Ngay lúc này, phần lớn người dân trên toàn thế giới đang sống cách biệt để "là phẳng đường cong" và giảm thiểu sự lây lan của virus corona SARS-CoV-2. Nhưng thật khó để thích nghi với chuyện giãn cách xã hội và cách ly, đặc biệt đối với những ai hay đi lại, du lịch và lượn lờ với bạn bè.

May mắn thay, các phi hành gia là những người có kinh nghiệm đầy mình về sống cách biệt, và họ có một vài lời khuyên về mặt chuyên môn.

Trong một cuộc phỏng vấn qua vệ tinh với CBS This Morning, cựu phi hành gia NASA Peggy Whitson, người nắm giữ kỷ lục của NASA với tổng cộng 665 ngày sống trên vũ trụ chia sẻ: “Sống cách biệt thực ra là chuyện có thể làm được, nhưng điều rất quan trọng là phải biết tương tác tốt với những người bạn đang ở cùng, sống cùng."

Bà tiếp tục so sánh chi tiết tình hình hiện tại trên Trái Đất với chuyện các phi hành gia sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và đưa ra bí quyết xử lý các vấn đề phát sinh trong tình trạng sống cách biệt như thế.

"Khá nhiều người đang cố gắng vừa làm việc ở nhà vừa làm cha làm mẹ, ở nhà họ còn có một gia đình và thế là mọi thứ trở nên vô cùng nan giải," Whitson nói. "Nhưng nó giống như những gì chúng tôi đã làm trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Phi hành đoàn trạm vũ trụ đã trở thành gia đình của chúng tôi trên quỹ đạo và chúng tôi không những phải làm việc với họ suốt ngày, mà còn chẳng thể về nhà vào ban đêm. Chúng tôi ở lại đó trên trạm và cũng phải tương tác với nhau. "

Để mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, các phi hành gia chuẩn bị kĩ từ trước cho những áp lực lên mối quan hệ giữa các cá nhân. "Thực sự chúng tôi huấn luyện các phi hành gia nâng cao những kĩ năng đó bởi vì chúng tôi muốn mọi người ăn ý với nhau trên trạm vũ trụ", bà nói. "Bạn không được chọn phi hành đoàn của mình, bạn cứ thế mà lên đó và bạn phải làm tốt nhất trong mọi tình huống." 

Ngoài ra, tất nhiên rủi ro trên đó cao khủng khiếp. "Cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc lẫn nhau, vì vậy chuyện này quan trọng", Whitson nói.

Và thế là các phi hành gia phát triển "các kỹ năng đoàn thám hiểm", như làm việc và sống theo nhóm, để ứng phó với những hoàn cảnh như vậy. "Bạn phải có khả năng giao tiếp hiệu quả", Whitson nói.

Whitson cũng cho hay một nhân tố quan trọng giúp các phi hành gia giữ tinh thần lạc quan trong môi trường làm việc của họ là "một mục tiêu cao cả", hay ý nghĩa lớn lao của công việc họ đang làm. Nhưng trong khi công việc của phi hành gia giúp mở mang tri thức và khám phá của con người, Whitson cho rằng việc chúng ta ở nhà lúc này cũng có một ý nghĩa cao đẹp.

"COVID-19 cho chúng ta một mục tiêu cao cả giống như lên vũ trụ bởi vì chúng ta đang cứu mạng người bằng việc cách ly", bà nói. "Điều quan trọng là phải hiểu được mục đích cao cả đó và lấy đó làm lẽ sống để tiếp tục đối mặt với hoàn cảnh."

Cuối cùng, gửi tới những người đang buồn chán hay bồn chồn ở nhà, Whitson nói rằng, trên trạm vũ trụ, "Tôi sẽ bắt tay vào làm những việc mà trước giờ mình vẫn nghĩ đến." Bà đề nghị mọi người ở nhà tự hỏi: "Bạn sẽ làm những việc gì nếu bạn có nhiều thời gian hơn? Đọc sách chăng? Hay là làm thơ, sáng tác nghệ thuật? Bạn đang ấp ủ điều gì?"

Phi hành gia Peggy Whitson trong một cuộc đi bộ không gian trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Ảnh: NASA.

Lời khuyên từ Scott

Cựu phi hành gia NASA Scott Kelly, người chiếm nhiều mặt báo khi tham gia vào "Nghiên cứu Song sinh" trên trạm vũ trụ vào năm 2015 và 2016, cũng đưa ra một vài kinh nghiệm quý báu về sống cách biệt trên tờ Thời báo New York.

Đầu tiên, Kelly lưu ý rằng lịch trình nghiêm ngặt của phi hành gia (bao gồm cả việc đều đặn đi ngủ đúng giờ) đã giúp ông ấy có sức và động lực. "Bạn sẽ thấy việc duy trì một kế hoạch sẽ giúp bạn và cả nhà thích nghi với sự thay đổi môi trường làm việc và đời sống gia đình", ông viết. "Khi tôi trở lại Trái đất, tôi nhớ sự quy củ mà nó mang lại và thấy khó mà sống thiếu điều đó."

Tuy nhiên, ông nói rằng điều quan trọng là phải nhịp nhàng để không bị cuốn theo công việc và danh sách việc cần làm. "Dành thời gian cho các hoạt động giải trí: Tôi và phi hành đoàn tụ tập xem phim buổi tối, lai rai và cày hết "Trò chơi vương quyền" —  hai lần, ông kể.

Khi ở ngoài không gian, rõ ràng Kelly không có cơ hội để ra ngoài hít thở không khí trong lành, và ông nói rằng đã nhận thấy sự khác biệt. "Sau khi bị giam cầm trong một khoảng không gian hẹp mấy tháng trời, tôi thực sự bắt đầu thấy thèm thiên nhiên - màu xanh lá cây, mùi bùn đất tươi và cảm giác nắng ấm trên mặt", ông nói, khuyên mọi người nên tìm cách bước ra ngoài, đi lại một chút và hít thở không khí trong lành. "Tôi thấy mừng khi trong tình cảnh hiện tại, mình có thể bước ra ngoài bất cứ lúc nào tôi muốn để tản bộ mà không cần mặc đồ phi hành gia. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dành thời gian với thiên nhiên có lợi cho sức khỏe tinh thần và thể chất, cũng như tập thể dục vậy", ông cho biết thêm. 

Nói về những gợi ý làm gì trong khi sống cách biệt, Kelly khuyên mọi người nên chọn những sở thích như đọc sách, chơi nhạc, sáng tác nghệ thuật và viết nhật ký.

Và ông liên hệ cách các phi hành gia trên trạm vũ trụ kết nối với bạn bè và gia đình trên Trái đất: gọi video. Ông đề xuất liên lạc với bạn bè và gia đình để đảm bảo rằng trong khi giữ an toàn và cách ly về mặt vật lý, chúng ta không xa cách các mối quan hệ có thể giúp mình vượt qua nghịch cảnh.

Chris lại tiếp tục tham gia

Cựu phi hành người Canada Chris Hadfield không lạ gì với các video trực tuyến. Trong chuỗi video ông thực hiện trên trạm vũ trụ, Hadfield đã cho cả thế giới thấy sống trên vũ trụ là như thế nào. Ông đã trình diễn cách rửa tay trên vũ trụ, cách đánh răng trên vũ trụ và thậm chí làm thế nào để tạo ra những món ăn ngon khi ở trên vũ trụ.

Giờ ông lại tiếp tục và vào thứ bảy (21 tháng 3), ông đã chia sẻ một video có tên "Hướng dẫn Tự Cách ly từ một Phi hành gia" trên trang YouTube cá nhân của mình để giúp mọi người tìm được lối sống trong hoàn cảnh đại dịch mới này.

"Tôi đã dành chút thời gian sống cách biệt trên tàu vũ trụ", Hadfield nói. "Bạn biết đấy, môi trường trên trạm vũ trụ cực kỳ nguy hiểm và dù vậy, chúng tôi vẫn tìm cách vươn lên và làm việc hiệu quả khác xa với cuộc sống thường ngày."

Hadfield chia sẻ một quy trình gồm bốn bước mà các phi hành gia sử dụng để đối phó với sự cách biệt mà họ phải đối mặt trên trạm vũ trụ mà giờ đây mọi người có thể áp dụng vào cuộc sống.

Trước hết, ông đề nghị mọi người làm một số nghiên cứu. "Hiểu được rủi ro thực tế, đừng chỉ sợ mọi thứ", ông nói. "Tìm đến một nguồn đáng tin cậy và tìm hiểu những gì thực sự là rủi ro mà bạn phải đối mặt ngay lúc này — bạn, gia đình, bạn bè của bạn, những người mà bạn quan tâm."

Thứ hai, ông đề nghị mọi người xem xét mục tiêu của họ. "Bạn đang cố gắng đạt được điều gì? Mục tiêu của bạn là gì? Nhiệm vụ của bạn lúc này là gì?".

Thứ ba, ông đề nghị mọi người chú tâm đến các ràng buộc liên quan đến các mục tiêu đó. "Ai đang bảo bạn cần làm những gì? Bạn có nguồn lực tài chính nào? Nghĩa vụ của bạn là gì?"

Thứ tư, và cuối cùng, ông nhắc nhở mọi người hành động. "Một khi bạn hiểu được rủi ro và nhiệm vụ của bạn, ý thức của bạn về mục đích và nghĩa vụ của bạn, sau đó hãy hành động, bắt đầu làm mọi thứ", ông nói. "Không nhất thiết phải là những thứ mà bạn luôn làm trước đây. Hãy chăm sóc gia đình, bắt đầu một dự án mới, học chơi guitar, học một ngôn ngữ khác, đọc một cuốn sách, viết, sáng tạo. Đây là cơ hội để làm điều gì đó khác biệt mà có thể trước kia bạn chưa làm và sau đó, lặp lại."

Hadfield nói thêm rằng chưa có lúc nào tốt hơn để tự cách ly vì bây giờ rất nhiều người có thể truy cập internet, và gần như là có vô số thông tin và những thứ để đọc và thưởng thức.

“Chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình, chăm sóc bạn bè, chăm sóc con tàu vũ trụ của bạn," ông nói. "Chúc mọi người hạ cánh an toàn.”

Theo Space.

Tham khảo