Dưới đây là danh sách các sự kiện thiên văn học đáng chú ý trong tháng 8/2018. Danh sách này được trích ra từ Lịch thiên văn 2018 do VLTV biên soạn.

Ngày 11 tháng 8: Trăng mới

Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm.

Quá trình này sẽ xảy ra lúc 16:57 UTC+7 (giờ Việt Nam).

Đây là thời điểm tốt nhất tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.

Ngày 11 tháng 8: Nhật thực một phần

Một nhật thực một phần xảy ra khi Mặt Trăng che phủ một phần Mặt Trời, trông giống như một chiếc bánh hình tròn bị gặm mất ở một góc. Một nhật thực một phần chỉ có thể quan sát một cách an toàn thông qua các kính lọc Mặt Trời chuyên dụng, hoặc quan sát một cách gián tiếp. Lần nhật thực một phần này chỉ hiện diện ở một số khu vực phía đông bắc Canada, Greenland, cực bắc châu u, phía bắc và phía đông châu Á. Quan sát tốt nhất ở phía bắc nước Nga với độ che phủ lớn nhất là 68%.

Việt Nam không quan sát được nhật thực lần này.

Thông tin về nhật thực một phần của NASA: http://eclipse.gsfc.nasa.gov/SEplot/SEplot2001/SE2018Aug11P.GIF 

Ngày 12, 13 tháng 8: Mưa sao băng Anh Tiên (Perseid)

Đây là một trong những trận mưa sao băng đáng để chờ đợi, với tần suất lên đến 60 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Các sao băng Anh Tiên có nguồn gốc từ tàn dư sao chổi Swift-Tutle, được phát hiện năm 1862. Anh Tiên nổi tiếng vì có nhiều sao băng sáng trên bầu trời.

Trận mưa sao băng này diễn ra hằng năm từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 24 tháng 8. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 12 rạng sáng ngày 13 tháng 08.

Trăng lưỡi liềm mỏng đầu tháng sẽ lặn sớm trong đêm để lại bầu trời tối thuận lợi cho một buổi quan sát mưa sao băng.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Perseus (Anh Tiên), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

Ngày 17 tháng 8 – Sao Kim ở vị trí ly giác cực đại phía đông

Hành tinh này sẽ đạt ly giác phía đông lớn nhất lên đến 45.9 độ tính từ Mặt Trời.

Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát Sao Kim khi mà nó sẽ ở vị trí cao nhất trên đường chân trời bầu trời buổi tối.

Hãy quan sát hành tinh rực sáng này ở thấp trên đường chân trời phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn.

Ngày 26 tháng 8: Trăng tròn

Mặt trăng sẽ nằm ở vị trí xung đối đối với Trái Đất và Mặt Trời và sẽ phản xạ tối đa ánh sáng của Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất.

Quá trình này sẽ diễn ra lúc 18:56 UTC+7 (giờ Việt Nam).

Lần Trăng tròn này còn được biết đến bởi các bộ lạc bản địa cổ ở Mỹ với tên gọi Trăng Cá Tầm bởi đây là thời điểm những con cá tầm lớn ở Hồ Lớn (Great Lakes) và những hồ khác trở nên dễ săn bắt. Lần trăng tròn này cũng còn được gọi là Trăng Ngô Xanh hay Trăng Lúa.

Ngày 26 tháng 8: Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại phía tây

Hành tinh này sẽ đạt ly giác phía tây lớn nhất lên đến 18.3 độ tính từ Mặt Trời.

Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát Sao Thủy khi mà nó sẽ ở vị trí cao nhất trên đường chân trời bầu trời buổi sáng.

Hãy quan sát hành tinh này ở thấp trên đường chân trời phía đông ngay trước khi Mặt Trời mọc.