Cự Giải là chòm sao mờ nhạt nhất trong số 13 chòm sao hoàng đạo và không phải ai cũng có cơ may quan sát được. Chòm sao với hình tượng con cua to lớn này nằm giữa ngôi sao sáng nhất trong chòm Sư Tử (Leo) là Regulus, với hai ngôi sao sáng nhất trong chòm Song Tử (Gemini) là Castor và Pollux.

Cận cảnh chòm Cự Giải, nằm trên một phần của bầu trời.

Làm thế nào để tìm chòm sao Cự Giải?

Ở bán cầu bắc, Cự Giải nhìn thấy được rõ nhất trên bầu trời vào những buổi tối cuối đông hay đầu xuân. Bạn sẽ không thể quan sát được chòm sao này vào tháng bảy hay tháng tám trong năm, ánh mặt trời chói chang vào ban ngày chắc chắn sẽ lấn át hết những vì sao; và rồi chúng sẽ trở lại trên bầu trời những hôm sáng sớm tháng chín. Nếu vào một buổi sớm mùa thu, bạn chợt tỉnh giấc trước bình minh, hãy thử tìm chòm sao Cự Giải, và đừng quên tìm luôn cả cụm sao Tổ Ong (Beehive) đặc trưng của chòm.

Giả sử bạn đã xác định được ngôi sao Regulus, “trái tim” của Sư Tử, và cặp đôi ngôi sao Castor và Pollux của chòm sao anh em song sinh - Song Tử. Khi lướt quanh khu vực nằm giữa các ngôi sao của hai chòm sao trên, bạn chắc chắn sẽ hơi thất vọng và tự bảo với bản thân rằng chẳng có gì đáng chú ý cả bởi vì các ngôi sao thuộc chòm Cự Giải không thật sự sáng. Nhưng, khi đến những nơi đủ tối ở vùng ngoại ô, thích hợp cho việc quan sát, các ngôi sao lờ mờ lúc đó sẽ nổi bật lên trên nền trời.

Cự Giải ở vị trí tốt nhất trên bầu trời khi quan sát vào tháng ba, và tiếp tục có thể nhìn thấy rõ vào các đêm tháng tư và tháng năm. Chòm sao này bắt đầu chìm vào ánh hoàng hôn khi tháng sáu đến nên không thể nhìn thấy được.

Cứ đầu tháng ba hàng năm, bạn hãy tìm chòm sao Cự Giải mọc lên từ đường chân trời hướng nam và lên cao nhất trên bầu trời vào khoảng 10 giờ tối (ngược lại đối với cư dân ở bán cầu nam, Cự Giải luôn nằm cao trên đầu ở vùng cận nhiệt và nhiệt đới; đối với khu vực ôn đới bán cầu phía nam, chòm Cự Giải lại mọc lên từ hướng bắc, thay cho hướng nam như ở bán cầu bắc). Bởi vì các ngôi sao rồi cũng sẽ quay trở về cùng một vị trí trên bầu trời khoảng bốn phút sớm hơn sau mỗi ngày trôi qua, hoặc khoảng nửa tiếng sớm hơn nếu tính theo tuần. Điều đó có nghĩa là bạn vẫn có thể quan sát Cự Giải lên cao nhất trên bầu trời giữa tháng ba vào lúc 9 giờ tối theo giờ địa phương. Cuối tháng ba và đầu tháng tư, Cự Giải sẽ lại “leo” lên đến nơi cao nhất trên bầu trời đêm vào khoảng 8 giờ tối theo giờ địa phương.

Vào một đêm không trăng, nếu có cơ hội đến những vùng quê, hãy ngắm nhìn Cự Giải xuất hiện sáng tỏ đến bất ngờ trên bầu trời tối. Để xác định nơi chú cua này nằm trên hoàng đạo, bạn có thể dùng chính những ngôi sao cụ thể cũng thuộc hoàng đạo. Hai ngôi sao sáng nhất chòm Song Tử là Castor và Pollux, tỏa sáng ở ngay bên cạnh chòm Cự Giải; trong khi đó Regulus, ngôi sao sáng nhất chòm Sư Tử lại cũng nằm bên cạnh nhưng về phía còn lại.

Sao Hỏa nằm gần cụm sao Tổ Ong (M44) vào tháng tư 2010. Sao Hỏa là thiên thể sáng màu đỏ nằm bên trên bên trái của bức ảnh tuyệt đẹp này. Nhiếp ảnh: Peter Wiener Roither (sử dụng với sự cho phép từ tác giả)

Sao Kim ở gần cụm sao Tổ Ong vào tháng chín 2012. Cụm sao Tổ Ong lung linh nằm bên trái tấm ảnh. Ảnh được ghi lại bởi Ken Christison.

Cụm sao Tổ Ong nổi tiếng - niềm tự hào của Cự Giải

Dường như để bù đắp lại cho việc thiếu đi những sao sáng, chòm Cự Giải sở hữu trong mình một trong những cụm sao sáng nhất trên bầu trời, đó là cụm sao Tổ Ong (Beehive) nổi tiếng hay còn được biết đến như M44. Cụm sao này còn có tên khác là Praesepe, trong tiếng Latin có nghĩa là “cái máng”.

Dưới bầu trời đủ tối, cụm sao Tổ Ong nhìn bằng mắt thường trông như một đám mây mờ, nhỏ nhắn. Nhưng khi nhìn qua ống nhòm truyền thống, đám mây mờ này lập tức biến thành một phường ánh sao lấp lánh. Đây là một trong những cụm sao mở gần Hệ Mặt Trời chúng ta nhất, mang trong mình lượng sao dày đặc nhất so với những cụm sao lân cận.

Các ngôi sao trong cụm Tổ Ong có cùng độ tuổi và chuyển động tương tự với cụm sao mở Hyades dạng chữ V. Rất có thể chúng có chung nguồn gốc, nằm trong đám mây bụi khí lớn trong không gian.

Mặt Trời toả sáng trên đỉnh đầu vào giữa trưa ngày hạ chí ở bắc bán cầu, ở những nơi nằm trên chí tuyến bắc (hay nhiệt tuyến bắc [Cự] Giải).

Tầm quan trọng của chòm sao Cự Giải

Cự Giải đóng vai trò là một chòm sao hoàng đạo qua hàng thiên niên kỷ vẫn hề không thay đổi. Hơn hai ngàn năm trước, Mặt Trời toả sáng phía trước chòm Cự Giải vào ngày hạ chí ở bắc bán cầu. Tuy nhiên ngày nay thì không còn như vậy nữa.

Ngày nay, Mặt Trời nằm trước chòm Kim Ngưu vào hạ chí. Khi này, Mặt Trời sẽ ở cao nhất về phía bắc hơn bất cứ khoảng thời gian nào khác trong năm, rơi vào các ngày gần 21 tháng 6.

Dù Mặt Trời không còn đi vào khu vực chòm sao Cự Giải vào ngày hạ chí ở bắc bán cầu, mà tận 1 tháng sau đó. Cụ thể là từ khoảng 21 tháng 6 đến 10 tháng 8. Nhưng Cự Giải dường như vẫn đại diện cho cực đỉnh và sáng tỏ của thái dương vào mùa hạ. Chí tuyến bắc vẫn còn được gọi là nhiệt tuyến bắc [Cự] Giải, chứ không phải là “nhiệt tuyến bắc Kim Ngưu” hay là gì khác. 

Dũng sĩ Hercules bị Karkinos ở dưới và Lernaean Hydra tấn công, dưới sự trợ giúp của thần Athena. Phong cách kỹ nghệ nền trắng trên gốm sứ lekythos của người Hy Lạp cổ đại thành Athens. Ảnh: Bảo tàng Louvre, Paris.

Cự Giải trong lịch sử, thần thoại và khoa học

Theo Richard Hinckley Allen, trong cuốn sách tên là “Tên Gọi Các Vì Sao: Truyền thuyết và Ý nghĩa”, các nhà chiêm tinh gọi Cự Giải là Ngôi nhà của Mặt Trăng, nguyên do là từ niềm tin rằng Mặt Trăng đã ở đó từ thuở sơ khai của vũ trụ.

Trong chiêm tinh học, người ta tin rằng Mặt Trăng có thể chế ngự được Cự Giải. Chiêm tinh khác với thiên văn học ở chỗ các nhà chiêm tinh cho rằng vị trí của các thiên thể có những ảnh hưởng nhất định đối với con người. Các nhà thiên văn học lại coi các liên hệ đó không có cơ sở và xem chiêm tinh học là một loại hình ngụy khoa học.

Tuy nhiên, điều thú vị là các nhà thiên văn học hiện đại tin rằng Mặt Trời có thể bắt nguồn từ cụm sao mờ Cự Giải, Messier 67, tuy nhiên một nghiên cứu khác dường như tạt một gáo nước lạnh vào ý tưởng này. Dù vậy, có vẻ như Cự Giải có thể là nguồn gốc hình thành thế giới của chúng ta trong cả chiêm tinh và thiên văn học.

Theo triết học Plato thời cổ đại, Cự Giải được gọi là Cánh Cổng Của Nhân Loại. Thông qua nơi này mà các linh hồn đến từ thiên đàng và nhập vào cơ thể của những đứa trẻ mới sinh.

Khoảng 2700 năm trước, Mặt Trời đi qua phía trước cụm Tổ Ong vào hạ chí ở bắc bán cầu. Khi đó, cụm sao này nằm ở đỉnh hoàng đạo, nên có lẽ chính “tinh vân thiên đàng” này đã từng được người xưa đánh dấu như là Cánh Cổng Nhân Loại. Hiện nay, Mặt Trời giao hội hàng năm với cụm Tổ Ong vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.

Vào thời xa xưa, trước khi có sự ô nhiễm ánh sáng, người xưa gọi cụm sao Tổ Ong là Praesepe (nghĩa là “đám mây nhỏ”). Tác giả Pliny người La Mã cho rằng khi Praesepe biến mất trên trên nền trời quang, đó là một dấu hiệu chắc chắn về một cơn bão sắp đến. Cụm Tổ Ong từng được xem như một trạm dự báo thời tiết trên trời.

Mặc dù Cự Giải có thể là chòm sao mờ nhất trong các cung Hoàng Đạo, nhưng di sản của nó thì vẫn còn mãi. Vào một đêm tối không trăng, bạn có thể dễ dàng tìm thấy chòm sao mờ Cự Giải nằm tách bạch giữa hai chòm sao nổi bật đó là Song Tử và Sư Tử.

Tham khảo