Tự học và tìm hiểu một mình cũng được, nhưng không có gì bằng việc chia sẻ mối quan tâm với người khác. Đây là thời điểm mà bạn đã chuyển sang cấp độ tiếp theo. Bạn sẽ học được nhiều thứ hay ho khi tham gia vào một Câu lạc bộ Thiên văn học, đặc biệt là học cách hạ cái tôi bản thân và tính kiên trì.

MỤC LỤC

(Tiếp theo và hết)

B. Sau khi gia nhập Câu lạc bộ Thiên văn học

1. Hãy chấp nhận một thực tế phũ phàng

Bạn có thể đã nhìn thấy Sao Thổ to bằng cả trang giấy trong một số hình ảnh từ sách, báo, tạp chí và internet. Khi tham dự bữa tiệc sao của một Câu lạc bộ thiên văn học, bạn sẽ có cơ hội nhìn vào các kính viễn vọng 5” và 9,25" để quan sát Sao Thổ. Đó là một trải nghiệm thực sự tuyệt vời mà không phải ai cũng có điều kiện nhìn thấy tận mắt một lần trong đời. 

Tuy nhiên không phải ai cũng háo hức với trải nghiệm tuyệt vời đó. Những gì bạn nhìn thấy qua kính thiên văn là một quả cầu có vành đai bé tí xíu, màu nhợt nhạt và thiếu chi tiết. Một phần bộ não của bạn đang mong đợi được nhìn thấy hình ảnh của một Sao Thổ to bằng cả trang sách như những gì bạn đã tìm thấy từ các hình ảnh trên mạng. Hãy đón nhận thực tế rằng bạn đã bị hình ảnh của Hubble làm hỏng ấn tượng ban đầu của bản thân.

Sự thật đơn giản của vấn đề là, những gì bạn nhìn thấy qua kính viễn vọng sẽ không bao giờ khớp với những hình ảnh bạn có thể tìm thấy được chụp bởi Hubble, Spitzer và các đài quan sát tuyệt vời khác. Có một số lý do cho điều này:

  1. Bầu khí quyển - Trừ khi bạn sống trên đỉnh Andes hoặc trong không gian, bạn sẽ không phải chịu sự thay đổi, dao động, bóp méo của không khí đối với những gì bạn đang nhìn.
  2. Độ mở - Kính viễn vọng Không gian Hubble có kích thước đến 2,4 mét. Nó rất lớn và làm cho hình ảnh Sao Thổ trông hoàn toàn tuyệt vời. Hơn thế nữa Hubble không những không phải đối phó với bầu khí quyển, nó còn có một chiếc gương với diện tích tập hợp ánh sáng lên đến 4,525 mét vuông!
  3. Thời gian phơi sáng - Đôi mắt của bạn chỉ có thể thu thập rất nhiều photon cùng một lúc, ngay cả khi có sự trợ giúp của một chiếc kính thiên văn lớn. Nếu một kính thiên văn được nối với máy ảnh CCD, thì bạn sẽ có thêm khả năng xếp chồng hình ảnh, nâng cao chất lượng nhiều hơn những gì mắt bạn có thể làm được.
  4. Màu sai - Hình ảnh từ các đài quan sát sẽ có các màu khác nhau được thêm vào để thể hiện ánh sáng thu thập từ tia hồng ngoại hoặc tia X, hoặc các vạch phát xạ của hydro và oxy. Đó là những bước sóng mà đôi mắt của bạn không thể nhìn thấy.

Tất cả những điều này cộng lại tạo nên một thực tế là mọi thứ thoạt đầu trông không thú vị như những hình ảnh mà chúng ta đã xem trước. Thường nhiều người sẽ có xu hướng thất vọng vì nó trông không giống như các bức ảnh tìm kiếm trên Google và chuyển sang đối tượng tiếp theo. Tuy nhiên, nếu bạn dành một chút thời gian để quan sát một đối tượng, bạn sẽ bắt đầu nhận ra những chi tiết mà trước đây bạn chưa tận mắt nhận thấy. Nếu bạn cho bản thân thêm thời gian, đôi mắt của bạn có thể nhận ra một lượng chi tiết đáng ngạc nhiên! Ngoài ra, có một thực tế rằng đây là những photon đã thực sự đi qua khoảng không rộng lớn và rơi vào chính nhãn cầu của bạn.

Hình B.1.1. Sao Thổ của Hubble và Sao Thổ của bạn.

Vấn đề là, đừng mong đợi các bản in màu sai bóng loáng từ các tạp chí bên trong kính thiên văn của bạn. Bạn vẫn sẽ thấy những điều tuyệt vời, nhưng đừng để Hubble làm hỏng điều đó. Nếu tất cả những gì bạn muốn từ thiên văn học là những màu sắc bóng bẩy đầy đủ chi tiết, hãy đừng mua một chiếc kính thiên văn, nếu không bạn sẽ liên tục thất vọng. Và điều đó cũng không sao cả. Có rất nhiều nơi trong cộng đồng thiên văn học nghiệp dư dành cho những người không có kính thiên văn!

2. Mua hoặc chế tạo một chiếc kính thiên văn

Cuối cùng bạn sẽ biết lúc nào bản thân đã sẵn sàng. Bạn sẽ dành hàng giờ để xem xét các quảng cáo và các bài đánh giá. Bạn sẽ biết các loại kính thiên văn khác nhau, những gì bạn có thể mong đợi ở chúng và những gì bạn sẽ làm với loại mà bạn chọn.

Tại thời điểm này, bạn đang cân nhắc đầu tư vào một kính viễn vọng. Chắc chắn phải tham dự các bữa tiệc sao và thử các loại kính thiên văn khác nhau mà các thành viên mang đến. Họ sẽ rất vui khi nói chuyện với bạn về cấu hình chiếc kính của họ cũng như những ưu điểm và nhược điểm của nó. Bằng cách này, nếu cuối cùng bạn đi đến quyết định đầu tư vào một chiếc kính thiên văn, bạn sẽ có cảm nhận về loại kính mà bạn thích sử dụng nhất. Nếu câu lạc bộ của bạn có thể cho mượn dùng thử, hãy tận dụng điều đó trước khi bắt đầu vung tiền!

Hãy nói chuyện với những người trong câu lạc bộ của bạn. Rất có thể tất cả họ đều có những chiếc kính thiên văn cũ bám bụi, và muốn chia tay để nâng cấp lên các dòng kính thiên văn cao cấp hơn. Ngoài ra, vì họ là những người đam mê thực sự và hiện tại, kính thiên văn của họ có thể đang ở trong tình trạng khá tốt.

Bạn có thể không ngại bỏ chút công sức săn lùng kính thiên văn cũ để tránh mua kính mới đắt tiền. Tuy nhiên, có lẽ hầu hết mọi người đều thích có một món đồ mới, đặc biệt là một thứ gì đó tinh vi và khó sửa chữa như thế này. Nếu bạn muốn đi theo con đường đó, trước tiên hãy nói chuyện với những người trong câu lạc bộ thiên văn học để có ý tưởng về nơi mua trong phạm vi địa lý và khả năng tài chính cụ thể của bạn. 

Đây không phải là lúc để tiết kiệm chất lượng cho các kính thiên văn rẻ tiền; hãy tránh xa phạm vi "cửa hàng bách hóa" và các cửa hàng bán đồ chơi có thể đã xuất hiện trong lúc bạn tìm kiếm trên internet. Kính thiên văn bạn muốn mua có hai yếu tố cần thiết. Thứ nhất là một chân đế chắc chắn, ổn định, hoạt động trơn tru. Thứ hai là hệ quang học chất lượng cao, độ phân giải quang học tốt.

Đương nhiên, bạn cũng sẽ muốn khẩu độ lớn (kích thước lớn), nhưng đừng đánh mất tính di động và tiện lợi. Hãy nhớ rằng, kính thiên văn tốt nhất cho thiên văn học dành cho người mới bắt đầu là kính mà bạn sẽ sử dụng nhiều nhất. Đôi khi những người mới làm quen với thiên văn học bỏ quên điều này và mua một "con voi trắng" khổng lồ, rất khó để mang theo, lắp ráp và tháo dỡ, vì vậy nó hiếm khi được sử dụng. Bạn trở thành một nhà thiên văn học giỏi như thế nào không phụ thuộc vào thiết bị của bạn là gì, mà là mức độ bạn sử dụng nó. (Để biết thêm các mẹo cụ thể về việc mua, hãy đọc loạt bài "Hướng dẫn chọn kính thiên văn và ống nhòm cho người mới bắt đầu").

Nhiều kính thiên văn mới có máy tính và động cơ tích hợp, về lý thuyết, có thể hướng ống kính đến bất kỳ thiên thể nào chỉ bằng một vài nút nhấn (sau khi bạn thực hiện một số thiết lập và căn chỉnh ban đầu). Các ống kính dạng "Go-to" (tự động tìm mục tiêu) này rất thú vị khi sử dụng và chắc chắn có thể giúp bạn xác định vị trí các khu vực mà bạn có thể bỏ qua. Nhưng các ý kiến ​​trong thế giới thiên văn học nghiệp dư đang chia rẽ về việc liệu "lái chiếc xe tự động lái", ít nhất là đối với người mới bắt đầu, có khiến bạn không thể tự “học lái” được hay không. Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là bạn phải tự trang bị cho mình kỹ năng năng sử dụng bản đồ sao và kiến thức về các chòm sao để có thể tìm đối tượng quan sát cho chiếc kính thiên văn - đặc biệt là khi pin của chiếc kính cạn kiệt vì một lý do sơ suất nào đó.

Và như Terence Dickinson và Alan Dyer nói trong cuốn “Cẩm nang từ sân vườn của Nhà thiên văn học”: “Sự ghi nhận đầy đủ về vũ trụ không thể đến nếu bạn không tự phát triển các kỹ năng tìm kiếm mọi thứ trên bầu trời và hiểu cách bầu trời hoạt động. Kiến thức này chỉ đến khi bạn dành thời gian ở dưới các vì sao với bản đồ sao trong tay và óc tò mò". Nếu không có những thứ này, "bầu trời không bao giờ trở thành một nơi thân thiện".

Đúng là kính thiên văn có thể có giá hàng chục hàng trăm triệu đồng, nhưng một số kính thiên văn tốt có thể có giá chỉ mười mấy triệu. Không đủ khả năng cho chiếc kính bạn muốn? Hãy tiết kiệm tiền cho đến khi bạn có thể. Tranh thủ thêm thời gian sử dụng ống nhòm trong khi xây dựng “quỹ kính thiên văn” sẽ là quãng thời gian bạn không bao giờ phải hối tiếc.

Nếu bạn chọn bắt đầu với một chiếc kính thiên văn nhỏ nhưng chất lượng cao, nó có thể đóng vai trò là người bạn đồng hành của bạn suốt đời - kể cả khi bạn đã vượt qua thử thách với niềm đam mê để trang bị được và sẵn sàng mang theo những chiếc kính lớn hơn và đắt tiền hơn.

3. Quan sát các mục tiêu qua kính thiên văn

Đừng quên mở rộng phạm vi của bạn đến các bữa tiệc sao của câu lạc bộ! Bây giờ bạn có thể đáp trả ân huệ cho CLB bằng cách giải thích về kính thiên văn của mình cho những người mới!

Dưới đây là danh sách các mục tiêu tốt, dễ dàng quan sát cho kính thiên văn của bạn. 

  1. Tinh vân Orion - Hoàn toàn là đối tượng được yêu thích khi nhìn trên bầu trời. "Ngôi sao" ở giữa trong thanh kiếm của Orion, đây thực sự là một vùng hình thành sao, chứa đầy các ngôi sao nóng sáng chiếu sáng khí xung quanh chúng. Nó trông hoàn toàn tuyệt đẹp ngay cả trong một kính thiên văn yếu hoặc ống nhòm.
  2. Sao Thổ - Cũng là đối tượng được yêu thích khi nhìn lên bầu trời (Mặt Trăng và Sao Mộc cũng vậy). Sao Thổ với những vành đai khổng lồ trông rất khác biệt so với mọi thứ khác khi nhìn qua kính viễn vọng, nó khiến bạn phải thốt lên "Ồ!" trong chốc lát. Những “chiếc nhẫn” vành đai rất đẹp, và đôi khi bạn có thể thấy các chi tiết của hành tinh.
  3. Mặt Trăng - Thời điểm tốt nhất để quan sát vào Mặt Trăng là khi nó đang ở pha bé hơn pha bán nguyệt. Khi đó, ánh sáng từ Mặt Trăng sẽ không quá sáng và bạn có thể dành thời gian nhìn ngắm đường ranh giới ban ngày - ban đêm và các vùng bóng tối ở các miệng hố.
  4. Sao Mộc - Sao Mộc là đối tượng tuyệt vời để quan sát. Có 4 mặt trăng chính của Sao Mộc thường xuyên có thể nhìn thấy được. Bạn có thể nhìn thấy chi tiết các sọc mây, thậm chí cả điểm đỏ tuyệt đẹp nữa! Nếu bạn thực sự may mắn, bạn sẽ được nhìn thấy hiện tượng quá cảnh của một trong những mặt trăng của nó. Nếu bạn có cơ hội xem hiện tượng quá cảnh của mặt trăng Io đi qua trước Sao Mộc và đổ bóng lên bề mặt hành tinh này, thành thật mà nói đó là một trong những khoảnh khắc thiên văn học tuyệt vời nhất mà bạn có thể trải nghiệm được qua kính thiên văn, nó thực sự tuyệt vời!
  5. Sao Hỏa - ​​Nếu Sao Hỏa ở gần, bạn có thể bắt đầu nhìn thấy một số đặc điểm chính trong một chiếc kính thiên văn cỡ vừa. Nếu không, bạn sẽ không thấy gì nhiều hơn một vệt mờ màu cam. Nếu bạn thực sự may mắn (và dễ bị tưởng tượng), có thể bạn sẽ nhìn thấy kênh đào!
  6. Sao Kim - Sao Kim rất khó quan sát do nó tương đối gần với Mặt Trời, nhưng nó khá tuyệt vời khi bạn có thể làm được điều đó. Bạn thậm chí có thể nhìn thấy các pha như mặt trăng! Ngoài ra, vì quỹ đạo của nó tương đối nhỏ, nó thay đổi kích thước khá nhanh, điều này khiến cho việc quan sát trong vài đêm trở nên thú vị, vì bạn có thể quan sát những thay đổi về pha, độ sáng và kích thước của hành tinh này.
  7. Cụm sao Lớn ở chòm sao Hercules - một mục tiêu khó khăn nhưng đáng giá vào đầu đến giữa mùa hè. tìm kiếm ở khoảng 2/3 quãng đường giữa Arcturus và sao Chức Nữ (Vega), bạn sẽ có thể tìm thấy cụm sao cầu tương đối sáng này gồm vài trăm nghìn ngôi sao cách chúng ta khoảng 25000 năm ánh sáng. Đó là một thử thách để tìm kiếm, và là cụm sao rất đẹp để quan sát.
  8. Pleiades - Cụm sao Thất Nữ, cụm sao mở màu xanh lam này trông thật tuyệt vời qua một ống kính góc rộng, cho thấy hàng trăm ngôi sao xen lẫn với bảy ngôi sao thực sự sáng.
  9. Mizar và Alcor - Nếu bạn có một đôi mắt rất tốt và một vị trí rất tối, bạn có thể phân tách (thấy rằng có nhiều hơn một ngôi sao) Mizar và Alcor mà không cần dùng đến kính thiên văn. Với kính viễn vọng, bạn sẽ thấy rằng MIzar cũng có một người bạn đồng hành, khiến cặp này thực sự là một cặp sinh ba. Những ngôi sao này thường được quan sát là ngôi sao ở giữa của phần tay cầm của nhóm sao Bắc Đẩu.
  10. Thiên hà Tiên Nữ (Andromeda) - Một vật thể rất khó để quan sát trong thành phố. Một vệt sương sáng mờ trên bầu trời phương bắc, đó chính là Andromeda, thiên hà gần nhất với Ngân Hà của chúng ta. Chắc chắn đáng xem nếu bạn có thể tìm thấy nó!
  11. Danh mục Messier - Charles Messier, một thợ săn sao chổi vào những năm 1700 và đầu năm 1800, đã lập danh mục và số lượng lớn (103) các vật thể mờ mờ ảo ảo có thể bị nhầm với sao chổi, nhưng không phải sao chổi. Danh mục này được gọi là Danh mục Messier, và chứa nhiều đối tượng để người quan sát có thể tìm kiếm.

Còn rất nhiều đối tượng thú vị để quan sát, nhưng đây là những mục tiêu dễ nhất. Bạn có thể sẽ muốn thử những đối tượng khó hơn trong tương lai, nhưng điều đó có thể nằm ngoài phạm vi của những "người mới bắt đầu".

4. Hạ cái tôi cá nhân và học cách kiên nhẫn

Thiên văn học dạy bạn bài học về sự kiên nhẫn và khiêm tốn - và bạn nên có sự chuẩn bị kỹ càng để học chúng. Không phải mọi thứ sẽ hoạt động ngay lần đầu tiên. Bạn sẽ tìm kiếm một kỳ quan nào đó ở không gian sâu thẳm và bỏ lỡ nó, và săn tìm lại, và bỏ lỡ nó một lần nữa. Điều này là bình thường. Nhưng cuối cùng, với kiến thức ngày càng tăng, bạn sẽ thành công.

Bạn không thể làm gì với những đám mây đang ùn ùn di chuyển đến cản tầm nhìn của bạn; với khoảng cách quá xa và sự mờ nhạt của các đối tượng mà bạn mong muốn, hoặc sự kiện đặc biệt mà bạn đã bỏ lỡ vì tất cả sự chuẩn bị của bạn bị muộn mất chỉ một phút. Vũ trụ sẽ không uốn cong theo mong muốn của bạn; bạn phải chấp nhận nó theo các điều khoản của riêng nó.

Phần lớn các vật thể nằm trong tầm với của bất kỳ kính thiên văn nào, bất kể kích thước của nó là bao nhiêu, gần như nằm trong tầm với của nó. Vì vậy, hầu hết thời gian bạn sẽ tìm kiếm những thứ có vẻ rất mờ hoặc rất nhỏ, hoặc cả hai. Bạn cần có thái độ rằng chúng sẽ không tự tìm đến với bạn; mà bạn phải chủ động tìm đến với chúng.

5. Thư giãn và tìm kiếm niềm vui

Một phần của việc đánh mất bản ngã của mỗi người là đến từ sự không hài lòng với chiếc kính thiên văn của mình vì nó kém hoàn hảo. Tuy nhiên, sự hoàn hảo không tồn tại, bất kể bạn phải trả giá nào. Nếu bạn thấy mình bị tổn thương vì khả năng tàng hình siêu đẳng của Sao Diêm Vương hoặc vì quang sai của thị kính, hãy hít thở sâu và nhớ lại lý do tại sao bạn lại làm điều này. Thiên văn học dành cho người mới bắt đầu hãy nên nhẹ nhàng và thú vị thôi.

Hãy học cách tận hưởng bất cứ thứ gì mà công cụ của bạn thực sự có thể cho bạn thấy. Bạn càng ngắm nhiều và kỹ, bạn sẽ càng thấy nhiều hơn - và bạn càng xem bầu trời đêm như là nhà của bạn. Tự đặt cho mình một sự chậm rãi, và vui thích trước vẻ đẹp và sự bí ẩn của vũ trụ tuyệt vời của chúng ta.

(Hết)

Tham khảo

  1. Instructables: How to Get Started in Amateur Astronomy
  2. Sky and Telescope: Astronomy for beginners: how to get started in backyard astronomy