Đó là Phan Thị Hoa, cựu sinh viên chương trình Vật lý tiên tiến (Đại học Huế) và chương trình thạc sĩ vũ trụ (Đại học Việt Pháp - USTH), nghiên cứu sinh tại CESBIO (Centre d’Etudes Spatiales de la Biosphère), thành phố Toulouse, Cộng hòa Pháp.

Living Planet Symposium 2016, hội nghị lớn nhất thế giới về khoa học Trái Đất

Living Planet Symposium, hội nghị chuyên đề khoa học "Hành tinh sống", là sự kiện được tổ chức 3 năm một lần bởi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (European Space Agency - ESA). Living Planet Symposium 2016 quy tụ hơn 3500 nhà khoa học hàng đầu, nghiên cứu sinh và những người sử dụng các dữ liệu quan sát trái đất từ khắp nơi trên thế giới, và là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử của lĩnh vực khoa học Trái Đất hiện nay. Trong suốt 1 tuần diễn ra hội nghị, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu sẽ trình bày những phát hiện mới nhất của họ về môi trường và biến đổi khí hậu của Trái Đất từ dữ liệu vệ tinh, giới thiệu các nhiệm vụ quan sát trái đất, lên kế hoạch cho hiện tại và tương lai. [1]

Living Planet Symposium 2016 được tổ chức tại thủ đô Prague, Cộng hòa Séc. Hội nghị được khai mạc ngày 09/5/2016 với bài phát biểu của Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslav Sobotka, nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động không gian vũ trụ đối với tương lai của EU và thế giới. Từ việc chú trọng xây dựng một nền khoa học khám phá vũ trụ mạnh, Cộng hòa Séc cũng đã trở thành thành viên thứ 18 của ESA từ năm 2008. [2]

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Kết quả nghiên cứu của Phan Thị Hoa được thuyết trình nhiều lần ở nhiều chủ đề khác nhau trong suốt chương trình hội nghị. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Phan Thị Hoa, nữ sinh nghèo vượt khó

Phan Thị Hoa sinh ra ở vùng quê nghèo đầy nắng và gió Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh. Với ước mơ lớn lao trở thành một nhà khoa học để phục vụ cho sự phát triển của đất nước, năm 2008, Hoa đã thi đỗ vào trường Đại học Huế, và theo học ngành Vật lý tiên tiến, một chương trình đào tạo bằng tiếng Anh do Giáo sư Phạm Quang Hưng (Đại học Virginia, Hoa Kỳ) là người đặt viên gạch đầu tiên, góp phần xây dựng. [3]

Sau khi tốt nghiệp chương trình Vật lý tiên tiến, Đại học Huế, Hoa nhận học bổng theo học thạc sĩ vũ trụ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt Pháp - USTH). [4][5] Đây là một trường đại học công lập quốc tế, thuộc đề án xây dựng các trường đại học xuất sắc của chính phủ Việt Nam. Đại học Việt Pháp được xây dựng từ sự hợp tác của chính phủ Việt Nam và chính phủ Pháp, đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh theo tiến trình Bologna của châu Âu. Từ những năm học thạc sĩ, Hoa đã định hướng sẽ nghiên cứu theo ngành viễn thám - quan sát Trái Đất từ không gian. Vào học kỳ cuối của chương trình (2014), Hoa được nhận thực tập trả lương tại CESBIO, thành phố Toulouse, Cộng hòa Pháp, với sự hướng dẫn của Giáo sư người Pháp gốc Việt Lê Toàn Thủy, cũng là một nhà khoa học nổi tiếng thế giới về viễn thám. Sau khi kết thúc chương trình thạc sĩ tại USTH, Hoa tiếp tục nhận học bổng chương trình thạc sĩ thứ hai về phương pháp vật lý viễn thám tại thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp.

Không dừng lại ở đó, Hoa tiếp tục gặt hái thành công trên con đường học vấn khi giành được học bổng CIFRE (CIFRE là một loại học bổng kỹ sư lớn nhất ở Pháp) dành cho nghiên cứu sinh để tiếp tục làm tiến sĩ, theo đuổi ước mơ khoa học. Đề tài nghiên cứu sinh của Hoa sử dụng dữ liệu mới nhất của vệ tinh Sentinel-1A, là vệ tinh viễn thám tối tân của ESA vừa được phóng lên quỹ đạo năm 2014. Khu vực nghiên cứu là các vựa lúa lớn nhất ở Việt Nam.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Phan Thị Hoa và poster giới thiệu công trình nghiên cứu của mình tại hội nghị Living Planet Symposium 2016. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Hành trình mang bản đồ Việt Nam đến hội nghị lớn nhất hành tinh

Khoa học và công nghệ vũ trụ hiện nay đang là chương trình trọng điểm quốc gia của Việt Nam. [6] Mặc dù sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn chưa được nhiều người biết đến (do lĩnh vực này không có những ảnh hưởng ngắn hạn hoặc trực tiếp đến đời sống hàng ngày), thì khoa học và công nghệ vũ trụ vẫn đang mang lại nhiều kết quả quan trọng đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội và khoa học - công nghệ ở Việt Nam. Đối với một nghiên cứu sinh ở nước ngoài như Phan Thị Hoa, việc được tham gia vào một dự án lớn của ESA nghiên cứu về tình trạng nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là một niềm hành phúc rất lớn. Dự án nghiên cứu sử dụng các dữ liệu mới nhất của vệ tinh Sentinel-1A của ESA để theo dõi sự suy giảm các vùng trồng lúa ở vựa lúa lớn nhất Việt Nam do ảnh hưởng của El Niño.

Video: Vệ tinh Sentinel-1A của ESA quan sát vùng trồng lúa ở Việt Nam. Credit: modified Copernicus Sentinel data (2015–16)/CESBIO/ESA DUE GEO-Rice Innovator project

Kể từ cuối năm 2015, điều kiện khô hạn kết hợp với El Niño đã ảnh hưởng lớn Đông Nam Á, dẫn đến hạn hán nghiêm trọng, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, mực nước sông đang ở mức thấp nhất được ghi nhận trong 90 năm qua ở nhiều nơi, gây xâm nhập mặn nghiêm trọng hơn và sớm hơn so với những năm trước.

Nghiên cứu dựa trên sự tán xạ sóng điện từ của radar (dữ liệu ảnh vệ tinh Sentinel-1 của ESA) theo dõi vùng đồng bằng sông Cửu Long - một trong những vùng trồng lúa lớn nhất thế giới - đã cho thấy sự sụt giảm đáng kể về diện tích trồng lúa và năng suất trong năm qua, minh họa rõ ràng sự ảnh hưởng của El Niño đối với an ninh lương thực thế giới. [7]

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Phan Thị Hoa và cuộc sống ở châu Âu. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Mục đích chính của nghiên cứu này là để tăng cường thông tin giám sát cây trồng kịp thời với vệ tinh quan sát Trái Đất để giúp giảm bớt sự bất ổn giá lương thực (tác động trực tiếp bởi năng suất sản phẩm), giám sát các giai đoạn sinh trưởng khác nhau tạo điều kiện thuận lợi cho sự thay đổi trong kỹ thuật canh tác, cải thiện ước tính thống kê nông nghiệp trên toàn quốc, và quan trọng nhất là hoạch định chính sách, kế hoạch sản xuất, đánh giá hoặc dự báo thiệt hại do thiên tai.

Kết quả của nghiên cứu mang tầm ảnh hưởng quan trọng đối với an ninh lương thực thế giới của biến đổi khí hậu, vì thế đã được chọn trình bày trong cả 2 phần giới thiệu của tổng giám đốc cơ quan không gian Châu Âu (ESA) Johann-Dietrich Woerner, và giám đốc chương trình khoa học trái đất ESA - Volker Liebig trong phần mở đầu hội nghị trước hơn 3500 người, sau đó đã được trình bày bởi các nhà khoa học khác trong suốt hội nghị về mảng ứng dụng vệ tinh radar.

Chia sẻ với Vật Lý Thiên Văn, Hoa cho biết: "Là người Việt Nam, khi mình làm một cái gì đó có thể giúp ích cho quê hương, bản thân cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào. Kết quả của nghiên cứu này sử dụng dữ liệu của vệ tinh tối tân nhất thế giới, áp dụng trên toàn diện tích đất nước Việt Nam, và quan trọng nhất là người Việt thật tự hào khi được làm cho nước Việt."

"Thành công bước đầu này sẽ là bước thuận lợi để mình có thể tiến xa hơn nữa trên con đường nghiên cứu khoa học. Khi thông tin này được đăng lên, mình hy vọng sẽ góp một phần nhỏ tiếp thêm động lực cho nhiều bạn trẻ ở Việt Nam thêm đam mê và niềm tin vào con đường khoa học, vượt lên nghèo khó để chạm đến thành công."

Tham khảo:

  1. Khai mạc hội nghị Living Planet Symposium 2016 (bản tin của ESA): http://www.esa.int/Our_Activities/Observing_the_Earth/Living_Planet_Symposium/Spotlight_on_our_living_planet
  2. Khai mạc hội nghị Living Planet Symposium 2016 (Video): http://www.esa.int/spaceinvideos/Videos/2016/05/Opening_session_Living_Planet_2016
  3. Chương trình Vật lý tiên tiến, Đại học Huế: https://vatlytientien.wordpress.com/
  4. Trường Đại học Việt Pháp (USTH): http://www.usth.edu.vn/
  5. Chương trình thạc sĩ vũ trụ (USTH): http://www.usth.edu.vn/space
  6. Chương trình Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Việt Nam: http://spaceprogram.vast.vn/
  7. Ảnh hưởng của El Niño đến sự suy giảm diện tích trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam: http://www.esa.int/Our_Activities/Observing_the_Earth/Copernicus/Sentinel-1/Sentinel-1_sees_rice_paddy_drop_in_the_Mekong_Delta