Hướng dẫn quan sát các chòm sao, các vật thể sâu, các hành tinh, và các sự kiện thiên văn học đáng chú ý trên bầu trời đêm tháng 09/2020.
Các pha Mặt Trăng
Ngày 02/09/2020: Trăng tròn
Mặt Trăng sẽ ở vị trí xung đối và bề mặt của nó sẽ phản xạ tối đa ánh sáng Mặt Trời về phía Trái Đất. Lần Trăng tròn này còn được biết đến bởi các bộ lạc bản địa cổ ở Mỹ với tên gọi Trăng Ngô (Bắp) bởi đây là thời điểm thu hoạch ngô.
Theo âm lịch Việt Nam, ngày này là ngày rằm tháng Bảy. Rằm tháng Bảy là ngày Tết Trung Nguyên, cũng là ngày lễ Vu Lan.
Theo tín ngưỡng dân gian, tháng Bảy âm lịch được xem là tháng cô hồn và rằm tháng Bảy được gọi là ngày xá tội vong nhân, thường có nghi lễ cúng cô hồn.
Ngày 10/09/2020: Trăng hạ huyền
Mặt Trăng sẽ có hình dạng bán nguyệt và mọc từ sau nửa đêm. Những ngày quanh ngày này là thuận lợi nhất để quan sát Mặt Trăng qua kính thiên văn hay ống nhòm. Các miệng hố trên Mặt Trăng sẽ xuất hiện rõ trên bề mặt của vệ tinh tự nhiên này.
Ngày 17/09/2020: Trăng mới
Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm. Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.
Ngày 24/09/2020: Trăng thượng huyền
Mặt Trăng sẽ có hình dạng bán nguyệt và xuất hiện ở thiên đỉnh vào đầu buổi tối, sau đó lặn dần về phía tây. Những ngày quanh ngày này là thuận lợi nhất để quan sát Mặt Trăng qua kính thiên văn hay ống nhòm. Các miệng hố trên Mặt Trăng sẽ xuất hiện rõ trên bề mặt của vệ tinh tự nhiên này.
Các hành tinh buổi tối
Sao Mộc
Sao Mộc hiện diện trên bầu trời buổi tối. Trong tháng này, Sao Mộc sẽ xuất hiện ở khu vực của chòm sao Cung Thủ. Sao Mộc là hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời. Bốn vệ tinh lớn nhất của hành tinh khí khổng lồ này có thể dễ dàng quan sát được qua một cặp ống nhòm. Bề mặt của Sao Mộc đặc trưng bởi các sọc mây màu nâu tối có thể quan sát được qua kính thiên văn. Hãy tìm kiếm hành tinh này mọc cao trên bầu trời buổi tối.
Tối 25 tháng 09: Giao hội của Sao Mộc với Mặt Trăng. Mặt Trăng và Sao Mộc sẽ tiến đến gần nhau và cách nhau chỉ 3 độ 32 phút.
Sao Thổ
Sao Thổ hiện diện trên bầu trời buổi tối. Trong tháng này, Sao Thổ sẽ xuất hiện ở khu vực của chòm sao Cung Thủ. Sao Thổ là một hành tinh khí khổng lồ tuyệt đẹp với vành đai đặc trưng bao quanh. Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra vành đai tuyệt đẹp của hành tinh này. Hãy tìm kiếm hành tinh này mọc cao trên bầu trời buổi tối.
Tối 25 tháng 09: Giao hội của Sao Thổ với Mặt Trăng. Mặt Trăng và Sao Thổ sẽ tiến đến gần nhau và cách nhau chỉ 4 độ 28 phút.
Sao Hỏa
Sao Hỏa hiện diện trên bầu trời buổi tối muộn. Trong tháng này, Sao Hỏa sẽ xuất hiện ở khu vực của chòm sao Song Ngư. Sao Hỏa còn được gọi tên là hành tinh Đỏ bởi vì bề mặt của hành tinh này có màu đỏ tối. Vì kích thước quá nhỏ bé của mình, các chi tiết bề mặt Sao Hỏa chỉ có thể quan sát được qua những chiếc kính thiên văn mạnh nhất. Hãy tìm kiếm hành tinh này trên bầu trời phía đông vào lúc tối muộn.
Rạng sáng 06 tháng 09: Giao hội của Sao Hỏa với Mặt Trăng. Mặt Trăng và Sao Hỏa sẽ tiến đến gần nhau và cách nhau chỉ 3 độ 52 phút.
Các hành tinh buổi sáng
Sao Kim
Sao Kim hiện diện trên bầu trời buổi sáng sớm. Trong tháng này, Sao Kim sẽ xuất hiện ở khu vực của chòm sao Song Tử, Cự Giải, Sư Tử. Sao Kim là đối tượng sáng nhất trên bầu trời đêm nếu không tính đến Mặt Trăng. Trong văn hoá dân gian Việt Nam, hành tinh này còn được gọi là Sao Mai nếu xuất hiện vào buổi sáng sớm, và là Sao Hôm nếu xuất hiện vào buổi tối. Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra hành tinh này cũng có các pha như Mặt Trăng. Hãy tìm kiếm hành tinh này trên bầu trời phía đông ngay trước khi Mặt Trời mọc.
Các chòm sao và các vật thể sâu
Những đêm tháng chín nổi bật với khoảng trời "ướt át". Hai chòm sao gắn liền với nhau từ thời xa xưa có liên quan tới nước.
Bảo Bình (Aquarius) là một trong những chòm sao cổ xưa nhất, được sớm ghi nhận bởi nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong các truyện thần thoại, Bảo Bình (Aquarius) là vị thần nước.
Chiếc bình nước ở sát cạnh là một nhóm sao có hình dạng chữ Y, còn được gọi là Bảo Bình (the Urn), đại diện cho chiếc cốc mà Aquarius, người mang nước, đang giữ trên tay khi ông đang rót nước vào miệng của Nam Ngư (Piscis Austrinus), loài cá phương nam (Southern Fish).
Một cụm nhỏ, dày đặc các ngôi sao có thể tìm thấy được trong chòm Bảo Bình (Aquarius). Được biết đến với với tên M2, nó chứa đựng lên tới 150 nghìn ngôi sao, và cách chúng ta khoảng 37 nghìn năm ánh sáng. Một cặp ống nhòm sẽ giúp bạn quan sát tốt, nhưng một kính thiên văn nhỏ sẽ tiết lộ chi tiết hơn vùng trung tâm dày đặc của cụm sao này.
Ở cạnh Bảo Bình là nơi ngự trị của chòm sao Ma Kết (Capricornus) rộng lớn. Được biết đến trong thần thoại là một chú Dê Nước, nó đại diện cho một sinh vật đã cho thức ăn và nước uống, nuôi dưỡng đứa trẻ sơ sinh Zeus - vị thần tối cao của các vị thần Hy Lạp.
Algedi là ngôi sao sáng nhất trong chòm Ma Kết (Capricornus). Nó xuất hiện trong ống nhòm như là một ngôi sao bị kéo dài. Hình dạng kỳ lạ này thực ra là sự đánh lừa thị giác. Từ góc nhìn xa xôi của chúng ta, hai ngôi sao tách bạch trở thành gần nằm nhau.
Chòm sao Ma Kết (Capricornus) cũng chứa một cụm sao dày đặc khác là M30. Một kính thiên văn nhỏ dễ dàng mang lại cho chúng ta một cái nhìn riêng biệt từng ngôi sao trong cụm. sao này
Các sự kiện thiên văn học
Ngày 23/9: Thu phân ở bán cầu bắc
Mặt Trời sẽ chiếu thẳng trên đường xích đạo, lúc này thời gian ngày và đêm sẽ gần như bằng nhau tại mọi nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, Thu phân được xem là điểm giữa của mùa thu. Tại một số quốc gia, như Hoa Kỳ và châu Âu, ngày này được xem là ngày đầu tiên của mùa Thu tại bán cầu Bắc và là ngày đầu tiên của mùa Xuân tại bán cầu Nam.
Bầu trời đêm luôn là một bữa tiệc thiên văn kỳ thú. Hãy khám phá những điều kỳ diệu từ ngay sân sau nhà bạn.