Các nhà thiên văn học đã háo hức chờ đợi vụ nổ tân tinh dự kiến của T Coronae Borealis (T CrB còn được biết đến với cái tên “Blaze Star”), một vụ nổ tân tinh lặp lại mỗi 80 năm nằm trong chòm sao Bắc Miện (Corona Borealis). Sự kiện thiên văn hiếm hoi này, dự kiến ​​sẽ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2024, hứa hẹn một màn trình diễn hấp dẫn trên bầu trời đêm. 

Tân tinh và Siêu tân tinh

Một vụ nổ siêu tân tinh là sự “suy sụp” bên trong lõi của một ngôi sao dẫn đến sự huỷ diệt hoàn toàn của nó, và điều này chỉ xảy ra ở những ngôi sao có khối lượng gấp 8 lần Mặt Trời của chúng ta. Thay vào đó, T CrB chỉ hình thành một vụ nổ tân tinh, một vụ nổ trên bề mặt ngôi sao đẩy vật chất vào không gian mà không tự huỷ diệt chính nó.

Hình ảnh minh hoạ cho thấy một hệ sao đôi bao gồm một ngôi sao lùn trắng nằm trên đĩa bồi tụ vật chất của một ngôi sao khổng lồ đỏ đồng hành. Sự phát nổ trên bề mặt của sao lùn trắng tạo nên một vụ nổ tân tinh khiến độ sáng của hệ sao đôi này tăng lên nhiều lần. Credit: NASA’s Goddard Space Flight Center

Khám phá sự bí ẩn của T CrB

T CrB, lần đầu tiên được John Birmingham phát hiện vào năm 1866, đã thu hút sự chú ý của các nhà thiên văn học bởi những vụ nổ có tần suất lặp đi lặp lại, có thể đã được ghi chép từ những năm 1217 và 1787. Mặc dù với độ sáng biểu kiến xấp xỉ 10, T CrB đã chiếu sáng bầu trời trong các vụ nổ trước đó, đạt độ sáng biểu kiến lên đến 2 vào năm 1866 và 3 vào năm 1946 và có thể quan sát bằng mắt thường.

Tại trung tâm của T CrB, một ngôi sao lùn trắng đang hút cạn vật chất từ ngôi sao đồng hành của nó, một ngôi sao khổng lồ đỏ - lạnh lẽo. Sao lùn trắng nằm trong một đĩa bồi tụ và bị bao phủ bởi đám mây vật chất sao dày đặc, tạo tiền đề cho sự tái diễn của các vụ nổ tân tinh.

Sự Biến Động và Thay Đổi của Độ Sáng

Những quan sát gần đây đã cho thấy một sự sáng lên đáng kể của T CrB kể từ tháng 2 năm 2015, làm dấy lên sự háo hức của các nhà thiên văn. Tuy nhiên, những biến động về độ sáng không phải là điều hiếm gặp đối với hệ thống sao bí ẩn này. Sự suy giảm độ sáng vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm 2023 lặp lại so với những quan sát trước vụ nổ vào năm 1946, đã dự báo cho vụ nổ tân tinh đang và sẽ diễn ra trong vài tháng tới.

Để quan sát được sự kiện thiên văn kỳ thú này, mọi người được khuyến khích làm quen với chòm sao Bắc Miện (Corona Borealis), nơi mà T CrB sẽ tiết lộ màn trình diễn sáng chói của mình. Với hình chữ C nằm giữa chòm sao Mục Phu (Boötes) và Vũ Tiên (Hercules) về hướng Đông - Đông Bắc, chòm sao Bắc Miện sẽ mọc lên từ sau 21h, mang đến một phong cảnh đẹp như tranh cho sự kiện thiên văn hiếm có này.

Vị trí của T Crb trên bầu trời Hà Nội vào 22h tối ngày 31/03/2024 được mô phỏng bởi phần mềm Stellarium. Ngôi sao này sẽ bắt đầu mọc lên từ sau đường chân trời phía Đông, cùng với chòm sao Bắc Miện (Corona Borealis) từ sau 21h tối ở miền Bắc và muộn hơn một chút ở miền Nam. Credit: Stellarium

Sự kỳ diệu của Vũ trụ

Vụ nổ tân tinh đang diễn ra của T Coronae Borealis mang lại một cơ hội độc đáo cho các nhà thiên văn học nhằm giải mã bí ẩn của quá trình tiến hóa và động học sao. Vượt ra ngoài ý nghĩa khoa học của nó, sự kiện thiên văn này còn là một lời nhắc nhở về những điều kỳ diệu vô tận đang chờ đợi khám phá trong không gian bao la của vũ trụ.

Tham khảo:

[1] View Nova Explosion, ‘New’ Star in Northern Crown – Watch the Skies (nasa.gov)

[2] T Coronae Borealis - Wikipedia

[3] This Nova Will Soon Erupt as a Once-in-a-Lifetime ‘New Star’ in the Night Sky | Scientific American

[4] NASA: Exploding Star Will Be Visible To The Naked Eye — How To Find It (forbes.com)