Hướng dẫn quan sát các chòm sao, các vật thể sâu, các hành tinh và các sự kiện thiên văn học của bầu trời đêm tháng 04/2019.

Các pha Mặt Trăng

Ngày 05 tháng 4: Trăng mới

Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm.

Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.

Ngày 19 tháng 4: Trăng tròn

Mặt Trăng sẽ xuất hiện ở phía đối diện với Mặt Trời và bề mặt của nó sẽ phản xạ tối đa ánh sáng Mặt Trời về phía Trái Đất.

Lần trăng tròn này được những bộ lạc bản địa đầu tiên ở Mỹ gọi là Trăng Hồng bởi nó đánh dấu thời điểm xuất hiện của loài cỏ hồng rêu, hoặc loài địa giáp trúc hoang, là một trong những loài hoa mọc sớm nhất vào mùa xuân. Lần trăng tròn này cũng còn được gọi là Trăng Mầm Cỏ, Trăng Trứng. Nhiều bộ lạc ven biển còn gọi là Trăng Cá bởi đây là thời điểm loài cá Bẹ bơi ngược dòng để đẻ trứng.

Theo âm lịch Việt Nam, ngày này là ngày rằm tháng Ba.

Các hành tinh buổi tối

Sao Hoả là hành tinh duy nhất xuất hiện trên bầu trời buổi tối tháng Tư. Trong tháng này, Sao Hoả nằm ở khu vực của chòm sao Kim Ngưu (Taurus).

Hành tinh này đã mờ hơn một chút khi độ sáng biểu kiến giảm từ 1 xuống 2.

Hãy tìm kiếm hành tinh Đỏ trên bầu trời phía tây vào đầu buổi tối. Vì kích thước quá nhỏ bé của mình, bề mặt hành tinh này chỉ có thể quan sát được với những chiếc kính thiên văn mạnh nhất.

Vào tối mùng 9/4, Sao Hoả sẽ nằm ngay cạnh Mặt Trăng lưỡi liềm mỏng đầu tháng.

Các hành tinh buổi sáng sớm

Sao Mộc xuất hiện trên bầu trời phía đông từ sau nửa đêm. Trong tháng này, Sao Mộc nằm ở khu vực của chòm sao Mục Phu (Ophiuchus).

Một chiếc kính thiên văn nhỏ sẽ giúp bạn nhìn thấy 4 vệ tinh lớn của Sao Mộc. Nếu chiếc kính thiên văn đủ mạnh, bạn có thể nhìn thấy được các sọc mây trên bề mặt của hành tinh khí khổng lồ này.

Vào rạng sáng 24/4, Sao Mộc sẽ xuất hiện ngay cạnh Mặt Trăng khuyết cuối tháng.

Nằm ngay bên dưới Sao Mộc là Sao Thổ, hành tinh nổi tiếng với vành đai tuyệt đẹp. Trong tháng này, Sao Thổ nằm ở khu vực của chòm sao Cung Thủ (Sagittarius).

Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra vành đai tuyệt đẹp của hành tinh khí khổng lồ này.

Vào ngày 26/4, Sao Thổ sẽ nằm ngay cạnh Mặt Trăng hạ huyền.

Sao Kim và Sao Thuỷ xuất hiện thấp trên đường chân trời phía đông ngay trước khi Mặt Trời mọc. Trong tháng này, cả hai hành tinh nằm ở vị trí của chòm sao Bảo Bình (Aquarius), sau đó dịch chuyển qua khu vực của chòm sao Song Ngư (Pisces).

Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra hai hành tinh này cũng có các pha như Mặt Trăng.

Các chòm sao và các vật thể sâu

Vào buổi tối muộn, cao trên bầu trời phía bắc là một chú Gấu Lớn, chòm sao Đại Hùng (Ursa Major).

Chòm sao Đại Hùng chứa một nhóm nổi tiếng gồm nhiều ngôi sao ghép lại được gọi là nhóm sao Bắc Đẩu (Big Dipper). Nhóm sao này có hình dạng trông giống như một chiếc gàu sòng lớn có tay cầm.

Hai ngôi sao tạo nên mặt trước của chiếc gàu nước còn được gọi là "những ngôi sao chỉ đường", bởi vì chúng chỉ hướng đến ngôi sao Polaris, thường được biết đến với tên gọi là sao Bắc Cực (North Star).

Nhóm sao Bắc Đẩu chứa đầy các ngôi sao thú vị và các vật thể sâu trên bầu trời.

Hai ngôi sao Mizar và Alcor tạo nên một hệ sao đôi có thể nhìn thấy được mà không cần kính thiên văn. Ở thời cổ đại, khi mà Mizar và Alcor thậm chí còn gần nhau hơn nữa, chúng thường được sử dụng để kiểm tra thị lực.

M81 và M82 là một cặp thiên hà tráng lệ, đáng chú ý của bầu trời đêm phương bắc. M82 có hình dạng bất thường, được cho là kết quả bởi một vụ va chạm với thiên hà láng giềng lớn hơn, M81.

Chuyển sang phía nam, chúng ta có thể nhìn thấy chòm sao Sư Tử (Leo), báo hiệu cho mùa xuân đang đến. Trong thần thoại Hy Lạp, Sư Tử là con thú dữ to lớn bị giết bởi Hercules.

Ngôi sao Denebola, trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "chiếc đuôi", nằm chính xác ở phần đuôi của chòm sao Sư Tử.

Ngôi sao sáng Regulus là "trái tim" của Sư Tử.

Sư Tử có một số thiên hà trong "bụng" của mình. M65, M66 và NGC 3628, tạo nên "Bộ ba của Sư Tử" (Leo Triplet), một nhóm các thiên hà kì thú dễ dàng quan sát thấy qua kính thiên văn.

Gần đó là một nhóm thiên hà khác, gồm có M95 và M96 đều là những thiên hà xoắn ốc lớn.

Giữa nhóm sao Bắc Đẩu và "đầu" của Sư Tử là ba cặp sao sáng được quan sát thấy bởi các nhà thiên văn Ả Rập cổ đại, được ví là "Ba bước nhảy của Linh Dương" (Three Leaps of the Gazelle).

Các sự kiện thiên văn học đáng chú ý

Ngày 11 tháng 4: Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại phía tây

Hành tinh này sẽ đạt ly giác phía tây lớn nhất lên đến 27.7 độ tính từ Mặt Trời.

Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát hành tinh này khi mà nó sẽ ở vị trí cao nhất trên đường chân trời bầu trời buổi sáng sớm.

Hãy quan sát hành tinh này ở thấp trên đường chân trời phía đông ngay trước khi Mặt Trời mọc.

Ngày 22, 23 tháng 4: Mưa sao băng Thiên Cầm (Lyrid)

Mưa sao băng Thiên Cầm (Lyrid) là một trận mưa sao băng trung bình, với tần suất khoảng 20 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Các sao băng hình thành từ các hạt bụi để lại bởi sao chổi C/1861 G1 Thatcher, được phát hiện năm 1861.

Các sao băng Thiên Cầm thường xuất hiện hằng năm từ 16 - 25 tháng 4. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm 22, rạng sáng 23 tháng 4.

Các sao băng Thiên Cầm đôi khi có những ngôi rất sáng với vệt đuôi dài xuất hiện trong vài giây. Trăng khuyết cuối tháng sẽ chặn mất nhiều sao băng mờ, nhưng nếu có đủ kiên nhẫn, bạn vẫn có thể nhìn thấy được một vài sao băng sáng nhất.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Lyra (Thiên Cầm), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

Bầu trời đêm luôn là màn trình diễn thiên văn thú vị. Hãy khám phá những điều kì diệu ngay từ sân sau nhà bạn.