Hướng dẫn quan sát các chòm sao, các vật thể sâu, các hành tinh và các sự kiện thiên văn học của bầu trời đêm tháng 09/2019.

Các pha Mặt Trăng

Ngày 14 tháng 9: Trăng tròn

Mặt Trăng sẽ nằm ở vị trí xung đối và sẽ phản xạ tối đa ánh sáng của Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất.

Quá trình này sẽ diễn ra lúc 11:34 UTC+7 (giờ Việt Nam).

Lần Trăng tròn này còn được biết đến bởi các bộ lạc bản địa cổ ở Mỹ với tên gọi Trăng Ngô (Bắp) bởi đây là thời điểm thu hoạch ngô. Lần trăng tròn này cũng còn được gọi là Trăng Mùa Gặt, là lần trăng tròn xảy ra gần thời điểm thu phân nhất mỗi năm.

Theo âm lịch Việt Nam, ngày rằm tháng Tám đến trước thời điểm trăng tròn 1 ngày (nhằm ngày 13 tháng 9 dương lịch). Rằm tháng Tám chính là ngày Tết Trung Thu, là ngày Tết của trẻ em.

Ngày 29 tháng 9: Trăng mới

Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm.

Quá trình này sẽ xảy ra lúc 01:26 UTC+7 (giờ Việt Nam).

Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.

Các hành tinh

Sao Mộc

Sao Mộc xuất hiện thấp dần trên bầu trời buổi tối ở hướng tây nam và sẽ lặn lúc nửa đêm. 

Trong tháng 9 này, Sao Mộc sẽ nằm ở khu vực của chòm sao Xà Phu (Ophiuchus), ngay sát cạnh chòm sao Bọ Cạp (Scorpius), cùng đọ sáng với trái tim Bọ Cạp, ngôi sao Antares.

Một chiếc ống nhòm sẽ giúp bạn nhận ra 4 vệ tinh lớn của Sao Mộc. Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhìn thấy các sọc mây trên bề mặt của hành tinh khí khổng lồ này.

Vào tối 6/9, Sao Mộc sẽ nằm ngay cạnh Mặt Trăng bán nguyệt.

Sao Thổ

Ở không xa phía trên Sao Mộc là Sao Thổ. Trong tháng này, Sao Thổ sẽ nằm ở khu vực của chòm sao Cung Thủ (Sagittarius).

Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra vành đai tuyệt đẹp của hành tinh khí khổng lồ này.

Vào tối 8/9, Sao Thổ sẽ ở ngay sát cạnh Mặt Trăng khuyết đầu tháng.

Các chòm sao và các vật thể sâu

Mùa thu năm nay tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 8/8 và kết thúc vào ngày 8/11. Các chòm sao mùa thu là những chòm sao quan sát tốt nhất vào trong khoảng thời gian này.

Mùa thu là khoảng thời gian tốt để quan sát các chòm sao đáng chú ý, bao gồm cả các chòm sao Hoàng đạo như Bảo Bình (Aquarius), Bạch Dương (Aries), Song Ngư (Pisces); và các chòm sao thuộc gia đình Anh Tiên như: chòm sao Anh Tiên (Perseus), Tiên Nữ (Andromeda), Tiên Hậu (Cassiopeia), Tiên Vương (Cepheus), Phi Mã (Pegasus), Tam Giác (Triangulum) và Kình Ngư (Cetus). 

Hình dạng chữ W của chòm sao Tiên Hậu, Hình vuông lớn của chòm sao Phi Mã, và hình zig-zag của chòm sao Thằn Lằn (Lacerta) là rất dễ nhận ra trên bầu trời.

Chòm sao Tiên Hậu (Cassiopeia)

Đây là một chòm sao rất dễ nhật biết trên bầu trời phương bắc. Những ngôi sao sáng nhất của Tiên Hậu tạo thành một hình dạng giống chữ W rất nổi bật. 

Chòm sao này nằm trong khu vực đông đúc của Ngân Hà và chứa nhiều vật thể sâu đáng chú ý. 

Trong số đó có thể kể đến các cụm sao mở Messier M52 và M103, cụm sao Con Cú (Owl Cluster - NGC 457), cụm sao Hoa Hồng Trắng (NGC 7789), và cụm sao mở NGC 663. 

Các tinh vân gồm có: tinh vân phát xạ NGC 281 (tinh vân Pacman), tổ hợp tinh vân lớn Trái Tim và Linh Hồn (IC1805 and IC1848), tàn dư vụ nổ Siêu sao mới có tên gọi Ngôi sao của Tycho (Tycho's Star, SN 1572), và tàn dư siêu sao mới Tiên Hậu A (Cassiopeia A). 

Các thiên hà có thể quan sát được trong khu vực này gồm có NGC 147 và NGC 185.

Chòm sao Phi Mã (Pegasus)

Phi Mã là chòm sao có kích thước lớn thứ 7 trên bầu trời, có chứa một nhóm sao được gọi là Hình vuông Lớn của chòm sao Phi Mã, đại diện cho phần thân của chú ngựa vũ trụ, khiến cho Phi Mã rất dễ được nhận ra trên bầu trời.

Chòm sao này chứa nhiều ngôi sao và vật thể sâu nổi bật. Ngôi sao Phi Mã 51 (51 Pegasi) là ngôi sao giống Mặt Trời đầu tiên được phát hiện có chứa một hành tinh. 

Các vật thể sâu gồm có cụm sao cầu sáng Messier 15 (Cụm sao Đại Phi Mã), thiên hà xoắn ốc NGC 7331. Hai vật thể sâu bất thường hiện diện trong khu vực này gồm chuẩn tinh thấu kính hấp dẫn được gọi là Thập tự của Einstein (Einstein's Cross), và nhóm 5 thiên hà nổi bật Bộ tứ của Stephan (Stephan’s Quintet).

Chòm sao Tiên Nữ (Andromeda)

Chòm sao Tiên Nữ nằm ngay ở giữa chữ W và Hình vuông Lớn, thường được nhắc đến bởi sự hiện diện của thiên hà Tiên Nữ (Andromeda Galaxy - M31), thiên hà gần chúng ta nhất và là vật thể xa nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Thiên hà này lớn đến nỗi nó xuất hiện như là một đám mây nhỏ khi nhìn qua ống nhòm và có thể quan sát cũng như chụp ảnh chỉ với những kính thiên văn nhỏ. Những thiên hà vệ tinh nhỏ hơn là M32 và M110 có thể quan sát được với những kính thiên văn lớn hơn.

Alpheratz, ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Tiên Nữ, là một ngôi sao đôi từng được xem là thuộc về cả hai chòm sao Tiên Nữ và Phi Mã. Nó đánh dấu góc đông bắc Hình vuông Lớn của chòm sao Phi Mã.

Chòm sao Anh Tiên (Perseus)

Chòm sao Anh Tiên là nhà của ngôi sao biến quang thiên thực nổi tiếng Algol. 

Khu vực chòm sao này còn chứa một cụm sao cầu sáng M34, tinh vân Quả Tạ Nhỏ (Little Dumbbel Nebula - M76), cụm sao Kép nổi tiếng (Double Cluster), Tinh vân California (NGC 1499), và nhiều các vật thể sâu thú vị khác.

Chòm sao Tam Giác (Triangulum)

Chòm sao Tam Giác (Triangulum) là một trong những chòm sao nhỏ nhất trên bầu trời, nhưng lại dễ dàng tìm thấy trong điều kiện tốt. Có vị trí ngay bên dưới chòm sao Tiên Nữ, chòm sao này có hình dạng là một hình tam giác hẹp và dài. 

Ở trong khu vực của chòm sao Tam Giác là thiên hà M33 (còn gọi là thiên hà Tam Giác), là thiên hà lớn thứ 3 trong Nhóm thiên hà địa phương, sau Tiên Nữ và Ngân Hà. Cũng tương tự như Tiên Nữ, thiên hà Tam Giác là một trong những vật thể sâu ở xa nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng nó yêu cầu điều kiện quan sát tốt nhất mới có thể tìm thấy nếu không dùng đến ống nhòm hay kính thiên văn, bởi vì thiên hà này mờ hơn nhiều so với Tiên Nữ.

Chòm sao Nam Ngư (Piscis Austrinus)

Chòm sao Nam Ngư (Piscis Austrius), loài cá phương nam, là chòm sao ít được nhắc đến, nhưng nổi bật nhờ sự có mặt của Fomalhaut, một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời. 

Fomalhaut là một ngôi sao dãy chính màu trắng nằm cách chúng ta chỉ 25 năm ánh sáng. Ngôi sao này có độ sáng biểu kiến là 1,16.

Các chòm sao và vật thể sâu nổi bật của tháng 9

Những đêm tháng chín nổi bật với khoảng trời "ướt át". Hai chòm sao gắn liền với nhau từ thời xa xưa có liên quan tới nước.

Chòm sao Song Ngư (Pisces) và chòm sao Bảo Bình (Aquarius)

Hai chòm sao Hoàng đạo Song Ngư và Bảo Bình nằm trong số những chòm sao lớn nhất trên bầu trời. Song Ngư và Bảo Bình có thể dễ dàng nhận diện bởi hai nhóm sao nổi bật: Vòng tròn của Song Ngư (the Circlet of Pisces) và chiếc Bình nước (the Water Jar).

Vòng tròn của Song Ngư, đại diện cho chiếc đầu của loài cá phương tây (Western Fish), nằm ở giữa Hình vuông Lớn của Phi Mã và chòm sao Bảo Bình. 

Chiếc bình nước ở sát cạnh là một nhóm sao có hình dạng chữ Y, còn được gọi là Bảo Bình (the Urn), đại diện cho chiếc cốc mà Aquarius, người mang nước, đang giữ trên tay khi ông đang rót nước vào miệng của Nam Ngư (Piscis Austrinus), loài cá phương nam (Southern Fish). 

Khu vực của chòm sao Bảo Bình có chứa một vài vật thể Messier sáng, bao gồm nhóm sao M73, các cụm sao cầu M2 và M72, cùng với các tinh vân Helix nổi tiếng, tinh vân Sao Thổ, và thiên hà Nguyên tử của Hoà Bình (Atoms of Peace Galaxy - NCG 7252). 

Cụm sao M2 chứa đựng lên tới 150000 ngôi sao, và cách chúng ta khoảng 37500 năm ánh sáng. Một cặp ống nhòm sẽ giúp bạn quan sát tốt, nhưng một kính thiên văn nhỏ sẽ tiết lộ chi tiết hơn vùng trung tâm dày đặc của cụm sao này.

Trong khi đó, Song Ngư là nhà của thiên hà Bóng Ma (Phantom Galaxy - M74), một thiên hà xoắn ốc cỡ lớn chính diện có thể nhìn thấy được bằng ống nhòm.

Chòm sao Ma Kết (Capricornus)

Ở gần đó là nơi ngự trị của chòm sao Ma Kết (Capricornus) rộng lớn. Được biết đến trong thần thoại là một chú Dê Nước, nó đại diện cho một sinh vật đã cho thức ăn và nước uống, nuôi dưỡng đứa trẻ sơ sinh Zeus - vị thần tối cao của các vị thần Hy Lạp.

Algedi là ngôi sao sáng nhất trong chòm Ma Kết (Capricornus). Nó xuất hiện trong ống nhòm như là một ngôi sao bị kéo dài. Hình dạng kỳ lạ này thực ra là sự đánh lừa thị giác. Từ góc nhìn xa xôi của chúng ta, hai ngôi sao tách bạch trở thành nằm gần nhau.

Chòm sao Ma Kết (Capricornus) cũng chứa một cụm sao dày đặc khác là M30. Một kính thiên văn nhỏ dễ dàng mang lại cho chúng ta một cái nhìn riêng biệt từng sao trong cụm.

Các sự kiện thiên văn học

Ngày 23 tháng 9: Thu phân ở bán cầu bắc

Mặt Trời sẽ chiếu thẳng trên đường xích đạo, và thời gian ngày và đêm sẽ gần như bằng nhau tại mọi nơi trên thế giới.

Tại Việt Nam, Thu phân được xem là điểm giữa của mùa thu.

Tại một số quốc gia, như Hoa Kỳ và châu Âu, ngày này được xem là ngày đầu tiên của mùa Thu tại bán cầu Bắc và là ngày đầu tiên của mùa Xuân tại bán cầu Nam.

Bầu trời đêm luôn là một bữa tiệc thiên văn kỳ thú. Hãy khám phá những điều kỳ diệu từ ngay sân sau nhà bạn!