Cực quang là gì?

Cực quang (Bắc cực quang ở bán cầu Bắc hay Nam cực quang ở bán cầu Nam) là một hiện tượng quang học kỳ thú, khiến cho bầu trời trở nên sặc sỡ với nhiều màu sắc ở những khu vực có vĩ độ cao, gần vùng cực. Những dải màu này được gây ra bởi các cơn bão từ bắt nguồn từ hoạt động của Mặt Trời. Các hạt tích điện như proton hay electron sinh ra từ những sự kiện này được gió Mặt Trời thổi về phía Trái Đất và tương tác với từ quyển của hành tinh xanh tạo nên hiện tượng cực quang đầy màu sắc trên bầu trời.

Hai cơn bùng nổ trên bề mặt Mặt Trời được NASA chụp được vào hai ngày 10/05 và 11/05/2024. Credit: NASA/SDO

Tại sao cực quang lần này lại có màu đỏ tím nhiều thay vì xanh lá?

Tuỳ thuộc vào thành phần vật chất có trong khí quyển mà cực quang xuất hiện với những màu sắc khác nhau. Thông thường ta hay thấy cực quang xuất hiện với màu xanh lục gây ra bởi nồng độ cao nguyên tử oxi có trong lớp khí quyển. Tuy nhiên, khi cường độ hoạt động của Mặt Trời tăng cao một cách bất thường, các hạt tích điện có thể đâm sâu hơn vào tầng khí quyển của Trái Đất nơi có sự xuất hiện của các phân tử nitơ thay vì oxi và gây ra sự phát xạ của màu tím và xanh lam. Ngoài ra, cực quang còn có màu hồng đỏ  xuất hiện bởi nồng độ thấp các nguyên tử oxi có trong lớp khí quyển (cũng xảy ra khi xuất hiện một cơn bão có cường độ mạnh).

Bức ảnh cực quang được chụp bởi Jacob Anderson tại Edinburgh, Scotland vào 10/05/2024 (Credit: Handout / Jacob Anderson / AFP).

Ảnh hưởng của bão Mặt Trời?

Cơn bão Mặt Trời lần này đạt trên cấp G4 (thang đo của NOAA - Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ), có thể dẫn đến sự gián đoạn trong lưới điện và hệ thống thông tin liên lạc trên Trái Đất. Lần gần đây nhất ghi nhận được một cơn bão tương tự tấn công chúng ta đã từ hơn hai thập kỷ trước vào năm 2003. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tác động của cơn bão này đến các cơ sở hạ tầng liên lạc hay các vệ tinh.

Được đánh giá là một hiện tượng cực đoan, tuy nhiên sự xuất hiện của cực quang ở nhiều khu vực xung quanh vùng cực, cả ở những nơi hầu như hiếm khi thấy được sự xuất hiện của cực quang, đã thu hút sự nhiều sự chú ý của công chúng ở Canada, Mỹ hay các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức,... và cả ở Nam bán cầu như Úc và New Zealand.

Tham khảo

[1] Garofalo, M. (2024, May 12). “Extreme” solar storms cook up sweet Mother’s Day auroras for Moms everywhere.

[2] Solar storm: How do the Northern Lights happen? (2024, May 11). BBC Newsround.

[3] Beck, S. (n.d.). Space Technology 5.