Ngày phóng James Webb, kính viễn vọng không gian kế tục thành tựu của Hubble, đã bị dời thêm lần nữa từ tháng 05/2020 đến tận tháng 03/2021. Chi phí của dự án cũng đã tăng lên thành 8,8 tỷ USD, và bây giờ con số đó đã là 9,66 tỷ USD. NASA đã có thông báo chính thức ngày 27/6/2018 vừa qua.

Việc thay đổi thời gian phóng này được cho là lần thay đổi cuối cùng trong một chuỗi các lần trì hoãn của James Webb, khi mà từ đầu NASA đã từng hy vọng Kính viễn vọng Không gian thế hệ mới này sẽ được đưa vào quỹ đạo vào năm 2007. Kể từ khi khai sinh dự án (1997), James Webb đã trải qua đến 15 lần trì hoãn và đội chi phí, với chi phí dự kiến ban đầu chỉ là nửa tỷ USD.

Ảnh: Hình vẽ đồ hoạ mô phỏng Kính viễn vọng Không gian James Webb. Credit: NASA.

Chặng đường gian nan của một đài quan sát phức tạp

James Webb (JWST) là một đài quan sát đa dụng cho phép các nhà thiên văn học nghiên cứu các ngôi sao và thiên hà đầu tiên của vũ trụ, tìm kiếm các dấu hiệu khả quan của sự sống trong bầu khí quyển của các ngoại hành tinh lân cận, và thực hiện nhiều công việc cao cấp khác. Hệ gương chính của nó rộng đến 6,5 mét, gấp 2,7 lần so với gương chính của Kính viễn vọng Không gian Hubble (2,4 mét).

James Webb đã được tối ưu hoá để nhìn thấy "thiên đàng" trong ánh sáng hồng ngoại, và các công cụ của nó do đó phải được giữ lạnh. Chiếc kính viễn vọng sẽ được đặt trên một tấm chắn Mặt Trời có kích thước tương đương một sân quần vợt, sẽ bung ra sau khi James Webb được đưa đến vị trí quỹ đạo của mình cách Trái Đất 1,5 triệu km.

Con đường đến vị trí đó khá là gập ghềnh. James Webb là một đài quan sát rất phức tạp với độ khó đã được kiểm nghiệm bởi nhà thầu chính Northrop Grumman khi mà họ liên tục bị chậm tiến độ.

Cho đến thời gian gần đây, NASA đã từng đặt mục tiêu sẽ phóng James Webb vào không gian vào tháng 10/2018. Tuy nhiên, vào tháng 09/2017, NASA thông báo rằng các quá trình lắp ráp đài quan sát sẽ bị chậm tiến độ đến mùa xuân 2019. Sau đó, tháng 03/2018, cơ quan này tiếp tục đẩy thời gian phóng lùi thêm lần nữa, đến tháng 05/2020. Lúc đó, NASA nói rằng James Webb cần thêm thời gian để kiểm thử các hệ thống phức tạp của đài quan sát không gian này.

NASA cũng thành lập một hội đồng đánh giá độc lập (IRB) vào tháng 03/2018 để giám sát sự tiến triển của dự án và đưa ra các khuyến nghị. IRB đã nộp bản báo cáo của họ cho NASA vào ngày 31/5/2018, và cơ quan này đã có phản hồi trong báo cáo ngày 26/06/2018 vừa qua. (Chi tiết báo cáo có thể đọc ở đây)

IRB đã đề xuất đến 29 tháng trì hoãn (tính từ ngày phóng dự kiến là tháng 10/2018 dời đến tháng 03/2021) bởi 5 vấn đề như sau: Lỗi do con người, vấn đề hệ thống nhúng, sự lạc quan quá mức, sự phức tạp của hệ thống, và sự thiếu kinh nghiệm trong những công việc chủ chốt, chẳng hạn như việc phát triển tấm chắn Mặt Trời.

Tiến về phía trước

Báo cáo của IRB là chìa khoá để NASA đưa ra kế hoạch mới nhất cho James Webb. Thực ra, hội đồng đánh giá đã đưa ra 32 khuyến nghị khác nhau để việc phát triển đài quan sát này được tiến triển. 30 trong số đó được NASA đồng ý hoàn toàn.

Quan trọng hơn cả, IRB đã không khuyến nghị dừng dự án. IRB cho rằng với tất cả các yếu tố đã được xem xét, họ tin rằng Kính viễn vọng Không gian James Webb nên được tiếp tục, bởi vì các mục tiêu khoa học rất thuyết phục và bởi vì sự quan trọng tầm quốc gia của James Webb.

Chi phí của dự án đã được bơm thêm từ 8,8 tỷ USD trước đó lên 9,66 tỷ USD. Chi phí dự kiến ban đầu của dự án này chỉ là nửa tỷ USD (1997).

Bảng thống kê các lần trì hoãn và gia tăng chi phí của dự án phát triển Kính viễn vọng Không gian James Webb.

Năm Thời gian phóng dự kiến Chi phí (Tỷ USD)
1997 2007 0.5
1998 2007 1
1999 2007 dời sang 2008 1
2000 2009 1.8
2002 2010 2.5
2003 2011 2.5
2005 2013 3
2006 2014 4.5
2008 2014 5.1
2010 2015 dời sang 2016 6.5
2011 2018 8.7
2013 2018 8.8
2017 2019 8.8
2018 2020 ≥8.8
2018 2021 9.66

Theo Space

Tham khảo