Trong hầu hết các truyền thuyết về bầu trời, Thiên Bình nổi danh từ lâu là biểu tượng thiêng liêng của công lý, sự cân bằng và hài hoà. Hai ngôi sao sáng nhất của chòm sao này có những cái tên độc đáo nhất trong tất cả các ngôi sao. 

Chòm sao hoàng đạo Thiên Bình nằm cố định trên bầu trời chiều tối trong suốt mùa hè ở Bắc Bán Cầu (mùa đông ở Nam Bán Cầu). Tuy không không phải là chòm sao sáng nhất trên đường Hoàng Đạo, nhưng dù là năm nào, bạn đều có thể tìm ra Thiên Bình khá dễ dàng trong bầu trời tối. Bằng cách dùng hai ngôi sao sáng là Spica và Antares để làm hướng dẫn, ta có thể tìm được hai ngôi sao của chòm Thiên Bình sáng mờ hơn, đấy chính là hai ngôi sao có tên nổi tiếng bậc nhất trên bầu trời.

Làm thế nào để xác định vị trí của chòm Thiên Bình

Thiên Bình là một chòm sao Hoàng Đạo. Vì vậy bạn sẽ tìm chòm sao này dọc theo đường đi của Mặt Trời qua bầu trời của chúng ta. Hai ngôi sao nổi bật trong chòm Thiên Bình nằm ở khoảng giữa hai ngôi sao sáng, Spica và Antares. Hai ngôi sao đó là Zubenelgenubi và Zubeneschamali, chúng đánh dấu vị trí của Thiên Bình trên trời cao.

Quan sát từ Trái đất, Mặt Trời băng qua trước chòm Thiên Bình từ khoảng ngày 30 tháng 10 đến ngày 22 tháng 11 hàng năm.

Ngôi sao Zubenelgenubi của Thiên Bình nằm gần như chính xác trên hoàng đạo, đó là đường đi biểu kiến hàng năm của Mặt Trời phía trước nền sao. Hiện nay, Mặt Trời giao hội hàng năm với sao Zubenelgenubi vào (hoặc gần) ngày 7 tháng 11, hoặc khoảng giữa tháng chín và điểm chí tháng 12 (đông chí ở bắc bán cầu).

Tuy nhiên, ngày giao hội của Mặt Trời và sao Zubenelgenubi sẽ thay đổi trong tương lai xa. Hơn ba ngàn năm về trước, Mặt Trời giao hội với ngôi sao này vào Thu Phân Bắc Bán Cầu (Xuân Phân ở Nam Bán Cầu). Trong tương lai, khoảng ba ngàn năm nữa, Mặt Trời và Zubenelgenubi sẽ lại giao hội vào điểm chí tháng 12 (đông chí ở bán cầu bắc hay hạ chí ở bán cầu nam).

Bất kể là chòm sao nào làm nền cho Mặt Trời vào điểm phân tháng 9, Mặt Trời được cho là ở điểm đầu của cung Thiên Bình khi nó vượt qua xích đạo trời (trên thiên cầu) từ bắc xuống nam.

Chòm sao Thiên Bình khi quan sát bầu trời đêm. Ảnh: Till Credner/AlltheSky.com

Thiên Bình trong thần thoại

Vài ngàn năm về trước – khoảng 2000 năm TCN – những người Babylon cổ đại dường như đã liên tưởng chòm sao này đến cái cân hoặc vật cân bằng. Có khả năng, những liên tưởng này đến từ việc Mặt Trời nằm phía trước các ngôi sao của Thiên Bình vào thu phân ở thời điểm đó. Tại điểm phân, họ nhận ra sự cân bằng theo mùa và theo thời gian, giữa các khoảng thời gian nóng và lạnh, ngày và đêm có chiều dài bằng nhau trên toàn cầu. Bằng phép ẩn dụ, cán cân Thiên Bình từ lâu đã đóng vai trò như một biểu tượng của công lý, hài hòa và cân bằng một cách thần kỳ.

Trái ngược với người Babylon trước kia, những người Hy lạp cổ đại lại coi Thiên Bình như là cái càng kéo ra từ chòm Bọ Cạp. Trên thực tế, tên của hai ngôi sao sáng nhất trong chòm sao này đến từ tiếng Ả Rập cổ, khi mà chòm sao Bọ Cạp lớn gấp đôi hay thậm chí là siêu chòm sao, bao trùm cả chòm Thiên Bình. Zubenelgenubi có nghĩa là “móng vuốt phía nam của Bọ Cạp” còn Zubeneschamali là “móng vuốt phía bắc của Bọ Cạp”.

Thiên Bình được vẽ trong một bộ thẻ các chòm sao xuất bản tại London năm 1825. Ảnh: Sidney Hall. 

Mặc dù bị ảnh hưởng phần lớn văn hóa của Hy Lạp nhưng những người La Mã một lần nữa đã thổi hồn vào Thiên Bình – chòm sao buồn tẻ duy nhất trong các chòm sao Hoàng Đạo. Họ tin rằng Xử Nữ là khuôn mặt của Astraea – chúa tể của những vì sao. Còn Libra lại là chòm sao đại diện cho nữ thần Dike nắm giữ cán cân công lý.

Những nhà chiêm tinh thì coi chòm sao này là dấu hiệu thứ hai của không khí, được cai trị bởi Thần Vệ Nữ (Kim Tinh). Dẫu thiên văn học và chiêm tinh học đã được đan xen trong lịch sử, hiện nay chúng đang được tách ra thành những phạm trù khác hẳn nhau. Chiêm tinh học giả định vị trí của các thiên thể có ảnh hưởng nhất định đối với các vấn đề con người, khi mà hầu hết các nhà thiên văn học hiện đại cho là vô căn cứ.

Tóm lại, Bảo bình là một chòm sao hoàng đạo có thể quan sát được trên bầu trời đêm trong suốt mùa hè ở bán cầu bắc và mùa đông ở bán cầu nam. Nó nằm ở giữa hai ngôi sao sáng đặc trưng Spica và Antares. Hai ngôi sao sáng nhất trong Thiên Bình tên là Zubenelgenubi và Zubeneschamali, cái tên vần với thần Obi-Wan Kenobi trong Star Wars.

Tham khảo