Năm 2020 đang dần kết thúc, Hệ Mặt Trời đang gửi đến cho chúng ta một món quà Giáng Sinh vô cùng tuyệt vời, đó là vào ngày 21 tháng 12 (hay Đông Chí), hai hành tinh khí khổng lồ là Sao Mộc và Sao Thổ sẽ có một cuộc gặp mặt rất gần trên bầu trời, và chỉ cách nhau 0,1 độ, chúng gần như thành một điểm sáng, giống như ngôi sao từng được đề cập đến trong kinh thánh với cái tên “ Ngôi sao thành Bethlehem” hay “ Ngôi sao Giáng Sinh”

Ngôi sao Giáng Sinh trong Kinh Thánh.
(lưu ý: để mọi người có cái nhìn rõ hơn thì tôi sẽ giải thích qua về ý nghĩa tên gọi “ngôi sao Giáng Sinh” theo kinh thánh)

Theo Tin Mừng thánh Matthew - một trong 12 vị môn đệ của Chúa Jesus- phần Thiên Chúa Giáng Sinh có nhắc đến một ngôi sao xuất hiện ở phương Đông đã chỉ đường cho ba nhà chiêm tinh (hoặc ba vị vua) tới tới được hang đá Bethlehem, nơi mà Hài Nhi được sinh ra (mà nay được coi là ngày Lễ Giáng Sinh).

Trích Tân Ước:

  • Mt 2:1-2 :”Khi Đức Jesus ra đời tại Bethlehem, miền Judea, thời vua Herod trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Jerusalem,và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.”
  • Mt 2:9-11 : “Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.”

Qua đây có thể thấy sự giao hội của Sao Mộc và Sao Thổ trong tháng 12 này làm chúng ta liên tưởng đến ngôi sao sáng kỳ lạ đã xuất hiện trước và trong đêm Giáng Sinh vậy nên sự kiện giao hội này được ví như là sự xuất hiện của “Ngôi sao Giáng Sinh” vậy.



Ảnh: bức ảnh chụp hai hành tinh khổng lồ trên bầu trời đêm tại Terlingua, Texas vào 11 tháng 11 năm 2020. Sao Mộc là thiên thể sáng nhất trên bức ảnh. Michael Zuber

Hai hành tinh khí khổng lồ giao hội trên bầu trời Đông Chí

Các nhà thiên văn học dùng từ “giao hội” để chỉ các cuộc ‘gặp gỡ’ của các hành tinh hay những thiên thể khác trên bầu trời. Và lần giao hội tiếp theo sẽ là 21 tháng 12 tới đây và nó nó sẽ rơi vào đúng ngày Đông Chí ở Bắc Bán Cầu. Đây cũng là lần giao hội đầu tiên của Thổ - Mộc kể từ năm 2000. Vào lần gặp gỡ năm 2000, hai hành tinh này nằm quá gần Mặt Trời trên bầu trời nên chúng ta đã không thể quan sát quá trình này.

Xa hơn nữa là lần ‘gặp gỡ gần gũi’ năm 1623 - chỉ 14 năm sau khi Galileo tạo ra chiếc kính thiên văn đầu tiên của mình, tuy nhiên, vị trí giao hội chỉ cách 13 độ Đông về phía Mặt Trời, tức là nó nằm khá gần Mặt Trời ngay cả lúc hoàng hôn nên cũng không thể quan sát được.

Sự giao hội của Sao Mộc và Sao Thổ ở khoảng cách gần nhất mà con người từng quan sát được cách đây cũng khá lâu, từ năm 1226 ở thời Trung Cổ! Sau lần giao hội tiếp theo vào tháng 12 này, nhân loại sẽ phải chờ tới gần 80 năm nữa để có thể chiêm ngưỡng lần giao hội của hai hành tinh vào 15 tháng 3 năm 2080.

Ảnh: Đừng bỏ lỡ cảnh tượng huy hoàng này ở bầu trời phía Tây sau khi Mặt Trời lặn, lúc này Sao Mộc sáng hơn gấp 12 lần sao Thổ.

Bạn sẽ dễ dàng nhận ra vị trí của Sao Mộc từ giờ cho đến cuối năm. Hiện tại thì Sao Mộc là thiên thể sáng nhất trên bầu trời đêm (không tính Mặt Trăng), nó tỏa sáng với màu vàng đặc trưng. Ngoài ra thì Sao Thổ nằm ngay phía Đông của Sao Mộc trên vòm trời. Không giống như các ngôi sao khác, hai hành tinh này có độ sáng khá ổn định,  không lấp lánh.

Sao Thổ là hành tinh thứ sáu tính từ Mặt Trời. Là hành tinh xa nhất và di chuyển chậm nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Sao Mộc thì đứng ở vị trí thứ năm và là hành tinh di chuyển chậm thứ hai mà chúng ta có thể quan sát được. Vì lý do đó, sự giao hội của hai hành tinh chậm chạp này là một sự kiện hiếm có trong chuỗi sự kiện giao hội giữa các hành tinh. Sao Thổ mất 30 năm để hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh Mặt Trời và Sao Mộc mất 12 năm.

Như vậy cứ sau 20 năm thì Sao Mộc lại đuổi kịp Sao Thổ khi nhìn từ Trái Đất, tuy nhiên thì chúng ta có quan sát được chúng hay không thì lại là một chuyện khác. Lịch trình giao hội của hai hành tinh này từ năm 2000 tới 2100:

  • 28 tháng 5 năm 2000
  • 21 tháng 12 năm 2020
  • 31 tháng 10 năm 2040
  • 7 tháng 4 năm 2060
  • 15 tháng 3 năm 2080
  • 18 tháng 9 năm 2100

Tại sao Sao Mộc và Sao Thổ sẽ hội ngộ sau 20 năm?

Mỗi năm, Sao Thổ hoàn thành khoảng 12 độ quỹ đạo của nó quanh Mặt Trời, trong khi đó Sao Mộc là khoảng 30 độ. Vậy nên trong 1 năm Sao Mộc thu hẹp khoảng cách giữa chính nó và Sao Thổ khoảng 18 độ. Trong chu kỳ 20 năm Sao Mộc hoàn thành 360 độ so với Sao Thổ (18 độ x20=360 độ), do đó cứ 20 năm hành tinh này sẽ gặp lại Sao Thổ một lần.

Ảnh: Sao Mộc và Sao Thổ nhìn từ không gian.

THAM KHẢO:

1. Bible: Tin mừng theo thánh Matthew

2. Earthsky: Before the end of 2020, great conjunction of Jupiter and Saturn