Hướng dẫn quan sát các chòm sao, các vật thể sâu, các hành tinh và các sự kiện thiên văn học của bầu trời đêm tháng 3/2019.

Các pha Mặt Trăng

Ngày 06 tháng 3: Trăng mới

Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm. Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.

Ngày 21 tháng 3: Trăng tròn

Mặt Trăng sẽ xuất hiện ở phía đối diện với Mặt Trời, và bề mặt của nó sẽ phản xạ tối đa ánh sáng Mặt Trời về phía Trái Đất.

Lần trăng tròn này được những bộ lạc bản địa đầu tiên ở Mỹ gọi là Trăng Giun Đất bởi đây là thời gian đất trở nên mềm hơn và giun đất xuất hiện trở lại.

Lần trăng tròn này cũng còn được gọi là Trăng Quạ, Trăng Băng Mỏng, Trăng Nhựa Cây hay Trăng Mùa Chay, bởi đây là thời điểm quạ kêu báo hiệu cuối mùa đông, các lớp tuyết tan vào ban ngày sẽ đóng lại thành lớp băng mỏng vào ban đêm, cũng là thời điểm người ta rạch thân cây phong lấy nhựa, và là thời điểm rơi vào trước lễ Phục Sinh.

Đây cũng là lần siêu trăng thứ ba trong tổng số ba lần siêu trăng của năm 2019. Mặt Trăng sẽ ở vị trí gần cực cận với Trái Đất và trông có vẻ lớn hơn và sáng hơn một chút so với lúc trăng tròn bình thường khác.

Theo âm lịch Việt Nam, ngày rằm tháng Hai đến sớm hơn thời điểm trăng tròn 1 ngày (nhằm ngày 20 tháng 3 dương lịch).

Các hành tinh buổi tối

Sao Hoả (Mars)

Sao Hoả xuất hiện trên bầu trời phía tây vào đầu buổi tối. Trong tháng này, Sao Hoả nằm ở khu vực của chòm sao Bảo Bình, sau đó di chuyển vào khu vực của chòm sao Bạch Dương (Aries).

Vào ngày 11/03, hành tinh Đỏ sẽ nằm ở cạnh Mặt Trăng lưỡi liềm đầu tháng.

Các hành tinh buổi sáng sớm

Sao Mộc (Jupiter)

Sao Mộc lên cao dần trên bầu trời phía đông nam sau nửa đêm. Trong tháng này, Sao Mộc sẽ nằm ở khu vực của chòm sao Xà Phu (Ophiuchus).

Một chiếc kính thiên văn nhỏ sẽ giúp bạn nhận ra hành tinh này cùng 4 vệt tinh lớn nhất của nó. Nếu chiếc kính thiên văn của bạn đủ mạnh, bạn có thể sẽ quan sát được các sọc mây trên bề mặt của hành tinh khí khổng lồ này.

Vào ngày 27/03, Sao Mộc sẽ nằm sát cạnh Mặt Trăng hạ huyền.

Sao Thổ (Saturn)

Sao Thổ nằm về phía dưới bên trái của Sao Mộc. Trong tháng này, Sao Thổ sẽ nằm ở khu vực của chòm sao Cung Thủ (Sagittarius).

Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra hành tinh này cùng với vành đai đặc trưng.

Vào ngày 29/3, Sao Thổ sẽ nằm sát cạnh Mặt Trăng khuyết cuối tháng.

Các chòm sao và các vật thể sâu

Những ngôi sao rực rỡ của bầu trời mùa đông đang dần tiến về phía tây, nhường chỗ cho sự hiện chính của các chòm sao mùa xuân.

Hai chòm sao nổi bật trong tháng ba này bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp, Song Tử (Gemini) và Cự Giải (Cancer) đều nằm trên đường Hoàng Đạo.

Đường Hoàng Đạo là tên của một đường vòng cung vắt ngang bầu trời, nơi mà Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh xuất hiện và di chuyển.

Hai anh em sinh đôi Song Tử (Gemini) nằm cao trên đỉnh đầu. Họ là những người thuỷ thủ anh hùng của con tàu Argo. Dưới sự lãnh đạo của Jason, họ đã dong thuyền trên biển để tìm kiếm Lông Cừu Vàng (Golden Fleece).

Hai ngôi sao sáng là "đầu" của hai anh em sinh đôi Castor và Pollux.

Nằm ở gần "chân" của hai anh em sinh đôi Song Tử là một vùng lốm đốm các ngôi sao mờ nhạt. Có tên gọi là M35, đây là một cụm sao tạo thành bởi vài trăm ngôi sao.

Cự Giải (Cancer) thường được nhận diện với hình thù của một con cua, nhưng đôi khi cũng được xem như là tôm hùm hay tôm càng. Trong thần thoại Hy Lạp, Cự Giải được đưa lên trời bởi Hera - vợ của thần Zeus, để tưởng nhớ sự ngoan cường của nó, dù rằng đã thua trong trận chiến với Hercules. Đây là một chòm sao mờ hơn nhiều so với Song Tử và khá khó quan sát dưới bầu trời bị ô nhiễm ánh sáng.

Nằm trong chòm Cự Giải là Cụm sao Tổ Ong (Beehive Cluster) kì thú. Các nhà chiêm tinh cổ đại còn gọi nó là "ngôi sao mây". Cụm sao lớn này chứa hàng trăm ngôi sao và nằm cách chúng ta khoảng 577 năm ánh sáng.

Các sự kiện thiên văn học đáng chú ý

Ngày 21 tháng 3 sẽ là sự kiện Xuân phân ở bán cầu bắc. Mặt Trời sẽ chiếu thẳng lên đường xích đạo, lúc này thời gian ngày và đêm khắp nơi trên thế giới sẽ gần như bằng nhau.

Tại Việt Nam, Xuân phân được xem là điểm giữa của mùa xuân

Tại một số quốc gia, như Hoa Kỳ và châu Âu, ngày này được xem là ngày đầu tiên của mùa xuân ở bán cầu Bắc và là ngày đầu tiên của mùa thu ở bán cầu Nam.

Bầu trời đêm luôn là một bữa tiệc thiên văn thú vị. Hãy khám phá những điều kì diệu từ ngay sân sau nhà bạn.