Nhật thực đã gây ra nỗi sợ hãi, cảm hứng tò mò, và từng có mối liên hệ với các thần thoại, huyền thoại và cả mê tín trong suốt lịch sử. Ngay cả ngày nay, Nhật thực vẫn được coi là ám chỉ điềm xấu trong nhiều nền văn hóa.

Vị thần Rahu trong tôn giáo Hindu được cho là nguyên nhân gây ra nhật thực. ©bigstockphoto.com/wuttichok.

Giải thích cổ đại về nhật thực

Các nền văn minh cổ đại đã cố để hiểu tại sao Mặt Trời lại đột nhiên biến mất tạm thời khỏi bầu trời, vì vậy người ta đã đưa ra rất nhiều lý do cho những gì đã gây ra nhật thực.

Trong nhiều nền văn hóa, các truyền thuyết xung quanh nhật thực liên quan đến các nhân vật thần thoại đã “ăn” hoặc “đánh cắp” Mặt trời. Những nền văn hóa khác giải thích sự kiện này là một dấu hiệu cho sự tức giận hoặc... cãi nhau của các vị thần.

Quỷ đói, chó trộm?

Người Việt xưa tin rằng nhật thực diễn ra là bởi một con ếch khổng lồ đã nuốt mất Mặt Trời, trong khi các nền văn hóa Bắc Âu lại “đổ lỗi” cho những con sói đang “ăn” Mặt Trời.

Trung Hoa cổ đại lại tin rằng một con Thiên Long đã chén bữa trưa trên Mặt Trời gây nên nhật thực. Trên thực tế cụm từ Chih hoặc Shih ám chỉ nhật thực có nghĩa là ăn (thực).

Theo thần thoại Ấn Độ giáo cổ đại, vị thần Rahu bị các vị thần chặt đầu vì trộm và uống Amrita, một loại mật hoa của các vị thần. Đầu của Rahu bay lên trời và... nuốt chửng Mặt Trời gây ra nhật thực.

Văn hóa dân gian Hàn Quốc đưa ra một lời giải thích cổ xưa khác về nhật thực. Họ cho rằng nhật thực xảy ra vì những con chó thần thoại đang cố gắng đánh cắp Mặt Trời.

Theo truyền thống, mọi người ở nhiều nền văn hóa cùng nhau đập nồi niêu và xoong chảo tạo ra tiếng động lớn trong khi đang diễn ra nhật thực. Người ta cho rằng việc tạo ra tiếng động khiến con quỷ gây ra nhật thực sợ và bỏ chạy.

Thần thoại và truyền thuyết về nhật thực của người Mỹ bản địa

Pomo, một tộc người bản địa sống ở phía tây bắc Hoa Kỳ, kể một câu chuyện về một con gấu bắt đầu cuộc chiến với Mặt Trời và cắn mất một miếng. Trên thực tế, người Pomo cũng gọi nhật thực là Mặt Trời bị gặm bởi gấu.

Sau khi cắn Mặt trời và giải quyết mâu thuẫn, con gấu, như trong chuyện kể, tiếp tục gặp Mặt Trăng và tiếp tục... cắn Mặt Trăng, gây ra hiện tượng nguyệt thực. Câu chuyện này có thể là cách họ giải thích tại sao nhật thực xảy ra khoảng 2 tuần trước hoặc sau khi nguyệt thực diễn ra.

Mặt Trời nổi đóa

Với những người Hy lạp cổ đại, họ lại cho rằng nhật thực là dấu hiệu ám chỉ cơn giận giữ của các vị thần và nó cũng đồng nghĩa thảm họa và hủy diệt sắp diễn ra.

Bộ lạc Tewa đến từ New Mexico ở Hoa Kỳ tin rằng nhật thực báo hiệu một Mặt Trời giận dữ đã rời khỏi bầu trời để đến nhà anh ta trong thế giới ngầm.

“Xung đột” giữa Mặt Trời và Mặt Trăng

Theo văn hóa dân gian Inuit, nữ thần Mặt Trời Malina đã bỏ đi sau cuộc chiến với thần Mặt trăng Anningan. Nhật thực xảy ra khi Anningan tìm cách đuổi kịp nữ thần Mặt Trời.

Những người Batammaliba, sống ở Bénin và Togo, đã sử dụng nhật thực như một khoảnh khắc hòa giải. Theo truyền thuyết của họ, nhật thực có nghĩa là Mặt trời và Mặt trăng đang chiến đấu và cách duy nhất để ngăn họ làm tổn thương nhau là mọi người trên Trái đất hòa giải mọi xung đột với nhau.

Mê tín về Mặt Trời hiện đại

Nỗi sợ nhật thực vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Nhiều người trên thế giới vẫn xem nhật thực là điềm báo xấu mang đến cái chết, sự hủy diệt và thảm họa.

Một quan niệm sai lầm phổ biến là nhật thực có thể là mối nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi. Trong nhiều nền văn hóa, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai được yêu cầu ở trong nhà khi nhật thực diễn ra.

Ở nhiều vùng của Ấn Độ, người ta còn nhịn ăn trong Nhật Thực do họ có niềm tin rằng bất kỳ thực phẩm nào được nấu trong khi nhật thực xảy ra đều độc hại và không sạch sẽ.

Không phải tất cả các mê tín xung quanh nhật thực là về sự bi quan. Ví dụ, ở Ý, người ta tin rằng hoa được trồng trong nhật thực là sáng hơn và nhiều màu sắc hơn hoa được trồng vào bất kỳ thời điểm nào khác trong năm.

Không có căn cứ khoa học

Các nhà khoa học và nhà thiên văn học trên khắp thế giới đã bác bỏ mọi tuyên bố như vậy. Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy nhật thực có thể ảnh hưởng đến hành vi, sức khỏe hoặc môi trường của con người. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng bất cứ ai xem nhật thực đều phải bảo vệ mắt.

Tham khảo