Các nhà thiên văn học vừa phát hiện một hành tinh đá có khối lượng khoảng 17 lần Trái Đất và có kích thước lớn gấp đôi hành tinh của chúng ta. Phát hiện này tạo ra thách thức cho các nhà nghiên cứu sự hình thành hành tinh lý giải làm thế nào một thế giới như thế được hình thành.

Hình vẽ mô phỏng hệ hành tinh Kepler-10, ngôi nhà của 2 hành tinh đá. Trong hình là Kepler-10c, một hành tinh có khối lượng lớn gấp 17 lần Trái Đất và có kích thước gấp đôi hành tinh của chúng ta. Khám phá này đang thách thức các nhà khoa học nghiên cứu sự hình thành hành tinh giải đáp "Làm thế nào một hành tinh như vậy có thể được hình thành?"  Ảnh: Harvard-Smithsonian Center for Astrophysics/David AguilarHình vẽ mô phỏng hệ hành tinh Kepler-10, ngôi nhà của 2 hành tinh đá. Trong hình là Kepler-10c, một hành tinh có khối lượng lớn gấp 17 lần Trái Đất và có kích thước gấp đôi hành tinh của chúng ta. Khám phá này đang thách thức các nhà khoa học nghiên cứu sự hình thành hành tinh giải đáp "Làm thế nào một hành tinh như vậy có thể được hình thành?"
Ảnh: Harvard-Smithsonian Center for Astrophysics/David Aguilar

"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra những gì đã tìm thấy", theo lời nhà thiên văn Xavier Dumusque đến từ trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (CfA), người phụ trách việc phân tích sử dụng dữ liệu gốc thu thập bởi kính thiên văn không gian Kepler (NASA).

Hành tinh này được đặt tên Kepler-10c, có kích thước được đo trước đó là lớn gấp 2.3 lần Trái Đất, nhưng khối lượng của nó vẫn chưa biết cho đến tận bây giờ. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công cụ HARPS-North gắn trên kính thiên văn Telescopio Nazionale Galileo trên quần đảo Canary để thực hiện các quan sát đo đạc khối lượng hành tinh đá khổng lồ này.

Không ai nghĩ rằng hành tinh như thế này có thể tồn tại. Lực hấp dẫn khổng lồ của một hành tinh lớn như thế sẽ bồi thêm lớp vỏ khí trong quá trình hình thành, và phình to thành một hành tinh khí khổng lồ có kích thước cỡ Sao Hải Vương hay thậm chí là Sao Mộc. Tuy vậy, hành tinh này được cho là ở dạng rắn, với thành phần chủ yếu là đá.

"Chỉ khi bạn nghĩ rằng bạn đã tìm ra tất cả, thiên nhiên lại mang đến cho bạn một bất ngờ lớn", Theo lời Natalie Batalha, nhà khoa học của sứ mệnh Kepler tại Trung tâm nghiên cứu Ames (NASA) ở Moffett Field, California. "Khoa học thật là kỳ diệu!"

Kepler-10c có quỹ đạo quanh một ngôi sao giống Mặt Trời với chu kỳ chỉ 45 ngày, khiến cho nó quá nóng để duy trì sự sống. Hệ hành tinh này cách chúng ta khoảng 560 năm ánh sáng về phía chòm sao Thiên Long (Draco). Đây cũng là hệ hành tinh chứa Kepler-10b, hành tinh đá đầu tiên được phát hiện trong dữ liệu của Kepler. Phát hiện này đã được công bố tại một cuộc họp của Hội Thiên văn học Mỹ ở Boston.

Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA là đơn vị quản lý hệ thống mặt đất của Kepler với nhiệm vụ phát triển, vận hành và phân tích dữ liệu khoa học; còn Phòng thí nghiệm phản lực(JPL) của NASA ở Pasadena, California, chịu trách nhiệm phát triển sứ mệnh Kepler.

Tập đoàn công nghệ không gian Ball ở Boulder, Colorado, đã phát triển hệ thống bay và hỗ trợ vận hành sứ mệnh với Phòng thí nghiệm Khí quyển và Vật lý Không gian tại Đại học Colorado ở Boulder.

Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian ở Baltimore chịu trách nhiệm lưu trữ, quản lý và phân phối dữ liệu khoa học của Kepler. Kepler là sứ mệnh khám phá thứ 10 của NASA và được tài trợ bởi Cục Sứ mệnh Khoa học NASA tại trụ sở ở Washington.

Theo NASA.