Ngày 19/5/2007 HAAC chính thức ra đời từ một nhóm các thành viên yêu thích thiên văn với mong muốn có nơi để tập hợp giao lưu và chia sẻ kiến thức lẫn nhau, với quy mô và tổ chức chặt chẽ chứ không chỉ là một vài nhóm nhỏ lẻ. Đó có lẽ là ý định nung nấu từ lâu, từ những năm 2004 của những thành viên nhiệt thành và năng động, đó là thời khắc quyết định của những cơ may và những điều kiện thích hợp, là nơi nhiều tâm hồn gặp gỡ để tiếp tục gầy dựng cho đam mê của mình.

Tới nay, sau 14 năm thành lập và hoạt động, đã có rất nhiều hoạt động tốt, nhiều dự định và ước mơ thành hiện thực. Một cách thực tế, HAAC ngày nào và HAAC của ngày hôm nay đã khác xưa rất nhiều. Chúng ta, cùng với nhau đã phần nào đó thực hiện được những hoài bão, những khát khao và đam mê của tuổi trẻ, đó chính là việc "tập hợp những người cùng đam mê thiên văn lại với nhau", và "đưa thiên văn tới công đồng". Dù những đóng góp này rất nhỏ bé, nhưng những thành viên của HAAC (dù đã từng, đang, hay tạm thời không thể đóng góp và sinh hoạt với CLB) chúng ta luôn tự hào mình đã làm được một điều gì đó có ích. Quy mô lớn hơn, số lượng thành viên nhiều hơn, tổ chức quy củ hơn, đó là những điều đáng ghi nhận.

14 năm đã qua, CLB cũng đã thay đổi về nhiều mặt, về website, về dụng cụ quan sát phổ biến, về địa điểm họp, về cơ cấu tổ chức, về hình thức tổ chức và nhân sự. Thay đổi là cần thiết cho sự phát triển, cho những bước đi mới và trên hết, thay đổi để phát triển.

HAAC đã bước sang tuổi thứ 14. Ảnh: HAAC

I. TÔN CHỈ - MỤC ĐÍCH

1- Tên gọi chính thức

Câu Lạc Bộ Thiên Văn Nghiệp Dư Thành Phố Hồ Chí Minh. Viết gọn là CLB Thiên Văn Nghiệp Dư TP.HCM
Tên giao dịch tiếng Anh: Hochiminh City Amateur Astronomy Club. Viết tắt HAAC.

2- Tính chất

Tổ chức phi lợi nhuận, tự nguyện của những người yêu thiên văn tại TP HCM nói riêng và mở rộng ra phạm vi cả nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

3- Tôn chỉ, mục đích

- Là nơi gặp gỡ giao lưu của những người yêu thiên văn để cùng học hỏi, trao đổi kiến thức, tài liệu và kinh nghiệm trong lĩnh vực thiên văn học tại TP Hồ chí Minh.

- Phổ biến kiến thức và tình yêu với môn thiên văn trong mọi giới, đặc biệt là giới trẻ, HS,SV. Góp phần xây dựng nền tảng kiến thức về thiên văn học trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam

- Mở rộng quan hệ hợp tác, học hỏi, giao lưu với các tổ chức thiên văn trong và ngoài nước để góp phần xây dựng và mở rộng cộng đồng yêu thiên văn ở Việt Nam cũng như giới thiệu hình ảnh của cộng đồng yêu thiên văn Việt Nam với bạn bè thế giới.

4- Mục tiêu hướng tới

Trở thành một tổ chức Thiên Văn có uy tín ở Việt Nam và Quốc Tế.
- Là nơi tìm đến tin cậy của những người yêu thiên văn trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng.
- Bảo trợ, tài trợ và tư vấn cho chương trình phổ biến kiến thức thiên văn trong học đường, các dự án nghiên cứu về thiên văn của tổ chức, cá nhân.
- Tham dự, thuyết trình tại các buổi hội thảo về thiên văn, vật lý thiên văn trong nước.
- Là đại diện của Việt Nam tham dự các buổi hội thảo về thiên văn Quốc tế.
- Là đại diện chính thức nhận được sự tài trợ của các tổ chức hiệp hội cho mục đích phổ biến thiên văn học ở Việt Nam.


Logo của CLB Thiên văn nghiệp dư Thành phố Hồ Chí Minh.

II. THÀNH VIÊN CỦA CÂU LẠC BỘ

1- Đối tượng tham gia

Tất cả mọi người yêu Thiên văn, tuổi từ 12 trở lên, không phân biệt giới tính, nơi cư trú, quan điểm chính trị, tôn giáo…đồng ý với Điều lệ CLB, đều có thể đăng ký gia nhập và nhận thẻ Thành viên CLB.

2- Thành viên

a. Thành viên chính thức: Các Thành viên cư trú, làm việc tại TP HCM, có điều kiện tham gia đầy đủ các hoạt động của CLB và được hưởng đầy đủ các quyền lợi từ CLB.
b. Thành viên không chính thức (cộng tác viên): Các thành viên ở tỉnh khác, ở nước ngoài hay ở TP.HCM nhưng không có điều kiện tham gia đầy đủ các hoạt động của CLB như thành viên chính thức .
c. Thành viên Danh dự: Các chuyên gia, thầy cô giáo, những người quan tâm đến hoạt động thiên văn và bảo trợ cho CLB.

3- Quyền lợi và trách nhiệm của các thành viên

a. Quyền lợi

• Ðược tham gia các hoạt động của CLB, thảo luận và biểu quyết mọi công việc của CLB theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
• Học hỏi và tìm hiểu thêm về kiến thức thiên văn từ các thành viên khác của CLB, các nhà nghiên cứu Thiên văn, từ tài liệu CLB cung cấp.
• Được cung cấp thông tin, và hướng dẫn kịp thời đối với các hiện tượng thiên văn sắp xảy ra.
• Được sử dụng thư viện sách, thiết bị dụng cụ hỗ trợ quan sát của CLB.

b. Nghĩa vụ

• Tôn trọng điều lệ của CLB
• Đóng hội phí đầy đủ theo mức do Ban chấp hành CLB quy định đối với thành viên chính thức.
• Tích cực tham gia các hoạt động của CLB, góp phần làm tăng uy tín cho CLB.
• Chia sẻ kiến thức của mình với những người xung quanh.

Vật lý Thiên văn - vatlythienvan.com
Các thành viên của HAAC. Ảnh: HAAC

III. TỔ CHỨC CỦA CLB

1- Chủ nhiệm CLB

Là người đại diện chính thức của CLB, được bầu chọn với nhiệm kỳ 1 năm tại buổi Sinh hoạt đầu năm của CLB. Chủ nhiệm CLB có trách nhiệm định hướng và tổ chức các hoạt động của CLB.

2- Ban Quản trị CLB

Các thành viên tích cực, được bầu chọn để phụ trách các lĩnh vực hoạt động chuyên môn của CLB. Gồm có :

i. Nhóm Kiến thức : Thu thập, biên soạn các TL và tổ chức phổ biến kiến thức về TVH.
ii. Nhóm Đối ngoại : Quan hệ ngoại giao hợp tác với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước .
iii. Nhóm Kỹ thuật : Hỗ trợ về các mặt kỹ thuật cho CLB như sử dụng chế tạo các dụng cụ mô hình giảng dạy, trang thiết bị, kính thiên văn ..
iv. Nhóm Tổ chức : Quản lý thành viên, công tác hậu cần, tổ chức các buổi hội thảo sinh hoạt của CLB, các hoạt động gây quỹ của CLB.

Chủ nhiệm và các TV Ban quản trị CLB có trách nhiệm lập và thực hiện các Mục tiêu và Kế hoạch hành động cụ thể nhằm xây dựng CLB ngày càng lớn mạnh hơn.
Các Thành viên trong CLB, tùy theo sở thích, khả năng và nhiệt tình, có thể tham gia hoạt động trong các nhóm chuyên môn này.

 

Video: HAAC - Thắp lửa ước mơ vươn tới những vì sao. Credit: Tuổi trẻ.

IV. HOẠT ĐỘNG CỦA CLB

Các hình thức sinh hoạt của CLB tùy theo tình hình phát triển của CLB cũng như phù hợp nhu cầu của đa số thành viên mà có thê thay đổi cho phù hợp.
Hiện nay các hình thức sinh hoạt được đề nghị:

1- Sinh hoạt định kỳ

- Thời gian sinh hoạt mỗi tháng 01 lần.
- Nội dung sinh hoạt:
o Các vấn đề hoạt động của CLB.
o Trao đổi các kiến thức về thiên văn. Các chủ đề sẽ do các thành viên đăng ký trước và tổ chức thuyết trình, trao đổi. Ngoài ra, CLB còn liên hệ với các thầy cô giáo giảng dạy môn thiên văn, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đến giao lưu và trao đổi với các thành viên CLB.

2- Sinh hoạt ngoại khóa

Thực hành Quan sát Thiên văn.
- Thời gian sinh hoạt: Thời gian sinh hoạt cơ bản tổi thiếu 03 tháng 01 lần. Ngoài ra cũng sẽ có những buổi sinh hoạt ngoại khóa khác khi có sự yêu cầu của các thành viên hay khi có những hiện tượng thiên văn đáng chú ý.
- Nội dung sinh hoạt:
o Quan sát các hành tinh, các tinh vân, cụm sao trên bầu trời, xác định các chòm sao, quan sát các hiện tượng thiên văn ...
o Kiểm tra lý thuyết thông qua các quan trắc trên thực nghiệm.
o Chụp các ảnh thiên văn.

3- Tổ chức các buổi Phổ biến kiến thức Thiên văn cho cộng đồng, tham gia các hội thảo về thiên văn ...

Vật lý Thiên văn - vatlythienvan.com
Hình ảnh các thành viên tham gia hội trại thiên văn học lần thứ IV tại Cần Giờ với chủ đề: Cuộc đua không gian. ảnh: HAAC.

V. Tài chính của CLB

1- Nguồn thu

- Tiền và hiện vật do các tổ chức, cá nhân ủng hộ.
- Tiền thu được từ việc bán các sản phẩm của CLB tạo ra.
- Thu từ các nguồn thu khác.

2- Nguồn chi

- Các hoạt động của CLB, các dự án khả thi của thành viên.
- Tài trợ cho chương trình phổ biến kiến thức thiên văn trong học đường, các dự án nghiên cứu về thiên văn của tổ chức, cá nhân.

Nguồn: CLB Thiên văn nghiệp dư Thành phố Hồ Chí Minh
http://thienvanhoc.org