Hướng dẫn quan sát các chòm sao, các vật thể sâu, các hành tinh và các sự kiện thiên văn học trên bầu trời đêm tháng 8/2019.

Các pha Mặt Trăng

Ngày 1 và ngày 30 tháng 8: Trăng Mới

Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm.

Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.

Ngày 15 tháng 8: Trăng Tròn

Mặt trăng sẽ nằm ở vị trí xung đối và sẽ phản xạ tối đa ánh sáng của Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất. 

Quá trình này sẽ diễn ra lúc 19:30 UTC+7 (giờ Việt Nam).

Lần Trăng tròn này còn được biết đến bởi các bộ lạc bản địa cổ ở Mỹ với tên gọi Trăng Cá Tầm bởi đây là thời điểm những con cá tầm lớn ở Hồ Lớn (Great Lakes) và những hồ khác trở nên dễ săn bắt. Lần trăng tròn này cũng còn được gọi là Trăng Ngô Xanh hay Trăng Lúa.

Theo âm lịch Việt Nam, ngày này là ngày rằm tháng Bảy, cũng là ngày Tết Trung Nguyên, và là ngày lễ Vu Lan. Theo tín ngưỡng dân gian, tháng Bảy âm lịch được xem là tháng cô hồn và rằm tháng Bảy được gọi là ngày xá tội vong nhân, thường có nghi lễ cúng cô hồn.

Các hành tinh buổi tối

Sao Mộc

Trong tháng này, Jupiter, vua của các vị thần vẫn ngự trị trên bầu trời đêm. 

Ngay khi màn đêm dần buông xuống, Sao Mộc đã hiện hữu trên bầu trời về hướng Nam.

Trong tháng 8 này, Sao Mộc sẽ nằm ở khu vực của chòm sao Xà Phu (Ophiuchus), và ngay sát cạnh chòm sao Bọ Cạp (Scorpius), cùng đọ sáng với trái tim Bọ Cạp, ngôi sao Antares.

Một chiếc ống nhòm sẽ giúp bạn nhận ra 4 vệ tinh lớn của Sao Mộc. Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhìn thấy các sọc mây trên bề mặt của hành tinh khí khổng lồ này.

Sao Thổ

Sao Thổ toả sáng trên bầu trời Đông Nam vào lúc tối muộn. Trong tháng này, Sao Thổ sẽ nằm ở khu vực của chòm sao Cung Thủ (Sagittarius).

Một chiếc kính thiên văn đủ mạnh sẽ giúp bạn nhận ra vành đai tuyệt đẹp của hành tinh khí khổng lồ này.

Các hành tinh buổi sáng sớm

Sao Thủy

Sao Thuỷ xuất hiện thấp trên đường chân trời phía Đông vào rạng sáng trước khi Mặt Trời mọc. 

Trong tháng này, Sao Thuỷ sẽ ở khu vực của chòm sao Song Tử (Gemini), sau đó sẽ dịch chuyển sang khu vực của chòm sao Cự Giải (Cancer).

Ngày 09 tháng 8: Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại phía tây. 

Hành tinh này sẽ đạt ly giác phía tây lớn nhất lên đến 19 độ tính từ Mặt Trời.

Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát hành tinh này khi mà nó sẽ ở vị trí cao nhất trên đường chân trời bầu trời buổi sáng sớm.

Một chiếc kính thiên văn sẽ giúp bạn nhận ra hành tinh này cũng có các pha như Mặt Trăng.

Hành tinh này sẽ xuất hiện thấp dần và biến mất khỏi bầu trời đêm vào cuối tháng.

Hãy quan sát hành tinh này ở thấp trên đường chân trời phía đông ngay trước khi Mặt Trời mọc.

Các chòm sao và vật thể sâu

Ngắm sao vào những đêm tháng Tám oi bức để khám phá được vô số những điều diệu kì.

Chòm sao Thiên Cầm (Lyra)

Chòm sao Thiên Cầm (Lyra), một cây Hạc Cầm nhỏ, nằm cao trên bầu trời vào buổi khuya. Ngôi sao chính của chòm sao này là Chức Nữ (Vega), một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm.

Tìm kiếm chòm sao Thiên Cầm bằng cách xác định ngôi sao Chức Nữ và vẽ một hình bình hành với những ngôi sao ngay gần đó.

Epsilon Lyrae, một ngôi sao sáng gần Chức Nữ, thực ra là một hệ bốn ngôi sao tuyệt đẹp, còn gọi là hệ sao Double Double.

Trên hình bình hành của chòm sao Thiên Cầm là Tinh vân Chiếc Nhẫn (Ring Nebula). Đó là một lớp vỏ khí phát sáng đang mở rộng ra do áp lực từ ngôi sao đang chết nằm ở tâm.

Chòm sao Thiên Nga (Cygnus)

Chòm sao rộng lớn Thiên Nga (Cygnus) như đang bay trên cao, xuyên qua màn đêm tháng Tám. Sử dụng ngôi sao sáng Chức Nữ làm ngôi sao chỉ đường, hãy tìm hình chữ thập nằm về phía đông. Chòm sao Thiên Nga còn được biết đến với cái tên là Thập Tự Phương Bắc (Northern Cross).

Albireo, nằm ở phần đầu của Thiên Nga, một đối tượng quan sát tuyệt vời dành cho các kính thiên văn cỡ nhỏ. Cặp sao nổi bật này đặc trưng với sự tương phản màu sắc giữa màu xanh ngọc đại dương và màu vàng hoàng ngọc.

Ngôi sao Thiên Tân (Deneb), cái đuôi của Thiên Nga, là một ngôi sao siêu khổng lồ. Nếu Thiên Tân thay thế vị trí của Mặt Trời ở trung tâm Thái Dương Hệ, nó sẽ nhấn chìm cả Sao Thủy (Mercury) và Sao Kim (Venus).

Dưới bầu trời quang đãng, những mảng lờ mờ của tinh vân có thể nhìn thấy được khi tình cờ lướt ống nhòm qua khu vực của chòm sao Thiên Nga. 

Đáng chú ý nhất là tinh vân Bắc Mỹ (North America Nebula), một khu vực khí và bụi được chiếu sáng bởi ngôi sao rực sáng Thiên Tân  ngay gần đó.

Thiên Nga cũng chứa một vài cụm sao. Dễ thấy nhất là các cụm sao M29 và M39.

Hãy tìm M29 ở gần trung tâm của Thập Tự Phương Bắc. Khi nhìn qua một chiếc kính thiên văn, nó hiện ra giống một hình vuông nhỏ. 

M39 tốt nhất là được quan sát qua ống nhòm, cụm sao cầu này chứa khoảng 30 ngôi sao, chỉ nằm ngay về hướng bắc của sao Thiên Tân.

Chòm sao Hồ Ly (Vulpecula)

Ngay ở phía nam của chòm sao Thiên Nga là một chòm sao nhỏ Hồ Ly (Vulpecula), là một chú cáo nhỏ, được đặt tên lần đầu tiên bởi nhà thiên văn học người Ba Lan, Johannes Hevelius, vào thế kỷ XVII.

Hồ Ly mang trong mình tinh vân Quả Tạ (Dumbbell Nebula, còn gọi là tinh vân Lõi Táo), có thể nhìn thấy như một làn sương mờ qua ống nhòm. Một chiếc kính thiên văn nhỏ sẽ cho ta thấy được hình dáng hai thùy ghép đôi của tinh vân này.

Chòm sao Thiên Ưng (Aquila)

Chòm sao Thiên Ưng (Aquila), một chú đại bàng, được biết đến trong thần thoại Hy Lạp cổ đại là một chú chim lớn của thần Dớt (Zeus). Sao Ngưu Lang (Altair), ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Thiên Ưng, chỉ cách Trái Đất 16 năm ánh sáng.

Tam Giác Mùa Hè (Summer Triangle)

Những ngôi sao sáng của bầu trời mùa hè lần lượt là Ngưu Lang, Chức Nữ, và Thiên Tân tạo thành một tam giác được gọi là Tam Giác Mùa Hè (Summer Triangle).

Sử dụng ống nhòm để tìm kiếm chiếc Móc Áo vũ trụ, nằm ở trên đường nối giữa sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ. Đây là một nhóm sao nhỏ đáng chú ý tạo thành một hình dáng quen thuộc từ góc nhìn của chúng ta.

Các sự kiện thiên văn học đáng chú ý

Ngày 12, 13 tháng 8: Mưa sao băng Anh Tiên (Perseid)

Mưa sao băng Anh Tiên (Perseid) là một trong những trận mưa sao băng đáng để chờ đợi, với tần suất lên đến 60 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Các sao băng Anh Tiên có nguồn gốc từ tàn dư sao chổi Swift-Tutle, được phát hiện năm 1862. Anh Tiên nổi tiếng vì có nhiều sao băng sáng trên bầu trời. 

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 24 tháng 8. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 12 rạng sáng ngày 13 tháng 08.

Trong lần mưa sao băng này, Mặt Trăng gần tròn sẽ xuất hiện trong quá trình diễn ra trận mưa sao băng, vậy nên tần suất sao băng xuất hiện sẽ giảm xuống còn từ 10-15 vệt mỗi giờ trong đêm 12 rạng sáng 13 tháng 8. Tuy vậy, mưa sao băng Anh Tiên nổi tiếng với những vệt sao băng sáng và có nhiều cầu lửa. Nếu đủ kiên nhẫn, bạn vẫn có thể quan sát được những sao băng sáng nhất.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Anh Tiên(Perseus), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.