Dựa trên thử nghiệm trên loài chuột, nhóm nghiên cứu tại Đại học California đã chỉ ra rằng trong quá trình di chuyển tới sao Hỏa, các phi hành gia sẽ chịu ảnh hưởng liên tục bởi tia vũ trụ khiến cho não bộ của họ bị tổn thương không thể nào phục hồi được. Phát hiện này khiến cho tính khả thi của các sứ mạng chinh phục sao Hỏa của con người phần nào bị lung lay, đòi hỏi phải sớm có công nghệ khắc phục để biến giấc mơ này trở thành hiện thực trong tương lai.

Vật Lý Thiên Văn - Chia sẻ niềm đam mê!

Do không có được sự bảo vệ của từ quyển như ở dưới Trái Đất, các hạt cao năng lượng trong tia vũ trụ (tàn dư của những vụ nổ siêu tân tinh trong quá khứ) luôn sẵn sàng bắn phá và xâm nhập bất cứ chiếc tàu vũ trụ nào đang trên đường đến Sao Hỏa. Nhằm tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra với não bộ con người trong chiến hành trình dài ngày tới sao Hỏa, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Charles Limoli tại Đại học California đã thực hiện thử nghiệm trên chuột.

Trong thí nghiệm được thực hiện tại phòng thí nghiệm bức xạ không gian của NASA, họ đặt con chuột vào trong môi trường được chiếu 1 tia phóng xạ cao năng lượng với liều lượng tương đương 6 chuyến đi lên sao Hỏa (đối với chuột). Tia phóng xạ được tạo ra bằng cách ion hóa hoàn toàn Oxy và Titan - một trong những loại tia phóng xạ nguy hiểm nhất trong vũ trụ mà các phi hành gia sẽ phải đối mặt trên hành trình dài hơn 860 ngày lên sao Hỏa.

Những con chuột thí nghiệm đã được tiêm thuốc nhuộm đễ dễ quan sát các tế bào thần kinh. 6 tuần sau khi cho nhiễm xạ, số lượng sợi nhánh (những nhánh nhô ra từ tế bào thần kinh để truyền tín hiệu điện) của những con chuột đã giảm đi đáng kể. Chính các hạt mang điện từ tia phóng xạ đã phá vỡ những sợi nhánh này và hệ quả tất yếu chính là bệnh Alzheimer. Để tìm hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của việc mất sợi nhánh tới khả năng nhận thức, nhóm tiến hành các bài test sự tiếp thu và trí nhớ. Kết quả cho thấy so với những con chuột bình thường, "chuột du hành không gian" tỏ ra kém tò mò trong những tình huống mới và trở nên dễ nhầm lẫn trong môi trường hơn.

Video giới thiệu về nghiên cứu các tác động của tia vũ trụ đối với các phi hành gia sao Hỏa:

Đối với con người, những thay đổi trong tế bào thần kinh tương tự có thể ảnh hưởng tới khả năng nhận thức không gian và gợi nhớ lại thông tin. Trong báo cáo đăng tải trên Science Andvances, giáo sư Limoli cho biết: "Đây không phải là những ảnh hưởng tích cực đối với các phi hành gia trong chuyến đi kéo dài gần 2-3 năm tới sao Hỏa. Sự suy giảm hiệu suất, mất trí nhớ, mất nhận thức và sự tập trung có thể ảnh hưởng tới nhiệm vụ mà họ phải thực hiện trong ngắn hạn, đồng thời có thể để lại những di chứng vĩnh viễn trong phần đời còn lại của họ."

Tuy nhiên, nghiên cứu này không có nghĩa là sứ mạng sao Hỏa sẽ không thực hiện được. Giáo sư Limoli và các nhà nghiên cứu đang tìm cách tăng cường khả năng che chắn trên phi thuyền cũng như trang bị bảo hộ nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của tia vũ trụ đối với con người. Mặt khác, họ cũng phát triển những loại thuốc nhằm bảo vệ các tế bào thần kinh ngay từ bên trong cơ thể người.

Nguồn: Tinh Tế
(Tham khảo UCI, Advances, DV)