Chòm sao là một nhóm các ngôi sao tạo thành một mô hình hay hình vẽ tưởng tượng trên thiên cầu, thường đại diện cho các loài vật, các nhân vật hay sinh vật thần thoại, các vị thần, hay các vật thể khác.

Hình vẽ trên vách hang Lascaux (Pháp) có niên đại 17300 năm, được cho là có liên quan đến cụm sao Thất Nữ và Hyades. Ảnh: Pinterest.

Nguồn gốc của các chòm sao

Kể từ khi loài người bắt đầu lang thang trên Trái Đất, vai trò lớn lao đã được gửi gắm vào những thiên thể nhìn thấy được trên bầu trời. Xuyên suốt lịch sử nhân loại và với những nền văn hoá khác nhau, tên gọi và các câu chuyện thần thoại đã được gắn cho những mô hình các ngôi sao gần nhau trên bầu trời đêm, do đó sinh ra những gì mà ngày nay chúng ta gọi là các chòm sao.

Những chòm sao đầu tiên xuất hiện từ khi nào? Các nghiên cứu khảo cổ học đã ghi nhận các hình vẽ, được cho là có liên quan đến thiên văn học, được đánh dấu trên các bức tường trong hệ hang động ở Lascaux miền nam nước Pháp. Tổ tiên của chúng ta có thể đã ghi chép lại cái nhìn của họ về bầu trời đêm trên những bức tường này khoảng 17300 năm trước. Những hình vẽ được cho là cụm sao Thất Nữ (Pleiades) cùng với cụm sao Hyades gần đó. Liệu có phải mô tả đầu tiên về một mô hình các ngôi sao là từ hơn mười bảy ngàn năm về trước?

Hơn một nửa trong số 88 chòm sao mà Hiệp hội Thiên văn học Quốc tế (IAU) xác nhận ngày nay là có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại, là sự kết hợp với những tác phẩm của của người Babylon, Ai Cập, và Assyrian cổ đại. Bốn mươi tám chòm sao mà chúng ta biết đã được ghi chép trong các cuốn sách Almagest thứ bảy và thứ tám của Claudius Ptolemy, mặc dù nguồn gốc chính xác của những chòm sao này vẫn còn chưa chắc chắn. Các giải thích của Ptolemy có lẽ được lan truyền mạnh mẽ bởi các tác phẩm của Eudoxus of Knidos khoảng năm 350 trước Công nguyên.

Giữa thế kỷ thứ 16 và 17 sau Công nguyên, các nhà thiên văn học và bản đồ học bầu trời của châu Âu đã thêm các chòm sao mới vào với 48 chòm sao trước đó đã được mô tả bởi Ptolemy; những chòm sao mới này chủ yếu là các "khám phá mới" thực hiện bởi những người châu Âu đầu tiên thám hiểm nam bán cầu. Những người có đóng góp vào các chòm sao mới này có thể kể đến nhà thiên văn học Đức gốc Ba Lan Johannes Hevelius, ba nhà bản đồ học người Hà Lan, Frederick de Houtman, Pieter Dirksz Keyser và Gerard Mercator; nhà thiên văn học người Pháp Nicolas Louis de Lacaille; người vẽ bản đồ Petrus Planciusrs a vùng Flanders và hoa tiêu người Ý Amerigo Vespucci.

IAU và 88 chòm sao hiện đại

Các chòm sao từ đầu được định nghĩa một cách không chính thức bằng hình dạng tạo thành bởi các nhóm sao, nhưng, cùng với việc khám phá vũ trụ tăng trưởng chóng vánh trong đầu thế kỷ 20, các nhà thiên văn học đã quyết định cần phải có một bộ quy ước chính thức về ranh giới các chòm sao. Có một lý do là để hỗ trợ trong việc đặt tên các sao biến quang mới, với sự sáng lên và mờ đi liên tục thay vì có độ sáng ổn định. Những ngôi sao như vậy được đặt tên theo chòm sao có khu vực ranh giới chứa chúng, do đó điều quan trọng là cần phải xác định ranh giới của các chòm sao.

Eugène Delporte ban đầu liệt kê 88 chòm sao " hiện đại " thay mặt cho Uỷ ban số 3 của IAU (Ký hiệu Thiên văn học) trong tài liệu "Phân định khoa học các chòm sao"(Delporte, 1930).

Hình ảnh các chòm sao

Một điều bình thường trong các bản đồ sao là vẽ nối các " mô hình " đại diện cho hình dạng mang lại cái tên của các chòm sao. Tuy nhiên, IAU định nghĩa một chòm sao dựa theo ranh giới của nó (được phân định bởi toạ độ trời) chứ không theo mô hình hay cùng chòm sao với một số biến thể trong cách trình bày.

Các chòm sao (constellation) được phân biệt với các nhóm sao (asterism). Các nhóm sao là mô hình hay hình dạng các ngôi sao không liên quan đến các chòm sao đã biết, nhưng dù vậy lại được nhận biết rộng rãi bởi các các cộng đồng thiên văn học nghiệp dư. Các ví dụ về nhóm sao bao gồm bảy ngôi sao sáng trong chòm sao Đại Hùng với tên gọi "Cái Cày" (The Plough) ở châu Âu, "Cái Muỗng Lớn" (the Big Dipper) ở Mỹ, hay "Bắc Đẩu", "Cái Gầu" ở Việt Nam; hay "Tam giác Mùa Hè", một tam giác lớn nhìn thấy vào đêm mùa hè ở bắc bán cầu và chứa ba ngôi sao sáng gồm Altair, Deneb và Vega. Trong khi một nhóm các ngôi sao có thể được chỉ định chính thức bởi IAU, thì nó cũng không có nghĩa là các ngôi sao trong chòm sao đó cần phải gộp nhóm với nhau trong không gian. Đôi khi các ngôi sao sẽ gần nhau về mặt vật lý, chẳng hạn như cụm Thất Nữ, nhưng các chòm sao chủ yếu chỉ gần nhau theo góc nhìn. Chúng đơn giản là được suy diễn thành các mô hình sao hai chiều trên bầu trời tạo bởi các ngôi sao ở nhiều độ sáng và độ xa gần khác nhau.

Tên chòm sao

Mỗi tên Latin của chòm sao có hai dạng: Tên gọi chính xác, được dùng khi nói về bản thân chòm sao; và tên gọi sở hữu cách, được dùng theo tên gọi các ngôi sao. Chẳng hạn, Hamal, ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Bạch Dương (Aries - tên gọi chính xác), cũng được gọi là Alpha Arietis, theo nghĩa đen là "sao alpha của Bạch Dương".

Các tên Latin của tất cả các chòm sao, tên viết tắt và ranh giới của chúng có thể tìm thấy trong bài viết Danh sách các chòm sao. Chúng là sự pha trộn của các mô hình sao của người Hy Lạp cổ đại ghi chép bởi Ptolemy cũng như các mô hình sao "hiện đại" được quan sát sau này bởi các nhà thiên văn học hiện đại.

IAU lấy ba chữ cái đầu tiên trong tên chòm sao để làm tên viết tắt tại lễ khai mạc Đại hội ở Rome năm 1922. Do đó, chòm sao Tiên Nữ (Andromeda) có tên viết tắt là And trong khi chòm sao Thiên Long (Draco) có tên viết tắt là Dra.

Đánh vần tên các chòm sao

Các nhà thiên văn học từng trải, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, đánh vần tên các chòm sao theo nhiều cách khác nhau, nhưng không gặp vấn đề gì trong việc hiểu nhau. Không có một cách đánh vần đúng nào dành cho tên các chòm sao, và có một vài nguồn tham khảo có nhắc đến vấn đề này.

  • Sky&Telescope: Constellation Names and Abbreviations
  • Davis, G. A.; Barton, S. G. & McHugh, I. “Pronouncing Astronomical Names ” in Popular Astronomy, August 1942
  • The American Heritage Dictionary, 4th edition
  • Covington , M. A. Celestial Objects for Modern Telescopes, pages 80–84. A link to the text “Latin Pronunciation Demystified “ is available on http://www.ai.uga.edu/mc/latinpro.pdf 

Nguồn: IAU

Tham khảo