Hướng dẫn quan sát các chòm sao, các vật thể sâu, các hành tinh và các sự kiện thiên văn học của bầu trời đêm tháng 10/2019.

Các pha Mặt Trăng

Ngày 14 tháng 10: Trăng tròn

Mặt trăng sẽ nằm ở vị trí xung đối và sẽ phản xạ tối đa ánh sáng của Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất.

Lần Trăng tròn này còn được biết đến bởi các bộ lạc bản địa cổ ở Mỹ với tên gọi Trăng Thợ Săn bởi đây là thời điểm lá mùa thu bắt đầu rụng và loài nai đã được vỗ béo, sẵn sàng cho việc săn bắt. Lần trăng tròn này cũng còn được gọi là Trăng Du Lịch và Trăng Máu.

Theo âm lịch Việt Nam, ngày rằm tháng Chín đến sớm hơn thời điểm trăng tròn 1 ngày (nhằm ngày 13 tháng 10 dương lịch).

Ngày 28 tháng 10: Trăng mới

Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm.

Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.

Các hành tinh buổi tối

Sao Thuỷ

Sao Thuỷ xuất hiện thấp trên đường chân trời phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn. Trong tháng này, Sao Thuỷ sẽ nằm ở khu vực của chòm sao Xử Nữ (Virgo), sau đó dịch chuyển sang khu vực của chòm sao Thiên Bình (Libra). 

Một chiếc kính thiên văn sẽ giúp nhận ra hành tinh này cũng có các pha như Mặt Trăng.

Ngày 20 tháng 10: Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại phía đông

Hành tinh này sẽ đạt ly giác cực đại phía đông lên đến 24.6 độ tính từ Mặt Trời.

Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát hành tinh này khi mà hành tinh này ở vị trí cao nhất trên đường chân trời bầu trời đêm.

Hãy quan sát hành tinh này ở thấp trên đường chân trời phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn.

Ngày 27 tháng 10: Sao Thiên Vương ở vị trí xung đối

Hành tinh màu lục - lam này sẽ ở vị trí gần với Trái Đất nhất và bề mặt của nó sẽ phản xạ tối đa ánh sáng Mặt Trời về phía Trái Đất. Sao Thiên Vương sẽ trở nên sáng hơn bất kỳ thời gian nào trong năm và sẽ hiện diện suốt đêm.

Đây là thời gian tốt nhất để quan sát hành tinh này. Bởi vì khoảng cách rất xa của nó, Sao Thiên Vương chỉ hiện ra như là một chấm màu lục - lam trong những chiếc kính thiên văn mạnh nhất.

Sao Mộc

Sao Mộc xuất hiện thấp dần trên bầu trời phía Tây Nam. Trong tháng này, Sao Mộc sẽ xuất hiện ở khu vực của chòm sao Xà Phu (Ophiuchus).

Một chiếc ống nhòm và kính thiên văn nhỏ sẽ giúp bạn nhìn thấy 4 vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc. Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra các sọc mây trên bề mặt của hành tinh khí khổng lồ này.

Vào tối mùng 3 tháng 10, Sao Mộc sẽ ở cạnh Mặt Trăng lưỡi liềm đầu tháng.

Sao Thổ

Sao Thổ mọc cao trên bầu trời phía Tây Nam vào đầu buổi tối. Trong tháng này, Sao Thổ sẽ xuất hiện ở khu vực của chòm sao Cung Thủ (Sagittarius).

Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra vài đai tuyệt đẹp của hành tinh khí khổng lồ này.

Vào tối mùng 5 tháng 10, Sao Thổ sẽ ở cạnh Mặt Trăng thượng huyền.

Các chòm sao và các vật thể sâu

Chòm sao Phi Mã

Phi Mã (Pegasus), chú ngựa lớn có cánh trong thần thoại Hy Lạp, hiên ngang băng giữa bầu trời đêm mùa thu. Cơ thể của chú ngựa được đánh dấu bởi một vùng rộng lớn của các ngôi sao được gọi là "Hình Vuông Lớn" (Great Square).

Ngôi sao 51-Pegasi

Chòm sao Phi Mã có chứa ngôi sao 51-Pegasi, ngôi sao giống Mặt Trời đầu tiên được phát hiện có một ngoại hành tinh.

Ngôi sao Alpheratz & chòm sao Tiên Nữ

Góc sáng nhất của Hình Vuông Lớn là ngôi sao Alpheratz, cũng là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Tiên Nữ (Andromeda). Trong thần thoại Hy Lạp, nàng công chúa này bị xích vào một tảng đá gần biển làm vật hiến tế để làm nguôi ngoai loài thủy quái.

Thiên hà Tiên Nữ (M31)

Bên trong ranh giới của chòm sao Tiên Nữ, hãy tìm M31 - thiên hà Tiên Nữ (Andromeda), một "hòn đảo" đơn độc giữa không trung chứa hàng tỷ ngôi sao. Trong một đêm tối quang đãng, thiên hà này hiện ra như một mảng sương mờ.

Nằm cách khoảng 2.5 triệu năm ánh sáng, M31 là thiên hà xoắn ốc gần thiên hà Ngân Hà (Milky Way) của chúng ta nhất và là vật thể xa nhất mà bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Ống nhòm và kính thiên văn nhỏ sẽ tiết lộ cho bạn vùng trung tâm sáng rực và các cánh tay xoắn ốc.

Một thiên hà đồng hành nhỏ hơn là M110, xuất hiện như là một chấm mờ ở gần thiên hà lớn này.

Thiên hà Tiên Nữ đang chậm rãi hút lại gần, và cuối cùng sẽ "tiêu thụ" một thiên hà đồng hành khác nhỏ hơn là M32.

Các sự kiện thiên văn học

Ngày 08 tháng 10: Mưa sao băng Thiên Long (Draconid)

Mưa sao băng Thiên Long (Draconid) là một trận mưa sao băng nhỏ với tần suất chỉ 10 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Các sao băng Thiên Long có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi sao chổi 21P Giacobini-Zinner, được phát hiện năm 1900. Thiên Long là một trận mưa sao băng bất thường khi mà thời gian quan sát tốt nhất là vào đầu buổi tối thay vì vào buổi rạng sáng như những trận mưa sao băng khác.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 06 đến ngày 10 tháng 10 và cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 08 tháng 10.

Mặt Trăng thượng huyền sẽ ảnh hưởng đôi chút đến việc quan sát mưa sao băng.

Thời gian quan sát tốt nhất là đầu buổi tối tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Draco (Thiên Long), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

Ngày 21, 22 tháng 10: Mưa sao băng Lạp Hộ (Orionid)

Mưa sao băng Lạp Hộ (Orionid) là một trận mưa sao băng trung bình với tần suất 20 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Các sao băng Lạp Hộ có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi sao chổi Halley, được phát hiện từ thời cổ đại.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 02 tháng 10 đến ngày 07 tháng 11. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 21 rạng sáng ngày 22.

Mặt Trăng hạ huyền sẽ chặn mất một vài sao băng mờ. Nhưng Lạp Hộ là một trận mưa sao băng với nhiều sao băng sáng, do đó đây vẫn có thể là một bữa tiệc sao băng tốt.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Orion (Lạp Hộ, Thợ Săn), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

Bầu trời đêm luôn là một bữa tiệc thiên văn kỳ thú. Hãy khám phá những điều kỳ diệu từ ngay sân sau nhà bạn!

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!