Tàu tự hành Curiosity đã chụp lại được những vết nứt hình đa giác trên bề mặt đá trên Sao Hỏa. Hiện tại, những phân tích của các vết nứt đó đang hé lộ lịch sử của miệng hố Gale.
Các đánh giá khoa học về phát hiện của xe tự hành Curiosity đã xác nhận rằng những vết nứt do khô hạn trong miệng hố Gale đã cho thấy sự dao động của mực nước trong lòng hồ cổ đại 3,5 tỉ năm về trước.
Hình 1. Camera Mastcam của xe tự hành Curiosity đã chụp được hình ảnh “Vũng bùn cổ đại”, một phiến đá gần trung tâm miệng hố Gale. Nền đá màu đỏ được phủ bởi những vết nứt là tàn dư của trầm tích được tạo ra trong hồ đã cạn dần 3,5 tỉ năm trước. Phiến đá có kích thước khoảng 80cm. Ảnh: NASA/JPL-Caltech/MSSS.
Tàu tự hành Curiosity đã hạ cánh phía bắc của miệng hố vào năm 2012 và dần dần di chuyển về phía nam. Khi gần trung tâm miệng hố, nó đã chụp ảnh một phiến đá được đặt tên là “Vũng bùn cổ đại”. Các vết nứt trên bề mặt có hình đa giác trông giống như vết nứt của bùn khi nó khô lại.
“Khi bùn gần bề mặt khô, nó co lại” Nathaniel Stein (Caltech), trưởng dự án giải thích. Tuy nhiên, lớp bên dưới duy trì độ ẩm lâu hơn và nó có thể tích lớn hơn và đẩy lên lớp trên. “Ứng suất đó duy trì cho đến khi nó tạo ra các vết nứt có hình đa giác”.
Các vết nứt được làm đầy bởi vật chất có thành phần hóa học giống với đá tạo ra vết nứt. Rất có thể, các vết nứt đã được làm đầy không lâu sau sau khi mực nước trong hồ dâng lên lại. Trầm tích trong nước dần dần lắng đọng vào các vết nứt. Phân tích của Stein và đồng nghiệp được đăng trên tạp chí Geology (Địa chất).
Xe tự hành hiện đang nghiên cứu lịch sử của nước trên Sao Hỏa trên đường đến khu vực Kiến tạo Murray - một vùng núi ở trung tâm miệng hố.
Hình ảnh từ xe tự hành Curiosity cho thấy các lớp gắn kết, nơi những mảnh đá vỡ thường phủ lên lớp trầm tích rắn. “Nó chỉ hợp lý về mặt địa chất khi vật chất phía trên trẻ hơn”, Stein nói.
Mực nước phải lên và xuống trong suốt lịch sử của Sao Hỏa. “Chu kỳ lên xuống có vẻ như đã xảy ra rất nhiều lần trước khi khu vực này trở nên khô hạn.
Hình 2. Hình ảnh “Squid Cove” chụp bởi camera Mastcam vào ngày Sol 1555, cho thấy dấu hiệu của những rãnh tương tự như ở “Vũng bùn cổ đại”. Vết nứt kết thúc ở nền nằm dưới, mịn hơn và không bị đứt gãy. Phiến đá có kích thước khoảng 60cm Ảnh: NASA / JPL-Caltech / MSSS.
Vậy cái gì đã khiến cho nước biến mất khỏi Sao Hỏa? “chúng ta chưa biết chính xác chuyện gì đã xảy ra với lượng nước đó” Stein nói. Những nguyên nhân có thể bao gồm Sao Hỏa mất từ trường nên gió Mặt Trời đã quét sạch nước và khí quyển và làm chúng biến mất khỏi hành tinh này. Cho dù kịch bản như thế nào đi nữa, những khám phá từ Curiosity cũng sẽ giúp các nhà khoa học phác thảo bức tranh về lịch sử của nước trên Sao Hỏa.
Theo Sky & Telescope