Trước khi có ngành khí tượng thuỷ văn thì có lẽ mỗi nguời dân Việt đều là những nhà khí tượng tuyệt vời với nhiều kinh nghiệm được lưu truyền trong dân gian. Các hiện tượng thay đổi của bầu trời, của sự vật thiên nhiên đều có thể ít nhiều mang lại thông tin về dự báo thời tiết, giúp người nông dân chủ động cho việc đồng áng, mùa vụ của mình.
Quan sát thiên văn để dự báo thời tiết trong dân gian được ông bà ta đúc kết trong nhiều câu tục ngữ như “Nhiều sao thì nắng, vắng sao thì mưa”, “Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa”, “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”… Tuy nhiên theo thời gian con người chúng ta ít gần gũi với thiên nhiên hơn, chính vì thế một số câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm dự báo thời tiết do ít được sử dụng đã trở nên khó hiểu và không còn được lý giải chính xác với bản chất mô tả hiện tượng của nó. Tiêu biểu là câu tục ngữ “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”. Trong quá trình trao đổi trên các diễn đàn thiên văn học, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến thắc mắc về ý nghĩa của câu tục ngữ này. Khi tìm hiểu câu trả lời, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều định nghĩa sai về Quầng và Tán, thậm chí hoán đổi tên gọi 2 hiện tượng với nhau. Và hầu như chưa có trả lời xác đáng về ý nghĩ dự báo thời tiết của hiện tượng.
Nhân dịp xuất hiện một vòng sáng bao quanh mặt trời ở Hội An vào ngày 26/4/2019, hiện tượng mà rất nhiều báo chí gọi là Quầng Mặt Trời. Theo chúng tôi hiện tượng này phải gọi là Tán Mặt Trời như từ ngữ ông bà ta đã gọi cho vòng sáng dạng này bao quanh Mặt Trời hay Mặt Trăng và chúng tôi mong muốn sẽ rõ vấn đề này trong khuôn khổ của bài viết.
Trăng Quầng là gì?
Theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt xuất bản năm 1992 của Viện Ngôn ngữ học:
- "Quầng của mặt trời hay mặt trăng, thường xuất hiện khi có đám mây mỏng bay qua, những hạt nước nhỏ của đám mây gây ra nhiễu xạ ánh sáng".[1]
Hiện tượng này có tên gọi là "Lunar Corona" trong tiếng Anh.
Thỉnh thoảng vào ban đêm, chúng ta sẽ nhìn thấy xung quang mặt trăng có những vòng sáng nhiều màu sắc như màu cầu vồng nhưng các vòng này không tách bạch nhau, đó chính là hiện tượng Trăng Quầng. Vòng sáng ngoài cùng của quầng trăng có thể mở rộng đường kính đến 15 độ và thường co lại hay phình to mỗi khi các đám mây khác nhau đi ngang qua mặt trăng.
Hình 1. Trăng quầng – Lunar Corona. Image Credit & Copyright: Sergio Montúfar , Planetario Ciudad de La Plata; NASA's APOD.
Khi làm rõ hơn về phương diện vật lý thì quầng xảy ra khi ánh sáng bị nhiễu xạ bởi các hạt nước hoặc băng nhỏ. Mỗi điểm trên bề mặt được chiếu sáng của hạt là một nguồn sóng cầu tán xạ ra ngoài. Những sóng này giao thoa với nhau để tạo ra các vùng sáng tăng cường và triệt tiêu.
Khi nghiên cứu về khí tượng, thì hiện tượng trăng quầng thường gặp nhất khi mặt trăng bị che phủ bởi một lớp mây mỏng của tầng mây Trung tích Altocumulus (Ac)
Trăng tán là gì?
Khác với quầng là những vòng nhỏ nhiều màu sắc bao quanh mặt trăng, thì tán là hiện tượng gây ấn tượng hơn rất nhiều với một vòng hào quang sáng lớn bao quanh mặt trăng, mặt trời (tán mặt trời) vòng tròn này thường có kích thước 22 độ có màu cầu vồng nhạt hoặc không màu.
Theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học:
- Tán là "vòng sáng mờ nhạt nhiều màu sắc bao quanh mặt trời hay mặt trăng do sự khúc xạ và phản chiếu ánh sáng qua màn mây".[2]
Hiện tượng này có tên gọi là “Moon/Sun Halo” trong tiếng Anh.
Hình 2. Trăng tán – Lunar Halo. Image Credit & Copyright: Anthony Ayiomamitis (TWAN); NASA's APOD
Tán hình thành khi ánh sáng từ mặt trời hoặc mặt trăng bị khúc xạ qua các tinh thể băng trong mây. Vòng sáng này chỉ xảy ra khi mà các tinh thể băng có sự định hướng và vị trí góc phù hợp để hướng các tia sáng bị khúc xạ về mắt người quan sát.
Hình 3. Hình vẽ minh họa chỉ rõ các tia sáng và tinh thể băng đã tạo ra vòng sáng như thế nào. Credit: Wikimedia.
Các tinh thể băng hình lăng trụ này có trục gần như vuông góc với các tia sáng Mặt trời sẽ khúc xạ các tia này qua góc 22 độ hay lớn hơn. Tập hợp các ánh sáng được phản chiếu này sẽ tạo ra vòng sáng bao xung quanh mặt trăng hay mặt trời.
Về mặt khí tượng thì tán trăng hay tán mặt trời thường xảy ra khi ánh sáng khúc xạ qua các tinh thể băng của lớp mây ti tầng Cirrostratus(Cs)
"Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa" trong dân gian các nước
Khi tìm hiểu chúng tôi nhận thấy việc quan sát hiện tượng mặt trăng hay mặt trời có vòng sáng bao quanh để dự báo thời tiết không chỉ ở riêng Việt Nam mà rất phổ biến trong dân gian của các nước.
Ở phương Tây có các câu thể hiện điều này:
- "If there is a halo round the sun or moon, then we can all expect rain quite soon." - Có tán trăng hay trời, mưa sắp đến mà thôi.
- "The bigger (and brighter) the ring, The nearer the rain!" – Vòng càng to càng sáng, hẳn là sắp mưa sang.
- "Circle near, water far; Circle far, water near." – "Vòng gần, nước xa; Vòng xa, nước gần".
Trong dân gian Trung Quốc hiện tượng hào quang xung quanh mặt trăng cũng được nhắc đến như một dấu hiệu chuyển biến thời tiết có mưa và gió sắp đến. "A halo around the Moon is a sign of wind." [3]
Về bản chất dự báo thời tiết có thể được lý giải qua cơ chế hình thành của vòng sáng tán và quầng.
Hiện tượng trăng tán xảy ra khi ánh sáng từ mặt trăng khúc xạ qua lớp tinh thể băng trong đám mây Ti tầng Cirrostratus (Cs). Thường khi mây Ti tầng Cs xuất hiện sẽ là dấu hiệu cho thấy rằng một frông ấm đang chuẩn bị đến gần, và kèm theo đó là một khu vực áp suất thấp đang di chuyển tới. Luồng không khí nóng sẽ đi vào khu vực lạnh và khô hơn. Theo quá trình này, dòng khí nóng sẽ di chuyển từ từ lên phía trên khối không khí lạnh. Quá trình này có thể sẽ tạo các đám mây và quá trình ngưng tụ hạt nước trong đám mây sẽ diễn ra liên tục dọc theo đường biên của frông ấm. Lượng nước ngưng tụ được phụ thuộc vào độ ẩm của khối không khí trước bề mặt của frông này. Ngoài ra, theo sau một frông ấm là một khu vực ấm mà các khối không khí trong đó thường là ấm và ẩm, đây là nơi mà các cơn bão mạnh có thể hình thành. Có thể mưa và hay bão sẽ không phải lúc nào cũng xuất hiện khi thấy vòng sáng tán, nhưng rõ ràng là có khả năng lớn khi xuất hiện tán trăng hay tán mặt trời thì sẽ có mưa, và vòng sáng càng rực rỡ thì khả năng có mưa càng cao.
Hình 4. Hình vẽ mô tả sự hình thành của mây Ti tầng Cirrostratus (Cs), nguyên nhân làm xuất hiện Tán Trăng, khi có một frông ấm đang đến gần. Credit: Wikimedia.
Đối với hiện tượng quầng trăng thông thường xảy ra khi ánh trăng nhiễu xạ qua các tinh thể băng và hạt nước nhỏ trong các đám mây Cao tích Altocumulus (Ac). Mây Cao tích Ac thường hình thành trong điều kiện khí quyển ổn định. Do đó quầng trăng có thể xảy ra trong 1 chu kì thời tiết ít biến đổi có thể là trong một chu kì hạn ít mưa.
Hình 5. Hình vẽ thể hiện sự khác biệt về độ cao của các loại mây.Mây cao tích Ac, nguyên nhân của hiện tượng quầng trăng, và mây ti tầng Cs, nguyên nhân của hiện tượng tán trăng. Credit: Wikimedia.
Sự nhầm lẫn giữa tên gọi Quầng và Tán hiện nay
Khi tìm các lý giải câu tục ngữ "Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa". chúng tôi nhận thấy hiện nay tên gọi Quầng hay Tán đang bị nhầm lẫn hoán đổi cho nhau về hiện tượng trong nhiều tài liệu và tin tức trên báo chí dẫn đến người đọc rất khó hiểu về khả năng dự báo thời tiết của nó.
Vòng tròn Halo xuất hiện xung quanh mặt trăng hay mặt trời hay được các báo dẫn lời các nhà khí tượng học ở Việt Nam gọi đó là Quầng mặt trời/Quầng mặt trăng ngược hẳn với định nghĩa là "Tán mặt trăng/mặt trời" trong Từ điển tiếng Việt 1992, và do gọi sai tên gọi nên cho là nó xuất hiện khi thời tiết nắng nóng khô, thay vì là dấu hiệu của mưa gió sắp đến[4].
Đặc biệt việc nhầm lẫn này còn xuất hiện trong nhiều giáo trình Khí tượng đại cương của các trường đại học, và do nhầm lẫn nên trong các giáo trình này không thể lý giải về khả năng dự báo thời tiết của hiện tượng.[5]
Qua bài viết nhỏ này chúng tôi mong muốn có cách nhìn nhận hợp lý nhất về câu tục ngữ “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa” thể hiện chính xác kinh nghiệm của dân gian Việt Nam trong quan sát thiên văn dự báo thời tiết. Chúng tôi cũng mong muốn có các thảo luận để chỉnh lý lại các định nghĩa sai về Quầng và Tán đang phổ biến hiện nay làm cho tiếng Việt càng ngày càng bị sai lệch so với từ gốc ban đầu.
Tham khảo
- [1],[2]: Viện Ngôn Ngữ Học, Từ Điển Tiếng Việt, 1992.
- [3]: Richard Inwards, 1869, Weather Lore: A Collection of Proverbs, Sayings, and Rules Concerning the Weather, London W. Tweedie.
- [4]: Vnexpress nhầm lẫn về hiện tượng Quầng Mặt trời xuất hiện ở Quảng Nam, 9/5/2017.
- [5]: Sách Khí Hậu Và Khí Tượng Đại Cương, trang 115 gọi tên ngược giữa quầng và tán.
- MeteoOffice: Mây ti tầng Cirrostratus
- MeteoOffice: Mây trung tích Altocumulus
- VLTV: Quang hoa (corona): Hiện tượng và bản chất vật lý
- VLTV: Hào quang tinh thể băng (ice halo): Hình dáng và nguồn gốc hình thành