Vào 2 ngày 08-09/06/2023, sự kiện NASA's Vietnam Space Week đã được tổ chức sôi nổi ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) với hàng loạt các hoạt động trải nghiệm STEAM lý thú và đặc biệt là các sự kiện giao lưu trực tiếp với các phi hành gia và chuyên gia của NASA.

Hình 1. Các thành viên của Cộng đồng Thiên văn học Nghiệp dư Việt Nam đến từ mọi miền đất nước cùng chụp hình lưu niệm tại sự kiện Tuần lễ Vũ trụ Việt Nam của NASA.

Các thành viên của VLTV được mời tham dự sự kiện này gồm có TS. Phan Thanh Hiền (thành viên ban cố vấn, chủ tịch CLB VLTV VN, giảng viên khoa Vũ trụ và Ứng dụng - USTH), và Th.S. Phạm Vũ Lộc (thành viên ban cố vấn VLTV, thành viên của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam - VNSC).

NASA's Vietnam Space Week tại Quy Nhơn được tổ chức vào 2 ngày 08 và 09/06/2023, nhưng các sự kiện chính và cần nhiều nhân lực nhất diễn ra vào ngày 08, do đó UBND tỉnh Bình Định thông qua đề xuất của ExploraScience Quy Nhơn đã gửi thư mời các chuyên gia đến từ các Câu lạc bộ, USTH và Đài thiên văn Nha Trang (NTO) cùng tham gia hỗ trợ tổ chức. Sự có mặt của thành viên đến từ các CLB thiên văn học nghiệp dư tại VN như HAAC, USAC, VLTV đang mang lại một bầu không khí thiên văn học sôi nổi hơn bao giờ hết. Bên cạnh việc tham gia các khâu tổ chức của chương trình NASA's Vietnam Space Day, các CLB còn có những chương trình giao lưu thiên văn học thú vị.

Hình 2. TS. Phan Thanh Hiền tham gia phần giao lưu với phi hành gia và các chuyên gia NASA.

Hình 2. Khung cảnh bên ngoài Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định, nơi diễn ra sự kiện.

Hình 3. Phi hành gia và chuyên gia của NASA nhận hoa của Ban tổ chức.

Buổi sáng ngày 08/06 là chương trình giao lưu với phi hành gia NASA tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định. Ở cuối chương trình trong phần hỏi đáp, TS. Phan Thanh Hiền vinh dự được lên ngồi "ghế nóng" cùng với các phi hành gia để giao lưu với học sinh trong hội trường. Chương trình này được phát trực tiếp trên fanpage của ExploraScience Quy Nhơn.

Hình 4. ExploraScience Quy Nhơn đã sẵn sàng cho sự kiện.

Buổi chiều ngày 08/06 là sự kiện trải nghiệm STEAM tại ExploraScience Quy Nhơn. TS. Hiền cùng thực tập sinh của USTH tại Đài Thiên văn Quy Nhơn - Nguyễn Đức Nguyên - phụ trách phần trải nghiệm lập trình dành cho học sinh tiểu học. Ý tưởng lập trình rất đơn giản với việc sử dụng một chiếc xe robot có khả năng nhận diện các màu và thực hiện các thao tác khi đi qua các màu đó, chẳng hạn màu Xanh là đi thẳng, màu đỏ là dừng lại, màu Tím là rẽ trái, màu Xanh dương là rẽ Phải... Các em học sinh tham gia trải nghiệm sẽ tìm cách sắp xếp các tấm màu silicon để điều khiển chiếc xe đến được hành tinh mong muốn trên bản đồ.

Hình 5 & 6. MC Moon và MC Phạm Vũ Lộc trong buổi tập dượt chuẩn bị và tại bàn kỹ thuật trong chương trình quan sát thiên văn Starry Night.

Buổi tối ngày 08/06 là chương trình Starry Night do ExploraScience Quy Nhơn tổ chức với sự tham gia của gần 1000 người. Sau phần trình bày hướng dẫn quan sát bầu trời bằng các phần mềm và các phần giao lưu có quà hấp dẫn của 2 MC Phạm Vũ Lộc (thành viên Ban Cố vấn VLTV) và MC Moon (ExploraScience Quy Nhơn) là phần quan sát thiên văn hấp dẫn. Thành viên từ các CLB tham gia điều khiển loạt kính thiên văn và hướng dẫn khách cách quan sát một số đối tượng thiên văn học quen thuộc như Sao Kim, các cụm sao cầu, sao đôi…

Hình 7. Quang cảnh chương trình quan sát thiên văn Starry Night tổ chức tại ExploraScience Quy Nhơn..

Kết thúc chương trình Starry Night, sau bữa ăn tối muộn là phần giao lưu của các CLB. Các thành viên tập trung lại tại Đài thiên văn Quy Nhơn và tổ chức quan sát suốt cả đêm sử dụng cả kính nhỏ lẫn kính 600mm của Đài. Trời gần sáng, Sao Thổ lên cao và tất nhiên là không thể thoát khỏi tầm ngắm. Những chiếc kính thiên văn nhỏ hiện đại nhất Việt Nam hiện nay đều tụ hội tại QNO vào những ngày này. Các đối tượng khác như các cụm sao cầu hay sao đôi (Albireo) cũng được lần lượt cho vào tầm ngắm.

Buổi sáng hôm sau (09/06) là một bài giảng thú vị của chuyên gia Nguyễn Trọng Minh (Minh Lết, giám đốc Đài thiên văn Viễn trình Ứng Hòa, Hà Nội) về hệ thống cảm biến thời tiết. Hệ thống này có thể nhận diện được các tình huống thời tiết nguy hiểm như mây và mưa để ra lệnh tự động đóng mở mái vòm của Đài thiên văn Quy Nhơn.

Hình 8 & 9. Sau khi sự kiện Starry Night kết thúc, bữa tiệc thiên văn của các “chuyên gia” đến từ cộng đồng thiên văn học nghiệp dư Việt Nam ở bên trong và bên ngoài Đài thiên văn Quy Nhơn chính thức bắt đầu

Hình 10. Tham quan và học tập “trạm khí tượng” tại Đài thiên văn Quy Nhơn.

Hình 11. Khung cảnh quen thuộc khi các nhà thiên văn nghiệp dư đón bình minh. Đón bình minh tại Đài thiên văn Quy Nhơn sau một đêm quan sát cộng đồng và một bữa tiệc thiên văn là một trải nghiệm tuyệt vời.

Hình 12. Chụp ảnh lưu niệm trước khi chia tay Quy Nhơn.

Cuộc hội ngộ kết thúc bằng một chuyến đi tham quan các rặng Rong nho và San hô cũng như đảo Hòn Khô xinh đẹp. Trong suốt quá trình hội ngộ ở Quy Nhơn, thành viên từ các CLB thiên văn học nghiệp dư đều mang trong mình nhiệt huyết bất tận với thiên văn học. Tất cả đều tập trung cho công việc để có được bữa tiệc thiên văn hoành tráng nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.
Hành lý đã chất lên xe rồi, tạm biệt Quy Nhơn, hẹn năm sau gặp lại nhé.

Tham khảo

  1. ExploraScience Quy Nhơn - nơi bạn phải đến 1 lần trong đời | VLTV. 2023, YouTube, https://www.youtube.com/watch?v=1erVuUlk5BA