Hướng dẫn quan sát các chòm sao, các vật thể sâu, các hành tinh và các sự kiện thiên văn học của bầu trời đêm tháng 12/2019.

Các pha Mặt Trăng

Ngày 12 tháng 12: Trăng tròn

Mặt trăng sẽ nằm ở vị trí xung đối và sẽ phản xạ tối đa ánh sáng của Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất.

Lần Trăng tròn này còn được biết đến bởi các bộ lạc bản địa cổ ở Mỹ với tên gọi Trăng Lạnh bởi đây là thời điểm không khí lạnh của mùa đông đã tràn về và ban đêm trở nên dài và tối. Lần trăng tròn này cũng còn được gọi là Trăng Đêm Dài và Trăng Trước Giáng Sinh.

Theo âm lịch Việt Nam, ngày rằm tháng Một đến trước thời điểm trăng tròn 2 ngày (nhằm ngày 10 tháng 12 dương lịch).

Ngày 26 tháng 12: Trăng mới

Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm.

Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.

Các hành tinh buổi tối

Sao Kim (Venus)

Sao Kim xuất hiện thấp trên đường chân trời phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn. Trong tháng này, Sao Kim sẽ hiện diện ở khu vực của chòm sao Cung Thủ, sau đó dịch chuyển sang khu vực của chòm sao Ma Kết (Capricornus).

Hành tinh này sẽ mọc cao dần vào những ngày cuối tháng.

Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ cho thấy hành tinh này cũng có các pha như Mặt Trăng.

Sao Thổ (Saturn)

Sao Thổ xuất hiện thấp dần trên đường chân trời phía Tây Nam vào đầu buổi tối. Trong tháng này, Sao Thổ sẽ hiện diện ở khu vực của chòm sao Cung Thủ (Sagittarius)

Hành tinh này sẽ biến mất khỏi bầu trời buổi tối vào nửa cuối tháng 12. Đây là cơ hội cuối cùng để quan sát hành tinh tuyệt đẹp này trong năm nay. Sao Thổ sẽ xuất hiện trở lại trên bầu trời buổi tối sau khoảng 8 tháng nữa. 

Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhìn thấy vành đai đặc trưng của hành tinh khí khổng lồ này.

Các hành tinh buổi sáng sớm

Sao Hoả (Mars)

Sao Hoả mọc thấp trên đường chân trời phía đông ngay trước khi Mặt Trời mọc. Trong tháng này, hành tinh Đỏ sẽ hiện diện ở khu vực của chòm sao Thiên Bình (Libra).

Vì kích thước quá nhỏ bé của mình, nên các chi tiết bề mặt của hành tinh này chỉ xuất hiện thông qua những chiếc kính thiên văn mạnh nhất.

Các chòm sao và các vật thể sâu

Hai chòm sao nổi bật trên bầu trời đêm tháng mười hai đại diện cho hai nhân vật nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp cổ đại.

Chòm sao Anh Tiên (Perseus)

Người anh hùng Anh Tiên đang nắm giữ chiếc đầu của Medusa, một trong ba chị em quỷ có tên chung là Gorgon trong thần thoại Hy Lạp. Medusa là con quỷ trẻ nhất và hung dữ nhất trong số ba chị em. Nhưng Medusa là con quỷ duy nhất có thể giết được, bởi vì hai chị em của nó là Stheno và Euryale là bất tử.

Nằm trong khu vực của chòm sao Anh Tiên là M34, một cụm sao mở có khoảng cách khoảng 1400 năm ánh sáng. Cụm sao mở là một nhóm các ngôi sao trẻ hình thành cùng thời điểm bên trong một đám mây bụi khí lớn. Hãy tìm kiếm M34 bằng mắt thường hoặc bằng ống nhòm trên bầu trời tối.

Chòm sao Tiên Hậu (Cassiopeia)

Chòm sao Tiên Hậu với hình dạng chữ "M" hay "W" rất dễ nhận ra trên bầu trời. Chòm sao này mang hình ảnh của nữ hoàng Cassiopeia trong thần thoại Hy Lạp. Cassiopeia là vợ của Tiên Vương Cepheus, và là mẹ của công chúa Andromeda. Cả ba chòm sao này đều ở gần nhau trên bầu trời.

Tiên Hậu Cassiopeia được đặt lên bầu trời như là một hình phạt vì sau khi bày tỏ phẫn nộ với vị thần biển cả Poseidon từ sự kiêu căng rằng con gái Andromeda của mình xinh đẹp hơn nhiều so với các nữ thần biển cả (Nereid). Nữ hoàng Tiên Hậu đã bị buộc phải lái vòng quanh thiên cực bắc trên ngai hậu của mình.

Eta Cassiopeiae là một ngôi sao đôi tuyệt vời và đầy màu sắc thuộc chòm sao Tiên Hậu. Với một cặp ống nhòm hoặc một chiếc kính thiên văn nhỏ, bạn có thể phân biệt được màu vàng và màu xanh dương của ngôi sao đôi này.

M103 trong khu vực chòm sao Tiên Hậu và Anh Tiên là một cụm sao mở dễ nhận thấy với một ngôi sao màu đỏ gần trung tâm. Hình dạng chiếc quạt của nó hiện ra rất rõ thông qua một cặp ống nhòm.

Nằm giữa Tiên Hậu và Anh Tiên là một cụm sao đôi đáng yêu có tên gọi Double Cluster. Đây là một cặp gồm hai cụm sao mở dễ dàng nhìn thấy thông qua ống nhòm. Double Cluster giống như những viên kim cương quý hiếm nằm rải rác trên nền thảm nhung đen, với một viên hồng ngọc ở giữa.

Các sự kiện thiên văn học đáng chú ý

Đêm 13, rạng sáng 14 tháng 12: Mưa sao băng Song Tử (Geminid)

Mưa sao băng Song Tử là vua của các trận mưa sao băng! Nhiều người cho rằng nó là trận mưa sao băng tốt nhất trên bầu trời, với tần suất lên đến 120 sao băng nhiều màu sắc mỗi giờ tại cực đỉnh. Các sao băng Song Tử có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi tiểu hành tinh 3200 Phaethon, được phát hiện năm 1982.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 07 đến ngày 17 tháng 12. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm 13 rạng sáng 14.

Thật không may, Mặt Trăng gần tròn sẽ chặn mất nhiều sao băng năm nay. Nhưng các sao băng Song Tử rất sáng và nhiều, nếu thực sự kiên nhẫn, bạn có thể có khả năng thấy được một vài sao băng sáng.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Gemini (Song Tử), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

Đêm 21, rạng sáng 22 tháng 12: Mưa sao băng Tiểu Hùng (Ursid)

Mưa sao băng Tiểu Hùng là một trận mưa sao băng nhỏ với tần suất chỉ khoảng 5 - 10 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Các sao băng Tiểu Hùng có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi sao chổi Tuttle, được phát hiện năm 1790.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 17 đến ngày 25 tháng 12. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm 21 rạng sáng 22.

Mặt Trăng lưỡi liềm cuối tháng sẽ không gây ảnh hưởng đến việc quan sát mưa sao băng. Bầu trời vẫn đủ tối mang lại một buổi quan sát mưa sao băng tốt..

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Ursa Minor (Gấu Nhỏ), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

Ngày 22 tháng 12: Đông chí ở bán cầu bắc

Cực nam của Trái Đất sẽ nghiêng về phía Mặt Trời. Mặt Trời sẽ chiếu thẳng trên đường chí tuyến Nam tại 23.44 vĩ độ Nam.

Tại Việt Nam, Đông chí được xem là điểm giữa của mùa đông.

Tại một số quốc gia, như Hoa Kỳ và châu Âu, ngày này được xem là ngày đầu tiên của Mùa Đông ở bán cầu Bắc, và là ngày đầu tiên của Mùa Hè ở bán cầu Nam.

Ngày 26 tháng 12: Nhật thực hình khuyên

Một nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt Trăng nằm quá xa Trái Đất và không thể che phủ toàn bộ Mặt Trời, kết quả là ở pha cực đại nhật thực có một vòng sáng xung quanh đĩa tối của Mặt Trăng. 

Một nhật thực hình khuyên chỉ có thể quan sát một cách an toàn thông qua các kính lọc Mặt Trời chuyên dụng, hoặc quan sát một cách gián tiếp. 

Lần nhật thực hình khuyên này sẽ bắt đầu từ Saudi Arabia, di chuyển xuyên qua miền nam Ấn Độ, miền bắc Sri Lanka, một phần Ấn Độ Dương, và Indonesia trước khi kết thúc ở Thái Bình Dương. Một nhật thực một phần sẽ xuất hiện ở hầu hết Châu Á và miền bắc Australia.

Việt Nam quan sát được nhật thực một phần.

Diễn biến của nhật thực một phần quan sát được tại Việt Nam như sau:

Thứ Năm, 26/12/2019:

  • 10:44: Nhật thực một phần bắt đầu, Mặt Trăng bắt đầu chạm vào rìa Mặt Trời.
  • 12:24 Nhật thực đạt cực đại, Mặt Trăng nằm ở gần trung tâm của Mặt Trời. Độ che phủ tối đa tại Hà Nội đạt 35%.
  • 14:01 Nhật thực một phần kết thúc, Mặt Trăng rời khỏi rìa Mặt Trời

Bầu trời đêm luôn là một bữa tiệc thiên văn kỳ thú! Hãy khám phá những điều kỳ diệu từ ngay sân sau nhà bạn!

Truy cập website vatlythienvan.com để tìm hiểu thêm nhiều điều bổ ích!

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!