Dưới đây là danh sách các sự kiện thiên văn học đáng chú ý trong tháng 6/2018. Danh sách này được trích ra từ Lịch thiên văn 2018 do VLTV biên soạn.

Ngày 14 tháng 6: Trăng mới

Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm.

Quá trình này sẽ xảy ra lúc 02:43 UTC+7 (giờ Việt Nam).

Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.

Ngày 21 tháng 6: Hạ chí ở bán cầu bắc

Hạ chí sẽ diễn ra lúc 17:07 UTC+7 (giờ Việt Nam). Cực Bắc của Trái Đất sẽ nghiêng về phía Mặt Trời. Mặt Trời sẽ chiếu thẳng trên đường chí tuyến Bắc tại 23.44 Vĩ độ Bắc.

Tại Việt Nam, Hạ chí được xem là điểm giữa của mùa hè.

Tại một số quốc gia, như Hoa Kỳ và châu u, ngày này được xem là ngày đầu tiên của Mùa Hè ở bán cầu Bắc và là ngày đầu tiên của Mùa Đông ở bán cầu Nam.

Ngày 27 tháng 6: Sao Thổ ở vị trí xung đối

Hành tinh khổng lồ bao quanh bởi vành đai tuyệt đẹp này sẽ tiến đến vị trí gần Trái Đất nhất và bề mặt của nó sẽ phản xạ tối đa ánh sáng từ Mặt Trời về phía Trái Đất. Sao Thổ sẽ sáng hơn bất kỳ thời gian nào trong năm và sẽ hiện diện suốt đêm dài.

Đây là thời gian tốt nhất để quan sát, chụp ảnh Sao Thổ và các vệ tinh của nó. Một chiếc kính thiên văn kích thước trung bình sẽ cho phép bạn nhìn thấy vành đai và các mặt trăng sáng nhất của Sao Thổ.

Khi một hành tinh có quỹ đạo bên ngoài quỹ đạo Trái Đất (quỹ đạo xa Mặt Trời hơn) tiến đến vị trí xung đối, thì có nghĩa là hành tinh đó đang tiến đến vị trí đối diện với Mặt Trời thông qua Trái Đất.

Lúc này khoảng cách từ hành tinh đến Trái Đất là ngắn nhất và góc phản xạ ánh sáng Mặt Trời đến Trái Đất bằng 0 độ, nên nhìn từ Trái Đất, hành tinh đó sẽ sáng hơn và kích thước biểu kiến sẽ lớn hơn, thuận lợi cho việc quan sát bằng kính thiên văn.

Ngày 28 tháng 6: Trăng tròn

Mặt trăng sẽ nằm ở vị trí xung đối đối với Trái Đất và Mặt Trời và sẽ phản xạ tối đa ánh sáng của Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất.

Quá trình này sẽ diễn ra lúc 11:53 UTC+7 (giờ Việt Nam).

Lần Trăng tròn này còn được biết đến bởi các bộ lạc bản địa cổ ở Mỹ với tên gọi Trăng Dâu Tây bởi vì nó báo hiệu thời điểm thu hoạch trái cây chín và đồng thời cũng trùng với mùa thu hoạch cao điểm dâu tây. Lần trăng tròn này cũng còn được gọi là Trăng Hoa Hồng hay Trăng Mật.