Hướng dẫn quan sát các chòm sao, các vật thể sâu, các hành tinh và các sự kiện thiên văn học của bầu trời đêm tháng 11/2019.

Các pha Mặt Trăng

Ngày 12 tháng 11: Trăng tròn

Mặt trăng sẽ nằm ở vị trí xung đối và sẽ phản xạ tối đa ánh sáng của Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất.

Lần Trăng tròn này còn được biết đến bởi các bộ lạc bản địa cổ ở Mỹ với tên gọi Trăng Hải Ly bởi đây là thời điểm đặt bẫy hải ly để lấy lông chuẩn bị cho mùa đông băng giá sắp đến khi mà các đầm lầy và sông đã bị đóng băng. Lần trăng tròn này cũng còn được gọi là Trăng Sương Giá và Trăng Của Thợ Săn.

Theo âm lịch Việt Nam, ngày rằm tháng Mười đến sớm hơn thời điểm trăng tròn 1 ngày (nhằm ngày 11 tháng 11 dương lịch). Rằm tháng Mười trùng thời điểm với ngày Tết Hạ Nguyên (Tết Cơm Mới).

Ngày 26 tháng 11: Trăng mới

Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm.

Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.

Các hành tinh buổi tối

Sao Mộc (Jupiter)

Sao Mộc xuất hiện thấp trên đường chân trời phía tây vào đầu buổi tối, và sẽ lặn dần vào cuối tháng. Trong tháng này, Sao Mộc sẽ nằm ở khu vực của chòm sao Xà Phu (Ophiuchus), sau đó dịch chuyển sang khu vực của chòm sao Cung Thủ (Sagittarius). 

Đây là cơ hội cuối cùng để quan sát Sao Mộc khi mà hành tinh này sẽ biến mất trên bầu trời đêm, và sẽ chỉ xuất hiện trở lại vào tháng 7 năm sau.

Sử dụng một chiếc kính thiên văn nhỏ để quan sát 4 vệ tinh lớn của Sao Mộc. Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ cho thấy các sọc mây trên bề mặt hành tinh khí khổng lồ này.

Sao Thổ (Saturn)

Sao Thổ xuất hiện trên bầu trời tây nam vào đầu buổi tối, và sẽ mọc thấp dần vào cuối tháng. Trong tháng này, Sao Thổ sẽ nằm ở khu vực của chòm sao Cung Thủ.

Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra vành đai tuyệt đẹp của hành tinh khí khổng lồ này.

Vào tối mùng 02/11, Sao Thổ sẽ xuất hiện ở ngay sát cạnh Mặt Trăng.

Các hành tinh buổi sáng sớm

Sao Thuỷ (Mercury)

Vào nửa cuối tháng 11, hành tinh phía trong cùng của Hệ Mặt Trời này sẽ xuất hiện trên bầu trời sáng sớm, ngay trước khi Mặt Trời mọc. Trong tháng này, Sao Thuỷ sẽ xuất hiện ở khu vực của chòm sao Thiên Bình (Libra).

Vào ngày 28/11, Sao Thủy sẽ ở vị trí ly giác cực đại phía tây. Hành tinh này sẽ đạt ly giác phía tây lớn nhất lên đến 20.1 độ tính từ Mặt Trời. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát hành tinh này khi mà nó sẽ ở vị trí cao nhất trên đường chân trời bầu trời buổi sáng sớm.

Một chiếc kính thiên văn sẽ giúp bạn nhận ra hành tinh này cũng có các pha như Mặt Trăng.

Hãy quan sát hành tinh này ở thấp trên đường chân trời phía đông ngay trước khi Mặt Trời mọc.

Các chòm sao và các vật thể sâu

Bầu trời đêm tháng Mười Một nổi bật với chòm sao Song Ngư (Pisces), chòm sao Bạch Dương (Aries), và chòm sao Tam Giác (Triangulum).

Chòm sao Song Ngư (Pisces)

Chòm sao Song Ngư (Pisces), trong thần thoại cổ đại, là một cặp cá song sinh dính liền nhau. Chúng đại diện cho hai vị thần Hy Lạp đang chạy trốn khỏi quỷ Typhon, một con quái thú thân người với hàng trăm đầu rắn phun lửa. Cả hai đã chạy thoát bằng cách nhảy xuống biển và biến thành loài cá. Họ đã buộc lại với nhau bằng dây để không bị lạc khỏi nhau.

Hãy tìm một vòng sao ở cao trên bầu trời phương nam.

Chòm sao Bạch Dương (Aries)

Ngay phía đông Song Ngư là chòm sao Bạch Dương (Aries), chú cừu vàng của các vị thần Hy Lạp. Đây là một chòm sao mờ.

Song Ngư và Bạch Dương đều nằm trên đường hoàng đạo, là đường đi của Mặt Trời.

Chòm sao Tam Giác (Triangulum)

Chòm sao Tam Giác (Triangulum), một chòm sao có hình dáng đơn giản nhất, được nhận diện từ thời cổ đại. Hãy tìm nó ngay bên cạnh Bạch Dương và Song Ngư.

Thiên hà Tam Giác

Thiên hà Tam Giác dễ thương nằm trong khu vực này. Nó thuộc cùng cụm thiên hà có chứa Dải Ngân Hà của chúng ta. Còn được biết đến với tên M33, thiên hà này cách chúng ta khoảng 3 triệu năm ánh sáng. Chúng ta có thể nhìn thấy nó trong đêm tối với ống nhòm.

Thiên hà Tiên Nữ (Andromeda)

Thiên hà Tiên Nữ cũng là một đối tượng tốt để quan sát trong tháng này. Nằm cách khoảng 2.5 triệu năm ánh sáng, M31 là thiên hà xoắn ốc gần thiên hà Ngân Hà (Milky Way) của chúng ta nhất và là vật thể xa nhất mà bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Các sự kiện thiên văn học

Ngày 05, 06 tháng 11: Mưa sao băng Kim Ngưu (Taurid)

Mưa sao băng Kim Ngưu (Taurid) là một trận mưa sao băng nhỏ kéo dài với tần suất chỉ khoảng 5 - 10 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Thường thì trận mưa sao băng này chia làm hai phần riêng biệt. Phần đầu là tàn dư bụi của tiểu hành tinh 2004 TG10. Phần thứ hai bắt nguồn từ các mảnh vụn để lại của sao chổi 2P Encke.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 07 tháng 9 đến ngày 10 tháng 12. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 05 rạng sáng ngày 06 tháng 11.

Trăng thượng huyền sẽ lặn sớm sau nửa đêm để lại bầu trời tối thuận lợi cho một buổi quan sát mưa sao băng.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Taurus (Kim Ngưu), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

Ngày 11 tháng 11: Sao Thuỷ đi ngang qua Mặt Trời

Sao Thuỷ sẽ di chuyển ngay phía trước Mặt Trời từ hướng nhìn của Trái Đất. Người quan sát với kính thiên văn có sử dụng kính lọc Mặt Trời sẽ có khả năng quan sát được chấm tròn tối Sao Thuỷ di chuyển xuyên qua đĩa Mặt Trời. Sự kiện vô cùng hiếm gặp này chỉ xảy ra vài năm một lần. Lần quá cảnh tiếp theo của Sao Thuỷ sẽ diễn ra vào năm 2039. 

Lần quá cảnh này sẽ hiện diện ở Nam Mỹ, Trung Mỹ, và một phần Bắc Mỹ, Mexico, Châu Âu, Trung Đông, và Châu Phi. Địa điểm tốt nhất để quan sát sự kiện này là ở miền đông Hoa Kỳ, Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Việt Nam không quan sát được sự kiện này.

Bầu trời đêm luôn là một bữa tiệc thiên văn kỳ thú. Hãy khám phá những điều kỳ diệu từ ngay sân sau nhà bạn.

Truy cập trang web vatlythienvan.com để tìm hiểu thêm nhiều điều bổ ích.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!