Sao Mộc, hành tinh thứ 5 trong Hệ Mặt Trời, một hành tinh khí khổng lồ và là mục tiêu của sứ mệnh không gian Juno, là một hành tinh thực sự rất Lớn.
Ảnh 1: Sao Mộc và Mặt Trời. Credit: ESO/M.Kornmesser
Nó lớn đến nỗi, trong thực tế, nó không hoàn toàn quay quanh Mặt Trời. Với khối lượng bằng 2.5 lần tổng khối lượng của các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời cộng lại, nó đủ lớn để tâm hấp dẫn giữa Sao Mộc và Mặt Trời không nằm bên trong Mặt Trời mà ở một điểm trong không gian ngay bên ngoài bề mặt của Mặt Trời.
Đây là cách mà chuyện đó xảy ra
Khi một vật thể nhỏ quay quanh một vật thể lớn trong không gian, vật thể nhẹ hơn không thực sự đi theo một vòng tròn hoàn hảo xung quanh vật thể lớn hơn. Thay vào đó, cả hai vật sẽ quay quanh một tâm hấp dẫn của chúng.
Ở một trường hợp quen thuộc với chúng ta - như Trái Đất quay quanh Mặt Trời - tâm hấp dẫn nằm rất gần với tâm của vật thể lớn hơn khiến cho sự ảnh hưởng của hiện tượng này là không đáng kể. Vật thể lớn hơn dường như không hề chuyển động trong khi vật thể bé hơn vẽ một vòng tròn quỹ đạo xung quanh nó.
Nhưng thực tế luôn phức tạp hơn thế
Ví dụ: Khi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) quay quanh Trái Đất, cả Trái Đất và ISS quay quanh tâm hấp dẫn của chúng. Nhưng tâm hấp dẫn lại quá gần với tâm của Trái Đất nên sự chuyển động của hành tinh xanh quanh điểm đó gần như không thể nhận ra - và ISS tạo nên một vòng quỹ đạo gần như hoàn hảo quanh hành tinh của chúng ta.
Điều này đúng với hầu hết các hành tinh quay xung quanh Mặt Trời. Mặt Trời đơn giản chỉ lớn hơn rất nhiều so với Trái Đất, Sao Kim, Sao Thủy, và kể cả Sao Thổ để tâm hấp dẫn của chúng với Mặt Trời tất cả đều nằm hoàn toàn bên trong Mặt Trời.
Nhưng Sao Mộc thì khác
Hành tinh khí khổng lồ này lớn đến nỗi tâm hấp dẫn của nó với Mặt Trời, hay còn gọi là khối tâm, thực sự nằm cách tâm Mặt Trời một khoảng bằng 1.07 lần bán kính Mặt Trời - hay nói cách khác là cách bề mặt Mặt Trời một khoảng bằng 7% bán kính. Cả Mặt Trời và Sao Mộc đều quay quanh điểm đó trong không gian.
Ảnh 2: Mô phỏng sự di chuyển tương đối của Sao Mộc và Mặt trời. Kích thước và khoảng cách trong mô phỏng này không tương ứng với kích thước và khoảng cách trong thực tế.
Đó là cách mà Mặt Trời và Sao Mộc di chuyển cùng nhau trong không gian - mặc dù khoảng cách giữa chúng và kích thước của chúng là vô cùng khác biệt. Dù sao, Mộc Tinh vẫn chỉ bằng một phần rất nhỏ so với kích thước của Mặt Trời.
Lần tới khi một ai đó hỏi bạn một sự thật thú vị về không gian mà bạn biết, bạn sẽ có câu trả lời: Sao Mộc nặng đến nỗi nó không quay quanh Mặt Trời (mà là quay quanh khối tâm của chúng).
Nguồn: IFLScience