"Hành tinh X" bí ẩn có thể có tồn tại, và các nhà khoa học gọi chúng là "Hành tinh số 9".
Các nhà thiên văn học đã tìm thấy bằng chứng về một hành tinh có khối lượng gấp 10 lần Trái Đất ở xa phía vùng ngoài của Hệ Mặt Trời, có quỹ đạo xa hơn khoảng 20 lần so với quỹ đạo của Sao Hải Vương.
Bằng chứng về khả năng tồn tại "Hành tinh số 9" được công bố bởi hai nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ California (Caltech), Mike Brown (là một chuyên gia săn các vật thể ở vành đai Kuiper) và Konstantin Batygin. Hai nhà khoa học này đã dùng mô hình toán học và mô phỏng máy tính để xác định quỹ đạo của "Hành tinh số 9" sau khi đánh dấu một sự liên kết kỳ lạ trong quỹ đạo của 6 vật thể khác ở vành đai Kuiper.
"Hành tinh số 9" tiềm năng này vẫn chưa được quan sát. Nhưng các thành viên nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ California (Caltech) suy luận rằng nó có vẻ như là có tồn tại dựa theo các mô hình và các quỹ đạo kỳ dị của một nhóm các vật thể phía ngoài vành đai Kuiper, bên ngoài Sao Hải Vương.
Đặc biệt là, 6 vật thể ở vành đai Kuiper (KBOs) di chuyển xung quanh Mặt Trời trên quỹ đạo hình elip mà tất cả đều hướng về một phía, cho dù các vật thể di chuyển ở những vận tốc khác nhau. Thêm vào đó, quỹ đạo của cả 6 KBOs này đều có cùng độ nghiêng - khoảng 30 độ lệch xuống dưới so với mặt phẳng quỹ đạo của 8 hành tinh "chính thống". (Sao Diêm Vương, hành tinh lùn từng là hành tinh trước khi bị phân loại lại bởi Hiệp hội Thiên văn học Quốc tế năm 2006, cũng có mặt phẳng quỹ đạo khác với 8 hành tinh nói trên).
Caltech xem xét các khả năng các KBOs nhỏ khác có thể ảnh hưởng đến hình dáng của các quỹ đạo này. Nhưng các tính toán kép cho thấy rằng vành đai Kuiper phải chứa khối lượng nặng hơn 100 lần so với những gì đang có.
Do đó họ chuyển sang một khả năng khác - một hành tinh lớn, chưa được khám phá nằm ở phía rìa ngoài giá lạnh của Hệ Mặt Trời. Đây không phải là một ý tưởng mới. Vài năm trước đây, các nhà nghiên cứu khác đã dự đoán rằng một "hành tinh X" bí ẩn khối lượng lớn có thể ảnh hưởng đến các quỹ đạo kỳ lạ của các vật thể mới phát hiện ở vành đai Kuiper.
Mô hình mới được tính toán bởi Caltech củng cố thêm cho kịch bản này. Các mô phỏng của họ cho thấy ảnh hưởng hấp dẫn của một "hành tinh số 9" có khối lượng gấp khoảng 10 lần Trái Đất nằm trên một quỹ đạo ngược hướng có thể giải thích sự kỳ lạ trong qũy đạo của các KBOs.
"Hành tinh số 9" giả định này còn có thể giải thích cho các quỹ đạo đặc biệt và kỳ lạ của hai hành tinh lùn trong vành đai Kuiper, Sedna và VP113. Các mô phỏng cũng dự đoán rằng một số KBOs có thể có quỹ đạo nghiêng 90 độ so với mặt phẳng quỹ đạo của 8 hành tinh "chính thống". Có 4 vật thể như vậy đã được tìm thấy thời gian gần đây.
"Hành tinh số 9" có thể được hình thành ở gần phía Mặt Trời, và bị đá ra khỏi vị trí lúc đó của nó do các tương tác hấp dẫn với Sao Mộc và Sao Thổ.
Nếu "Hành tinh số 9" là thật, nó sẽ lấp đầy khoảng trống đáng kể trong Hệ Mặt Trời, các nhà khoa học cho biết.
Đây là tất cả những gì chúng ta đang biết về khả năng tồn tại "Hành tinh số 9".
Các nhà khoa học Caltech hiện đang nỗ lực tìm kiếm "Hành tinh số 9" Quỹ đạo của hành tinh đã được xây dựng, nhưng vị trí chính xác hiện tại của hành tinh này thì vẫn chưa biết. Hiện tại, rất nhiều các kính thiên văn trên Trái Đất đang có đủ khả năng để phát hiện sự hiện diện của hành tinh này nếu nó tồn tại.
Nghiên cứu mới này sẽ được công bố trên số mới nhất của Tạp chí Thiên văn học.
Theo Space