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhìn thấy các sọc mây trên bề mặt của hành tinh khí khổng lồ này.

Vào ngày 13/07, Sao Mộc sẽ xuất hiện ngay sát cạnh Mặt Trăng bán nguyệt.

Sao Thổ

Sao Thổ toả sáng trên bầu trời Đông Nam vào lúc tối muộn. Trong tháng này, Sao Thổ sẽ nằm ở khu vực của chòm sao Cung Thủ (Sagittarius).

Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra vành đai tuyệt đẹp của hành tinh khí khổng lồ này.

Ngày 09 tháng 7: Sao Thổ ở vị trí xung đối

Hành tinh khổng lồ bao quanh bởi vành đai tuyệt đẹp này sẽ tiến đến vị trí gần Trái Đất nhất và bề mặt của nó sẽ phản xạ tối đa ánh sáng từ Mặt Trời về phía Trái Đất. Sao Thổ sẽ sáng hơn bất kỳ thời gian nào trong năm và sẽ hiện diện suốt đêm dài.

Đây là thời gian tốt nhất để quan sát, chụp ảnh Sao Thổ và các vệ tinh của nó. Một chiếc kính thiên văn kích thước trung bình sẽ cho phép bạn nhìn thấy vành đai và các mặt trăng sáng nhất của Sao Thổ.

Khi một hành tinh có quỹ đạo bên ngoài quỹ đạo Trái Đất (quỹ đạo xa Mặt Trời hơn) tiến đến vị trí xung đối, thì có nghĩa là hành tinh đó đang tiến đến vị trí đối diện với Mặt Trời thông qua Trái Đất.

Lúc này khoảng cách từ hành tinh đến Trái Đất là ngắn nhất và góc phản xạ ánh sáng Mặt Trời đến Trái Đất bằng 0 độ, nên nhìn từ Trái Đất, hành tinh đó sẽ sáng hơn và kích thước biểu kiến sẽ lớn hơn, thuận lợi cho việc quan sát bằng kính thiên văn.

Vào ngày 16/07, Sao Thổ sẽ xuất hiện ở ngay cạnh Mặt Trăng tròn.

Các chòm sao và vật thể sâu

Bầu trời đêm mùa hè đầy sao như một rương kho báu đầy ắp các viên đá quý lấp lánh.

Chòm sao Bọ Cạp (Scorpius) là một chòm sao nổi bật. Đây là một trong số ít chòm sao quan sát rõ như một đối tượng thiên văn trước khi nó được đặt tên. Con Bọ Cạp thì này dễ dàng để lần theo dấu vết trên bầu trời đêm. Các bộ phận như đầu, chiếc đuôi cong, và ngòi nọc độc của Bọ Cạp có thể trông thấy một cách rất rõ ràng.

Tại "trái tim" của con Bọ Cạp này là một ngôi sao màu đỏ thẫm. Màu sắc của nó gần giống với của Sao Hỏa (Mars*). Trong thần thoại Hy Lạp, Sao Hoả có tên gọi là "Ares". Các nhà chiêm tinh Hy Lạp cổ đại, ngắm hai thiên thể màu đỏ này, đặt tên cho ngôi sao là Antares, có nghĩa là "đối thủ của Ares” (tức là đối thủ của Sao Hoả).

(*)"Mars" là tên của thần chiến tranh trong thần thoại La Mã.

M4 (Cat's Eye cluster) là một cụm sao cầu kì thú, còn có tên gọi là cụm sao Mắt Mèo, nổi bật lên khi hướng kính thiên văn cỡ nhỏ đến để quan sát. Cụm sao này nằm ngay phía bên phải Antares, trong chòm Bọ Cạp (Scorpius). Quần thể tinh cầu này là bộ sưu tập của hàng trăm ngàn ngôi sao nằm gần nhau, liên kết chặt chẽ bởi lực hấp dẫn.

Vùng trung tâm thiên hà của chúng ta nằm trong khu vực của chòm sao Cung Thủ (Sagittarius). Đây là một chòm sao rộng lớn, mang hình tượng là một sinh vật nửa người nửa ngựa đang giương cung bắn.

Vùng trời này được lấp đầy bởi vô số các ngôi sao, các cụm sao cầu, các tinh vân sáng và tinh vân tối.

Quan sát chòm sao Cung Thủ (Sagittarius) bằng cách tìm một nhóm các ngôi sao có hình dạng như một chiếc "Ấm trà". Các bộ phận như tay cầm, nắp ấm, và chiếc vòi của ấm trà rất dễ nhận thấy. Dưới bầu trời tối, Dải Ngân Hà trông như đang chảy ra từ miệng của chiếc Ấm trà vũ trụ này.

Nhiều vật thế sâu tập trung tại khu vực này của bầu trời đêm mùa hạ. Hãy sử dụng một cặp ống nhòm để nhìn lướt qua một số vật thể đầy ngoạn mục.

Khí và bụi của tinh vân Lagoon được chiếu sáng rực rỡ bằng năng lượng của các ngôi sao trẻ và nóng nằm bên trong nó. Trong ba thùy của tinh vân Chẻ Ba (Trifid Nebula), các dải bụi đen xuất hiện một cách thật rõ ràng, che khuất đi sự phát sáng của đám khí nóng ở phía đằng sau.

Tinh vân Omega tỏa sáng rực rỡ, nhưng chúng ta không thể nhìn thấy các ngôi sao nóng nhất, bởi vì chúng được bao bọc sâu bên trong tinh vân này. Chỉ có các kính thiên văn hồng ngoại mới có thể nhìn xuyên qua khí và bụi để phát hiện ra chúng.

M22, còn có tên gọi là cụm sao Cung Thủ (Sagittarius cluster), là một trong những cụm sao cầu sáng nhất trên bầu trời và có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đây là một cụm sao cầu tương đối gần, “chỉ” cách chúng ta khoảng 10.000 năm ánh sáng.

Các sự kiện thiên văn học đáng chú ý

Đêm 16, rạng sáng 17 tháng 7 – Nguyệt thực một phần

Nguyệt thực một phần xảy ra khi chỉ có một phần của Mặt Trăng đi qua vùng vùng bóng tối của Trái Đất. Trong quá trình diễn ra loại nguyệt thực này, một phần của Mặt Trăng sẽ bị tối đen khi nó đi qua bóng của Trái Đất.

Nguyệt thực lần này sẽ hiện diện ở hầu hết khu vực Châu Âu, Châu Phi, vùng trung tâm Châu Á, và Ấn Độ Dương.

Việt Nam có thể quan sát được nguyệt thực lần này bắt đầu từ sau nửa đêm. Cụ thể, nguyệt thực nửa tối bắt đầu từ 01:43, nguyệt thực một phần bắt đầu lúc 03:01, nguyệt thực đạt cực đại lúc 04:30. Mặt Trăng lặn lúc 05:28, trước khi nguyệt thực một phần kết thúc.

Diễn biến của nguyệt thực một phần như sau:

Thời gian

Pha

Hướng*

Cao độ

01:43

Rạng sáng thứ Tư, 17/7/2019

Nguyệt thực nửa tối bắt đầu

Bóng nửa tối của Trái Đất bắt đầu che khuất bề mặt Mặt Trăng.

212°

39°

03:01

Nguyệt thực một phần bắt đầu

Mặt Trăng bắt đầu thực sự bị che khuất - Mặt Trăng bắt đầu có màu đỏ.

228°

27.5°

04:30

Nguyệt thực đạt cực đại

Mặt Trăng nằm ở gần trung tâm của bóng tối. Độ che phủ tối đa đạt 65%.

240°

11.0°

05:28

Mặt Trăng lặn

246°

-0.2°

05:59

Nguyệt thực một phần kết thúc

Mặt Trăng đang lặn

249°

-7.2°

07:17

Nguyệt thực nửa tối kết thúc

Bên dưới đường chân trời


Đêm 29, rạng sáng 30 tháng 7: Mưa sao băng Bảo Bình δ (Delta Aquarid)

Bảo Bình δ (Delta Aquarid) là một trận mưa sao băng trung bình, với khoảng 20 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Trận mưa sao băng này được cho là xuất phát từ tàn dư bụi để lại của sao chổi Marsden và Kracht.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 12 tháng 7 đến ngày 23 tháng 8. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm 29, rạng sáng 30 tháng 7.

Mặt Trăng lưỡi liềm cuối tháng sẽ không gây ảnh hưởng đến việc quan sát mưa sao băng, khiến cho đây sẽ là một trong những trận mưa sao băng tuyệt vời của cả năm.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Aquarius (Bảo Bình), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

Bầu trời đêm luôn là một bữa tiệc thiên văn kỳ thú. Hãy khám phá những điều kỳ diệu từ ngay sân sau nhà bạn.