Được phát hiện vào ngày 17/01/1948 bởi nhà thiên văn học người Mỹ Carl Wirtanen khi ông thực hiện quan sát tại Đài thiên văn Lick (San Jose, California), 46P/Wirtanen là một trong mười sao chổi từng tiếp cận gần Trái Đất nhất trong lịch sử hiện đại. Có rất ít sao chổi đủ sáng để có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Sao chổi sáng nhất 2018

Một số nhà thiên văn học đã dự đoán rằng 46P/Wirtanen có thể quan sát được mà không cần công cụ hỗ trợ nào trong các tuần xung quanh ngày 16/12/2018, là ngày mà nó đến gần Trái Đất nhất trong 70 năm. Thời điểm này cách chỉ 4 ngày sau khi sao chổi này đi qua điểm cực cận quỹ đạo - vào ngày 12/12/2018 vừa qua.

Cho dù đang rất sốt sắng về việc sao chổi này có thể quan sát được bằng mắt trần, các nhà thiên văn học cũng đồng thời cảnh báo rằng vẫn có khả năng nó sẽ không sáng được như dự đoán. Dựa theo các tính toán, sao chổi dự kiến sẽ đạt độ sáng biểu kiến tối đa là 4.2.

Một độ sáng biểu kiến 3,0 là đủ tốt đối với một sao chổi để có thể quan sát được ngay bên trong thành phố rực sáng, trong khi đó độ sáng ở khoảng từ 3,0 đến 5,0 sẽ cần phải đi đến một nơi đủ tối và tránh xa ánh sáng nền để có thể quan sát được. Nếu độ sáng biểu kiến lớn hơn 5,0 thì có nghĩa là bạn cần có sự trợ giúp của ống nhòm hoặc kính thiên văn để nhìn thấy sao chổi.

Tuy nhiên không cần phải tuyệt vọng, bởi cho dù là ở trường hợp nào, sao chổi sẽ vẫn đủ sáng để quan sát qua ống nhòm và kính thiên văn.

Quan sát sao chổi 46P/Wirtanen khi nào?

Xung quanh ngày 16/12/2018, khi mà sao chổi này ở gần Trái Đất nhất, nó sẽ hiện diện trên bầu trời và có thể quan sát ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nếu mọi thứ đúng như dự đoán, người quan sát có thể quan sát mà không cần công cụ hỗ trợ từ quanh ngày 13/12.

Tại thời điểm Giáng Sinh, hầu hết bán cầu nam sẽ bị mất tầm nhìn của sao chổi 46P/Wirtanen. Nó sẽ vẫn hiện diện với cư dân ở bán cầu bắc cho đến đầu tháng 01/2019, khi nó đạt độ sáng biểu kiến bằng 6,0.

Quan sát sao chổi 46P/Wirtanen ở đâu?

Ở bán cầu nam, sao chổi sẽ xuất hiện sau khi trời tối ở phía chòm sao Thiên Lô (Fornax) cho đến cuối tháng 11 vừa qua. Sao chổi lặn ở phía tây lúc bình minh.

Vào đầu tháng 12, sao chổi di chuyển xuyên qua các chòm sao Ba Giang (Eridanus) và Kình Ngư (Cetus). Sao chổi 46P/Wirtanen đi vào khu vực của chòm sao Kim Ngưu (Taurus) vào ngày 12/12 và đi qua rất gần cụm sao Thất Nữ (Pleiades) vào ngày 16/12.

Để tìm chòm sao Kim Ngưu và sao chổi 46P/Wirtanen, hãy nhìn cao trên bầu trời đêm ngay sau khi trời tối.

Một sao chổi chu kỳ ngắn

Sao chổi 46P/Wirtanen mất khoảng 5,439 năm để hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh Mặt Trời, vì thế nên nó được xem là một sao chổi chu kỳ ngắn.

Cũng như nhiều sao chổi chu kỳ ngắn khác, 46P/Wirtanen là một sao chổi thuộc họ Sao Mộc. Điều này có nghĩa là quỹ đạo của nó sẽ không mở rộng ra bên ngoài Sao Mộc và bị ảnh hưởng mạnh bởi lực hấp dẫn từ hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời.

Các sao chổi họ Sao Mộc được cho là có nguồn gốc từ vành đai Kuiper - một vành đai của các thiên thể nhỏ cấu thành bởi đá và băng nằm ngay bên ngoài quỹ đạo Sao Hải Vương.

Sao chổi nhỏ với những cơ hội lớn

46P/Wirtanen không phải là một sao chổi lớn - các nhà khoa học ước lượng đường kính của nó chỉ khoảng 1,2 km. Mặc dù có kính thước nhỏ, thì sao chổi này vẫn mang lại nhiều cơ hội dành cho các khám phá khoa học. Nó được phân loại là một sao chôi siêu năng động, có nghĩa là nó có nhiều băng bên trong nhân hơn kỳ vọng so với kích thước. Khi nó tiếp cận Mặt Trời, băng tan chảy và chuyển thành một đám mây khổng lồ và trở thành một phần của đầu sao chổi (coma sao chổi).

Sự kiến sao chổi đến gần Trái Đất không những mang lại khả năng nghiên cứu cho các nhà khoa học với các thiết bị không thể đưa lên tàu vũ trụ, mà còn để so sánh thành phần và hành vi của 46P/Wirtanen với các sao chổi khác.

Liệu có thể có một trận mưa sao băng mới?

Một vài trận mưa sao băng có liên quan đến các mảnh vụn để lại bởi các sao chổi. Năm 2012, người ta đã từng dự đoán đúng về sự hiện diện của một trận mưa sao băng nhỏ khi 46P/Wirtanen đi qua. Hiện tại vẫn chưa có một dự đoán nào cho lần tiếp cận năm nay, nhưng ít ra, vào khoảng thời gian này, trận mưa sao băng Song Tử (Geminid) cũng đã đủ để tạo nên một bữa tiệc thiên văn thịnh soạn.

Nguồn: TimeAndDate

Tham khảo