Trước khi gia nhập một câu lạc bộ thiên văn nào, bạn cũng cần tự trang bị trước cho mình một số vốn kiến thức và kỹ năng nhất định, mà đầu tiên là hãy tập xác định các đối tượng tốt nhất dành cho mắt thường.

MỤC LỤC

A. Trước khi gia nhập CLB

1. Nhìn lên bầu trời

Thiên văn học là một sở thích thiên nhiên ngoài trời, vì vậy cách tốt nhất để bắt đầu là đi ra ngoài vào ban đêm và tìm hiểu tên và các mẫu sao trên cao.

Trước khi có bất cứ điều gì khác (ngoại trừ việc khoan vội mua kính thiên văn đầu tiên), hãy bắt đầu tìm kiếm mọi cơ hội mà bạn có được. Điều đó có vẻ hiển nhiên, nhưng bạn thực sự nên cố gắng có ý thức việc hướng mắt lên bầu trời. Hãy đi ra ngoài ít nhất một lần mỗi đêm. Bắt đầu làm quen với các sự sắp xếp các vật thể trên bầu trời, bạn thậm chí chưa cần biết tên của chúng đâu, chỉ cần cố gắng để ý hình dạng đặc biệt các mảng sao trên bầu trời.

Ngay cả khi bạn sống trong một thành phố lớn bị ô nhiễm ánh sáng khủng khiếp, bạn vẫn có thể chọn ra những đối tượng sáng hơn, như Sao Kim, Mặt Trăng, Sao Mộc, Lạp Hộ, Bắc Đẩu, cụm sao Thất Nữ, và sao Bắc Cực. Không phải tất cả những thứ này sẽ xuất hiện mọi lúc, nhưng nếu bạn phát hiện ra chúng, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy vị trí của chúng thay đổi như thế nào trong suốt cả năm.

Hãy sử dụng một tấm bản đồ sao, hoặc các ứng dụng trên điện thoại của bạn, để hỗ trợ cho việc nhận diện và tìm kiếm các đối tượng trên bầu trời. 

Hãy mua hoặc tự làm cho mình một tấm bản đồ sao quay, thực sự rất rẻ, trong đó hiển thị các chòm sao có thể áp dụng cho bất cứ thời gian nào trong năm.

Mỗi khi nhìn lên và thốt ra, "Đó là Polaris" hoặc "Đó là Sao Thổ" sẽ mang lại niềm vui, và nhận thức về vị trí của bản thân trong vũ trụ.

Vào nhiều thời điểm trong suốt chiều dài lịch sử, sự hiểu biết không hoàn hảo của chúng ta về bầu trời đã khiến mọi người tin rằng các ngôi sao là những điểm sáng cố định gắn với một quả cầu lớn quay quanh trái đất. Nếu chỉ thông qua việc nhìn lên bầu trời hằng đêm bằng mắt thường và thấy mọi thứ chuyển động và thay đổi như thế nào, bạn có thể cảm nhận được điều đó ở mức độ trực quan. Có thể thấy rõ rằng chúng chỉ là những điểm sáng trên một quả cầu lớn tưởng tượng, điểm trên cùng nằm trên Polaris, sao Bắc Cực, quay chậm từ tây sang đông. Tất nhiên ngày nay chúng ta biết không phải là như vậy mà lo bản thân Trái Đất của chúng ta quay và di chuyển trên quỹ đạo, nhưng đó là một hệ quy chiếu hợp lệ để hiểu chuyển động của các tầng trời trong mối quan hệ với Trái đất. Nó thực sự hình dung giống như một quả cầu khổng lồ mà người xưa gọi là thiên cầu!

Hình A.1.1. Nhóm sao Bắc Đẩu rất dễ nhận thấy trên bầu trời.

Hình A.1.2. Sử dụng bản đồ sao để xác định các ngôi sao trong nhóm sao Bắc Đẩu.

2. Các đối tượng tốt nhất dành cho mắt thường

Dưới đây là danh sách nhanh các mục tiêu tuyệt vời để quan sát thiên văn mà không cần trợ giúp của các công cụ quang học:

  1. Mặt Trăng - người hàng xóm gần nhất của chúng ta và thường bị bỏ qua vì… tháng nào cũng thấy. Hãy tìm một tấm bản đồ Mặt Trăng để nhận biết các đặc điểm bề mặt của vệ tinh tự nhiên này. Bạn có biết đó không phải là chú Cuội, cây đa, chị Hằng, con Thỏ hay chú Trâu nào cả.
  2. Các hành tinh - Sao Kim và Sao Mộc thường nổi bật ngay khi mọc lên, còn Sao Thổ khá sáng, và khi Sao Hỏa ở gần, hành tinh này thực sự có màu đỏ!
  3. The Big Dipper - chiếc Gáo Lớn, nhóm sao Bắc Đẩu. Là một phần của chòm sao Gấu Lớn (Ursa Major, Great Bear), đây có lẽ là nhóm sao quen thuộc nhất với bất kỳ ai ở Bắc bán cầu. Ở gần và trong khu vực này có chứa một số vật thể có thể nhìn thấy qua kính thiên văn và nó có thể được sử dụng để tìm một số ngôi sao quan trọng như sao Bắc Cực (Polaris), Arcturus, Spica và sao Chức Nữ (Vega). Nhóm sao này quan sát tốt nhất là vào mùa hè.
  4. Orion - chòm sao Lạp Hộ. Orion là một chòm sao rất xuất hiện rõ trên bầu trời mùa đông, và nó chứa vật thể sâu được nhiều người yêu thích, Tinh vân Orion. Tinh vân này có thể nhìn thấy lờ mờ khi quan sát tại một vùng trời tối. Orion cũng chứa Betelgeuse, ngôi sao màu đỏ rất hữu ích để xác định vị trí của nhiều ngôi sao khác bao gồm Castor, Pollux, Aldebaran, sao Thiên Lang (Sirius) và Procyon.
  5. Pleiades - Thất Nữ, một cụm sao rất sáng, rất xanh. Thực sự rất đẹp! Nhìn thoáng qua có thể mường tượng chúng như một chiếc gáo mini, vì chúng giống như những chiếc gáo lớn và nhỏ.
  6. Dải Ngân Hà - Chỉ có thể nhìn thấy từ một địa điểm có bầu trời tối, Dải Ngân Hà là mặt cắt của thiên hà được nhìn từ bên trong. Sự tập trung số lượng sao khổng lồ làm cho nó giống như một dòng sông ánh sáng tràn qua bầu trời.
  7. Cung Thủ - Có thể nhìn thấy từ Bắc bán cầu vào mùa hè trên bầu trời xa xôi phía Nam, nó được cho là mang hình ảnh của một người thợ săn, nhưng với đa số chòm sao này dễ dàng nhận biết thông qua một phần trông giống chiếc ấm trà lớn. Trung tâm của thiên hà của chúng ta nằm theo hướng của chòm sao này.
  8. Mưa sao băng - Đây là điều thú vị mà ai cũng muốn được một lần chứng kiến bất cứ khi nào có cơ hội. Nếu bạn có thể tìm thấy khu vực có bầu trời tối trong khoảng thời gian của một trong những trận mưa sao băng này, hãy dành chút thời gian để săn sao băng nhé. Mưa sao băng Anh Tiên (Perseids) đặc biệt tuyệt vời ở chỗ đó là một trận mưa sao băng lớn và xảy ra vào mùa hè nên rất ấm áp. VLTV luôn có kế hoạch cho một buổi cắm trại vào cuối tuần mỗi dịp mưa sao băng này, nhưng thỉnh thoảng, Mặt Trăng ngu ngốc sẽ trở nên ngu ngốc vào một cuối tuần ngu ngốc nào đó.
  9. ISS - Trạm vũ trụ quốc tế thực sự rất sáng khi nó xuất hiện trên cao! Kiểm tra trang web này để tìm thông tin về thời điểm ISS xuất hiện trong khu vực của bạn.
  10. Các sự kiện thiên thực. Bạn có thể theo dõi trang web vatlythienvan.com thường xuyên để biết lịch các sự kiện thiên văn sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới. Nguyệt thực hoặc nhật thực sẽ càng tuyệt vời nếu bạn có thể tổ chức quan sát với một nhóm bạn!

3. Cân nhắc kỹ trước khi mua sắm dụng cụ thiên văn học

Hãy khoan vội mua một chiếc kính thiên văn!

Đây là việc đầu tiên mọi người thường làm và có lẽ là sai lầm lớn nhất mà rất nhiều người quan tâm đến thiên văn học đều mắc phải. Rất nhiều người nghĩ rằng một nhà thiên văn học cần phải có kính thiên văn, và họ chọn mua một trong những chiếc kính thiên văn rẻ tiền có thể dễ dàng tìm thấy dễ dàng trên tiki, shopee và các trang thương mại điện tử khác.

Hình A.3.1. Đừng mua những chiếc kính thiên văn kiểu này.

Những người đã mắc phải sai lầm này đúc kết lại sau một thời gian bằng cách đặt tên cho những chiếc kính thiên văn đó - họ gọi chúng là những vũ khí tiêu diệt niềm đam mê. Những chiếc kính thiên văn đó cực kỳ khó sử dụng và dễ khiến người ta bực bội. Chất lượng của chúng thực sự không tốt cho nhiều thứ ngoại trừ việc ngắm nhìn Mặt Trăng, và mặc dù sở hữu một chiếc kính thiên văn là điều chắc chắn là phải làm, nhưng đừng thực hiện điều đó khi chưa có sự nghiên cứu kỹ càng. Bởi khi muốn tìm hiểu thiên văn một cách nghiêm túc thì những chiếc kính như vậy thật sự là điều khủng khiếp khi mà bạn chỉ sử dụng một vài lần và sau đó cất nó đi. Điều đó khiến bạn tin rằng bản thân đã làm sai điều gì đó. Và rồi bạn bỏ cuộc.

Bạn có thể sẽ muốn có một chiếc kính thiên văn vào một ngày nào đó, nhưng chưa phải là lúc này khi mà bạn chưa chắc chắn biết mình muốn loại kính nào. Có rất nhiều lựa chọn ngoài kia, và bạn nên dành một chút thời gian để tìm hiểu về chúng trước khi quyết định mua một cái (hãy tìm hiểu thêm về điều đó ở bước sau).

Nếu bạn thực sự phải chi một số tiền cho một thứ gì đó, hãy mua một Planisphere - bản đồ sao quay. Đây là một tài nguyên rất hữu ích mà bạn sẽ sử dụng thường xuyên và chỉ có giá vài chục nghìn bạc lẻ mà thôi.

Ngoài ra một chiếc bút chỉ sao laser màu xanh lá cây cũng thực sự hữu ích. Ngày nay, chúng rất rẻ và nếu bạn đang có ý định lôi kéo bất kỳ ai khác tham gia vào một buổi ngắm sao của mình, những chiếc bút laser này là công cụ thật sự tuyệt vời khi bạn có thể chỉ cho người khác thấy những gì bạn đang thấy. Ngoài ra, chúng rất vui! Nhưng nhớ đảm bảo sự an toàn cho người và thiết bị xung quanh nhé.

4. Hãy đầu tư một cặp ống nhòm tốt

Tại thời điểm này, bạn vẫn chưa cần đến kính thiên văn, nhưng ống nhòm có thể là một khoản đầu tư tốt. Ống nhòm rất hay vì bạn có thể sử dụng chúng cho những việc khác chứ không chỉ là thiên văn học. Nó sẽ luôn luôn là người bạn đồng hành tuyệt vời khi bạn đi đến những vùng hoang dã. Mặc dù ống nhòm không được ổn định như kính thiên văn, nhưng với một số hoạt động cụ thể, chúng là một lựa chọn rất tốt để giúp bạn nhìn ngắm một chút chi tiết về bề mặt Mặt Trăng, các hành tinh hoặc thậm chí là tinh vân Orion.

Ống nhòm đặc biệt tuyệt vời trong việc hiển thị chi tiết hơn các vật thể quan sát bằng mắt thường như Mặt trăng và các hành tinh, hoặc chia tách các vật thể đôi dễ dàng như cặp sao Mizar và Alcor trong cái tay cầm của Chiếc Gàu sòng Lớn.

Ống nhòm có thể được xem như là chiếc "kính thiên văn đầu tiên" lý tưởng vì một số lý do:

  • Ống nhòm hiển thị cho bạn một trường nhìn rộng, giúp bạn dễ dàng tìm kiếm xung quanh. Kính viễn vọng công suất cao hơn phóng đại chỉ một vùng bầu trời nhỏ, nên rất khó định vị.
  • Ống nhòm cũng hiển thị chế độ xem ở hướng thẳng về phía trước của bạn, giúp bạn dễ dàng nhìn thấy nơi bạn đang chỉ tay đến. Ngược lại, chế độ xem của kính thiên văn thiên văn thường bị lộn ngược, đôi khi cũng được phản chiếu qua gương chéo đảo ảnh và chỉ ghé mắt nhìn ở một góc vuông so với hướng bạn đang nhắm tới.
  • Ống nhòm cũng tương đối rẻ, phổ biến rộng rãi, dễ dàng mang theo và cất giữ.

Hình A.4.1. Hãy đầu tư một cặp ống nhòm tốt.

Hiệu suất của ống nhòm là đáng kinh ngạc. Ống nhòm có công suất từ 7 đến 10 thông thường cải thiện tầm nhìn bằng mắt thường ngang với một kính thiên văn nghiệp dư tốt với giá thấp hơn nhiều.

Đối với thiên văn học, các thấu kính phía trước kích thước càng lớn càng tốt. Chất lượng quang học cao cũng rất quan trọng với ống nhòm ngắm sao đêm khi so với ống nhòm chỉ sử dụng cho quan sát ban ngày. Những chiếc ống nhòm có chế độ ổn định hình ảnh hiện đại là một lợi ích to lớn cho thiên văn học (mặc dù đắt tiền), nhưng bất kỳ chiếc ống nhòm nào đã có mặt trong tủ đồ của bạn cũng đủ để khởi động sự nghiệp thiên văn học nghiệp dư rồi đấy.

Khi đã sở hữu một cặp ống nhòm trong tay, hãy thử tự tay dùng ống nhòm để chiếu ảnh Mặt Trời lên nền sân hoặc mặt phẳng. Bằng cách này bạn có thể dễ dàng quan sát Mặt Trời một cách gián tiếp trong các sự kiện nhật thực, quá cảnh, và thậm chí là tìm kiếm các vết đen Mặt Trời.

(Còn tiếp...)

Tham khảo

  1. Instructables: How to Get Started in Amateur Astronomy
  2. Sky and Telescope: Astronomy for beginners: how to get started in backyard astronomy